Wednesday, March 16, 2011


         TÌNH XƯA
                                 Tạ Quang Khôi

Ô
ng Kiệm và bà Phượng yêu nhau từ hồi còn trẻ. Ông là sinh viên đại học, còn bà mới là nữ sinh lớp đệ Tứ trung học. Hai người thề thốt sẽ thành chồng thành vợ. Nhưng lời thề của ông bà không được hai bên cha mẹ chấp thuận. Ông bà đành ngậm ngùi chia tay sau một buổi khóc lóc như mưa như gió. Rồi, khi tốt nghiệp đại học, ông lấy vợ. Bà chưa học hết trung học cũng sang ngang với một ông sĩ quan cấp tá, bạn học cũ của anh bà.
            Cuộc đời tưởng thế là xong, mỗi người đi một ngả đường, không còn bao giờ gặp lại nhau nữa. Nhưng hình như duyên vẫn còn, nợ chưa dứt, ông bà tình cờ gặp lại nhau trên mảnh đất xa quê hương nửa vòng trái đất này. Trong một tiệm ăn Việt Nam, bà nhận ra ông vì ông tuy có già đi nhiều nhưng những nét chính vẫn còn nguyên. Ông không nhận ra bà vì bà thay đổi quá nhiều, mập gấp đôi hồi trẻ. Chỉ khi bà nhoẻn miệng cười ông mới nhận ra nụ cười tươi tắn ngày xưa.
            Hai người nhanh chóng thân mật trở lại, rồi gắn bó khi biết hoàn cảnh cảnh hiện tại của nhau. Cả hai ông bà cùng góa. Chồng bà chết trong trại tù cải tạo, vợ ông mới ra đi bất ngờ khoảng một năm trước vì tai biến mạch máu não. Con cái đều đã lớn và đã ở riêng. Tình xưa lại “lai láng không hàn”. Ông bà quyết định nối lại lời thề cũ. Một đám cưới liền được tổ chức một cách đơn giản. Gọi là đám cưới cho vui, thực ra chỉ là một bữa tiệc nhỏ để trình diện “cụ dâu”, “cụ rể” với bà con hai họ, gồm con ông, con bà và đàn cháu nội, ngoại, không quá ba thồi.
Sau đó, ông về nhà bà để động phòng hoa chúc. Sở dĩ rể phải đến nhà dâu vì rể đang ở trong một nhà già, còn dâu chưa đến tuổi về hưu nên vẫn còn đi làm và có nhà riêng, một biệt thự nhỏ, xinh xắn trong một khu yên tĩnh. Khỏi nói cũng biết ông mừng lắm. Ðã được gặp lại người xưa, lại được ở nhà khang trang, riêng biệt. Từ ngày sang Mỹ, Ông cũng đã từng mua nhà, nhưng chỉ là nhà phố mà người ta gọi là townhouse, chưa bao giờ đủ khả năng mua biệt thự (hay cũng gọi là single house). Ông tính rằng nhà già thì cứ để đó, ông sẽ chạy đi chạy về khi bà đi làm vắng.
Ðã gặp được người xưa lại được ở nhà đẹp, ông tự coi mình đã “chuột sa chĩnh gạo”. Vui ơi là vui ! Các con ông cũng mừng cho ông. Cuộc đời ông không đến nỗi ba đào, chìm nổi, nhưng cũng chỉ vào loại mát mày mát mặt, không phải vay mượn. Khi sang Mỹ, hai vợ chồng ông đều đi làm để lo cho lũ con năm đứa học hành đến nơi đến chốn. Bà vợ ông chưa kịp về hưu đã vội về với tổ tiên.  Ông thầm nghĩ rằng thà bà đi nhanh như vậy mà lại sướng cái thân, chứ nằm liệt nửa người, không những khổ thân mình mà còn khổ lây cả chồng con nữa.  
Bây giờ được gặp lại người xưa, ông rất vui, không ngờ hậu vận mình lại tốt đẹp như vậy. Bà Phượng tuy hơi mập nhưng cũng vẫn còn những nét xinh đẹp, dễ thương ngày xưa. Bà rất chiều ông. Mỗi khi có việc đi phố, bà thường ghé vào chợ Việt Nam mua những món ông thích ăn. Ðể đáp lại, ông cũng lo việc nội trợ rất chu đáo. Ông đi chợ, mua đồ ăn về nấu nướng để hai vợ chồng cùng ăn. Ngoài ra, ông cũng dọn dẹp nhà cửa cho sạch sẽ. Ông bầy biện lại, trang hoàng căn nhà cho thành một tổ ấm. Các con ông, con bà đều vui vẻ, hòa thuận. Họ mới quen nhau mà đã thân mật rất nhanh. Họ coi nhau như anh em ruột thịt.
Nhưng cuộc trăng mật của hai ông bà chỉ kéo dài vừa đúng hai tuần thì cơm đã không lành, canh cũng không ngọt nữa. Lủng củng bắt đầu vào đêm cuối cùng bà được nghỉ hàng năm để làm đám cưới với ông. Bà phải đi ngủ sớm để hôm sau đi làm lại, ông ngồi xem ti vi đến quá nửa đêm. Khi ông vào giường thì bà đã ngủ say. Ông nằm xuống cạnh bà rồi mơn trớn, vuốt ve làm bà thức giấc. Bà xin ông cho bà ngủ yên để hôm sau tỉnh táo đến sở. Nhưng ông không nghe, bắt bà phải chiều. Bà đành chiều nhưng lòng ấm ức. Xong việc, ông nằm lăn quay ra ngủ. Bà trằn trọc mãi vì giở giấc, vì tiếng ngáy của ông lớn quá. Cuối cùng, bà phải chuyển sang phòng ngủ dành cho khách.
Ðến gần sáng, thức giấc, ông không thấy bà nằm cạnh thì ngạc nhiên, vội đi tìm. Ông lại đánh thức bà dậy, bắt về nằm chung với ông. Bà không chịu, ông đành nằm cạnh bà. Lần này thì ông không đòi hỏi gì, chỉ ôm bà rồi ngủ tiếp một cách dễ dàng. Bà lại mất ngủ cũng vì giở giấc và vì…mùi hôi từ miệng ông phì ra. Lần này bà không ấm ức nữa mà giận ông đã quấy phá giấc ngủ của bà. Không còn kiêng nể nữa, bà hất tay ông ra, rồi vùng ngồi dậy. Trời đã hửng sáng, không dám ngủ lại nữa, sợ quá giấc, bà đành dậy luôn.
Suốt ngày hôm ấy bà mệt mỏi, buồn ngủ, làm việc uể oải. Hàng ngày bà chỉ uống có một ly cà phê, hôm nay bà đã phải uống tới ba ly mà vẫn không hết buồn ngủ. Bà giận ông đã hành hạ bà quá đáng. Ông là người độc đoán, không biết chiều vợ. Buổi tối đi làm về, bà không nói chuyện với ông, dù hai người vẫn ngồi ăn chung bàn. Ông hỏi gì bà chỉ trả lời cụt ngủn “có” hoặc “không”. Sau bữa ăn, bà lại vào phòng ngủ dành cho khách, rồi khóa trái cửa lại. Nửa đêm, xem ti vi xong, ông gọi cửa, bà nhất định không mở. Cuối cùng ông đành về phòng ngủ một mình.
Hôm sau, bà đi làm trước khi ông dậy. Ong thấy bà giận hờn, tỏ vẻ lạnh nhạt, cũng hơi ngạc nhiên. Chuyện có gì quan trọng đâu. Vợ chồng ân ái là thường, tại sao bà lại tỏ ra khó khăn với ông ? Mới đâu ông cũng định xin lỗi để giàn hòa, sau nghĩ lại, ông cho là bà vô lý, nên làm ngơ luôn. Ðã giận thì cứ việc giận, ông thầm nghĩ. Không những thế, ông cho là bà ỷ của, giầu hơn ông nên làm phách. Lòng tự ái nổi lên, ông củng giận bà. Ông không thèm nấu cơm như mọi bữa nữa.
Ði làm về, bà, bà nấu cơm, rồi lấy đồ ăn cũ trong tủ lạnh ra hâm lại.  Tuy giận, bà vẫn dọn bàn cho hai người. Nhưng ông không thích ngồi chung bàn với bà, lấy đồ ăn khác trong tủ lạnh ra, rồi ra phòng khách vừa ăn vừa xem ti vi. Hai người không hề trao đổi với nhau một lời. Ăn xong, bà chỉ rửa chén riệng phần của bà, rồi vào phòng riêng ngủ ngay. Bà cố ý không khóa cửa xem ông có vào làm hòa không. Bà tính nếu ông làm hòa, bà sẽ quên chuyện cũ để lại ngủ chung với ông với điều kiện ông phải để bà ngủ để có sức đi làm ngày mai. Việc ân ái dồn vào hai ngày nghỉ cuối tuần. Bà nghĩ rằng vợ chồng thỉnh thoảng đụng chạm nhẹ để hiểu rõ nhau hơn, không lẽ chỉ có một bất hòa nhỏ đã vội bỏ nhau.
Nhưng đêm hôm đó, ông cho bà ngủ yên một mạch đến sáng. Rồi đêm hôm sau cũng vậy. Bà ngạc nhiên về sự lạnh nhạt của ông. Tuy thế, bà vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Cho đến cuối tuần, ông vẫn làm ngơ. Sáng thứ bảy, bà đành làm quen trước, đề nghị trưa nay hai vợ chồng đi ăn buffet ở một tiệm Tầu. Ông vẫn giữ vẻ mặt lạnh nhạt chăm chú xem ti vi. Bà đên ngồi cạnh ông trên ghế đệm dài, nhắc lại đề nghị cùng đi ăn trưa. Ông không trả lời, cũng không có phản ứng gì khi bà ngồi sát vào ông, coi như không biết bà là ai. Chờ một lúc, không thấy ông nói năng gì, bà đành đứng lên, vào phòng riêng để trang điểm, rồi lái xe đến thăm người con gái và mấy cháu ngoại. Thấy mẹ buồn, cô con gái hỏi lý do, bà không trả lời. Cô lại hỏi đến “bác Kiệm”, bà cũng làm ngơ. Cô tinh ý hiểu hai ông bà già giận hờn nhau nên không hỏi tiếp nữa. Chơi với cháu ngoại một lúc, bà ra về. Khi tiễn mẹ ra cửa, cô con gái ngỏ lời chúc “bác Kiệm” mạnh khỏe. Bà liền nói :
“Muốn chúc thì sang tận nơi mà chúc, tao không rỗi hơi mà chuyển lời.”
Cô con gái biết có chuyện bất hòa giữa hai ông bà già, bèn cười phá lên :
“Trời đất ơi, các cụ mà cũng giận lẫy nhau nữa sao ?”
Lúc đó bà mới ấm ức nói :
“Ông ấy làm phách, tao lã làm hòa mà mặt cứ vác lên, không thèm nói với tao một lời. Ðã làm phách, tao cho phách luôn. Tao đâu cần.”
Cô con gái sốt sắng đề nghị :
“Ðể con sang nói chuyện với bác…”
Bà liền ngăn lại :
“Ðừng có dây vào chuyện riêng của tao. Mày tới, ổng lại tưởng tao cầu cứu mày.”
Cô con gái biết tính mẹ, không dám nói gì thêm.
Bà đi chơi loanh quanh, vào các trung tâm thương mại, đến thăm một người bạn cùng sở, rủ bạn đi ăn trưa. Rồi hai người đi mua bán lặt vặt đến tận chiều tối. Bà về nhà, thấy nhà vắng tanh. Bà tìm khắp nơi cũng không thấy ông đâu. Bà cũng hơi buồn vì nhớ ông. Phân vân một lúc, bà gọi diện thọai tới nhà già cho ông. Chuông reo nhiều hồi nhưng không ai trả lời. Bà băn khoăn không hiểu ông đi đâu vào giờ này. Bà đành ăn cơm một mình, nhưng chưa ăn xong, bà chợt nhớ tới các con ông. Bà vội buông bát buông đữa, gọi điện thoại cho người con gái lớn của ông. Bà rụt rè hỏi cô có biết ông hiện ở đâu không ? Cô tỏ vẻ hơi ngạc nhiên cho biết cô vừa nói chuyện điện thoại với ông, tưởng ông đang ở nhà với bà. Cô hứa sẽ gọi cho anh chị em cô để hỏi tin tức về ông, rồi trả lời cho bà.
Chừng 15 phút sau, bà vừa rửa chén xong, cô gọi lại cho biết ông đang ở nhà già vì cô lại vừa nói chuyện với ông. Bà chợt hiểu ông không muốn nói chuyện với bà. Ông có máy ghi số điện thoại người gọi. Ông không nhắc điện thoại lên khi thấy số của bà hiện ra trong máy. Muốn thử xem dự đoáncủa mình có đúng không, bà lái xe tới một trung tâm thương mại gần nhà, dùng điện thoạicông cộng để gọi cho ông. Chuông reo chưa hết hồi thứ nhất, bà đã nghe tiếng ông trong máy. Nhưng khi bà vừa nói “Anh ơi !” thì ông cắt ngay. Lần này thì bà giận đến run cả tay chân. Rõ ràng ông không muốn nói chuyện với bà. Thì ra ông vẫn thù bà. Người gì mà hẹp hòi, thù dai như vậy. Bà đã cố gắng làm hòa nhiều lần mà vẫn không hết giận.
Về nhà, bà quyết định không liên lạc với ông nữa, nhưng vẫn sẵn sàng chờ đợi ông trở lại. Bà thầm nghĩ dù sao hai người cũng đã yêu nhau từ hồi còn trẻ, bây giờ gặp lại, đã thành chồng thành vợ, đầu gối tay ấp, dễ gì mà bỏ nhau được. Nếu xét kỹ, bà cũng chẳng có lỗi gì.
Ngày chủ nhật qua đi một cách buồn tẻ. Không có ông, bà cũng thấy nhà vắng vẻ. Hai tuần lễ trăng mật, căn nhà đã biến thành một tổ ấm. Bây giờ bà lại cô đơn như trước. Ðã có lúc bà định cầu cứu các con ông, nhưng rồi lòng tự ái không cho phép bà hạ mình thấp quá như vậy.
Thứ hai, bà đi làm như thường. Suốt ngày bà chỉ nghĩ đến ông nên công việc sở hơi bê trễ. Buổi chiều về, vừa mở cửa, bà có cảm giác nhà có một chút hơi ấm quen thuộc. Nhưng bà tìm khắp nơi, không thấy ai hết. Bà hơi thất vọng, cho là mình vì nhớ nhung nên tưởng như vậy.
Hôm sau và hôm sau nữa, khi đi làm về, bà vẫn có cảm giác đó. Bà nghĩ bà không lầm. Trong khi ngồi ăn cơm, bà chợt có ý kiến thử nghiệm. Trước khi đi làm, bà viết cho ông một lá thư, xin ông đừng quá nhỏ nhen, cố chấp để cuộc tình không bị tan vỡ. Bà để lá thư giữa bàn ăn và kín đáo đánh dấu.
Buổi chiều về, bà thấy thư vẫn để đúng chỗ cũ, nhưng dấu đã mất. Dấu là một sợi tóc nhỏ để giữa trang giấy. Nếu có người vô tình cầm lá thư lên, sợi tóc sẽ rơi mất. Dù lá thư được để lại đúng chỗ cũ, nhưng không còn sợi tóc thì bà biết đã có người đọc. Nhà đóng kín cửa, không có gió, sợi tóc không thểtự bay đi được.
Bà thử nghiệm như vậy thêm hai ngày nữa, mỗi lần một lá thư mới viết và một dấu khác. Hôm thì một cây tăm bẻ đôi để ở cuối trang giấy, hôm thì nửa hột đậu phọng sát cạnh chữ ký của bà. Thư vẫn còn nguyên chỗ cũ, nhưng dấu không còn. Như vậy là ông vẫn đến nhà bà mà không chịu hòa với bà. Bà thắc mắc tại sao ông lại chơi trò ú tim như vậy ? Ông đến nhà bà tức là ông còn yêu bà, sao vẫn khăng khăng không chịu hòa với bà ? Ông đúng là con người kỳ cục.
Bà chờ thêm một tuần nữa, nhưng trong tuần này bà không viết thư cho ông nữa, xem ông sẽ đối sử với bà thế nào. Ông vẫn đến nhà bà, nhưng vẫn không chịu xuất đầu lộ diện. Tại sao lại có thể như vậy được ? Ông đã không cần bà, còn đến nhà bà làm gì nữa ? Bà rất bực mình về thái độ khó hiểu của ông. Hay ông vẫn yêu bà, cần hơi hướm của bà, nhưng lại vì tự ái mà không muốn tiếp xúc thẳng với bà ? Như vậy, ông tự mâu thuẫn chăng ? Bà nghĩ rằng tất cả mọi thứ đều phải có giới hạn, đi quá mức sẽ thành nhàm chán và có thể đưa đến đổ vỡ. Ông đã đi quá mức và coi thường bà khiến tự ái của bà bị tổn thương nặng nề. Bà không muốn kéo dài trò chơi này nữa.
Cuối tuần, bà gọi thợ khóa đến thay hai ổ khóa, cửa trước và cửa sau. Tuy vậy, bà vẫn sẵn sàng trao cho ông chìa khóa mới nếu ông chịu đến gặp bà, chấm dứt trò chơi ú tim này. Nếu ông không muốn nối lại mối tình của hai người nữa, bà coi như không còn liên hệ gì với nhau. Nghĩ đến sự tan vỡ, bà nghe lòng buồn tê tái.  Hồi trẻ, khi hai người bị gia đình ngăn cấm, bà đã khóc nhiều đêm đến nỗi mỗi khi ra khỏi nhà bà phải đeo kính đen để che giấu cặp mắt xưng húp. Bây giờ bà không khóc nữa, nhưng lòng xót xa, tiếc nuối. Mới gặp lại nhau, tưởng sẽ cùng hưởng hạnh phúc cuối đời, ai ngờ chỉ trong một thời gian ngắn đã lại phải chia tay.
Chiều thứ hai, đi làm về, vừa mở cửa, bà trông thấy một tờ giấy luồn dưới khe cửa. Bà vội nhặt lên, nhận ra tuồng chữ của ông ngay :”Xin bà cho tôi vô lấy hết đồ của tôi còn để trong nhà bà. Kiệm.” Lúc đó bà mới nhớ ra rằng khi dọn đến ở chung với bà, ông đã mang hết quần áo và nhiều đồ dùng hàng ngày đến nhà bà. Tất nhiên bà phải cho ông lấy về. Suy nghĩ một lát, bà gọi điện thoại cho ông. Chỉ mới một hồi chuông reo, bà đã nghe tiếng ông ở đầu dây bên kia. Bà hỏi :
“Anh định đến lúc nào, em sẽ đợi ?”
Bà vẫn xưng em với ông một cách ngọt ngào. Ông trả lời bằng một giọng lạnh nhạt, cứng cỏi :
“Bà rảnh giờ nào, tôi đến giờ đó.”
“Em đi làm, chỉ rảnh buổi tối thôi…À, hay ngay bây giờ em đến đón anh nhé ? Trong vòng mười lăm phút nữa, em sẽ găp anh.”
Không đợi ông trả lời, bà cắt điện thoại, rồi hấp tấp ra xe. Phố xá vào giờ tan sở hơi bị kẹt, nhưng bà cũng đến đúng hẹn. Ông đã đợi sẵn ở bãi đậu xe của khu bin đinh. Ông vừa lên xe, bà vui vẻ hỏi :
“Anh vẫn mạnh ?”
Ông lạnh nhạt :
“Cũng chưa đến nỗi chết đường chết chợ.”
Bà phì cười vì cái giọng hờn giận của ông, nhưng không nói gì thêm. Khi xe chạy được một quãng, ông bỗng ngạc nhiên kêu lên :
“Bà định đưa tôi đi đâu thế này ? Tôi muốn tới nhà bà để lấy đồ mà.”
Bà cười, vui vẻ nói :
“Tối nay, mình đi ăn tiệm.”
Ông vẫn lạnh lùng :
“Tôi ăn cơm rồi.”
Bà lắc đầu :
“Không, em biết anh chưa ăn gì hết…Dù mới chỉ ở chung với anh có vài tuần, em cũng đã biết thói quen của anh. Giờ này chưa phải là giờ ăn của của anh,”
Ông im lặng, Một lát sau, ông nói một cách gượng gạo :
“Tôi chỉ muốn tới nhà bà lấy đồ thôi.”
Bà nghiêm nghị nói :
“Em yêu cầu anh đừng kêu em là bà nữa mà cũng đừng xưng tôi với em.”
Ông lại im lặng, nhưng ngoan ngoãn đi theo bà vào một tiệm ăn Tầu. Sau khi gọi món ăn, toàn những món ông thích, bà mỉm cười hỏi :
“Sao ? Anh hết giận em chưa ?”
Ông không đáp. Bà phải nhắc lại câu hỏi một lần nữa, ông mới lừng khừng nói :
“Bà ỷ giầu chơi khó tôi…”
Bà liền ngắt :
           “Không có ông bà gì nữa, chỉ có anh em thôi. Anh đừng nghĩ vậy, oan cho em. Có bao giờ em ỷ giầu để lên mặt với anh đâu. Mà em đâu có giầu gì cho cam…Anh mới là người chơi khó em. Sau đêm hôm đó, em đã làm hòa mấy lần với anh, nhưng anh vẫn làm ngơ. Mình già cả rồi, ai cũng có thói quen riêng, bây giờ phải thích ứng để sống hòa thuận với nhau không phải là dễ, cần có thời gian…Mình đâu còn là con nít mà mỗi lần hờn giận lại nghỉ chơi nhau ra. Các con chúng nó cười cho chết. “
Ông ấp úng :
“Nhưng…nhưng em…lên mặt với anh…”
Thấy ông đã đổi cách xưng hô, bà vui lắm. Vừa lúc đó hầu bàn đem đồ ăn ra. Bà liền hỏi ông thích uống rượu chát hay bia ? Ông nhìn những món ăn bày la liệt trên mặt bàn, lắc đầu nói :
“Em kêu nhiều thế này thì làm sao ăn hết được. Thôi, anh uống trà nóng cũng được rồi.”
Bà thầm nghĩ :”Thế là xong !”  Ðúng như bà nghĩ, mọi chuyện đã êm xuôi. Ông đã vui vẻ trở lại. Khi ra xe về nhà, ông thú nhận đã đùa quá dai nên không giận bà khi bà đổi ổ khóa, một cách gián tiếp đuổi ông. Nhưng ông thật buồn vì tưởng rằng mối tình dang dở ngày xưa vừa nối lại đã tan vỡ nhanh chóng. Ông hứa sẽ chiều bà hơn và thay đổi một số thói quen để thích ứng với hoàn cảnh mới. Bà nắm chặt tay ông, nghẹn ngào không nói nên lời vì cảm động.
                                                                   Tạ Quang Khôi  (1/1/2008)  

Friday, March 11, 2011

HỒI SINH

Truyện ngắn
Tạ Quang Khôi


Hồng Thu hồi hộp nhìn qua cửa sổ, chờ đợi người tình để cùng tới tòa án quận làm hôn thú. Nàng nghe lòng rộn rã, vui tươi. Nàng đoán Hưng cũng vui như nàng lúc này. “Không chừng chàng còn vui hơn mình nữa,” nàng mỉm cười nói một mình.
Hồng Thu và Hưng chỉ mới yêu nhau không đầy nửa năm mà đã quyết định chính thức thành vợ thành chồng. Hơn một lần nàng thầm tự hỏi như vậy có quá vội không ? Rồi nàng lại tự trả lời “Không !”. Nàng và Hưng quen nhau đã nhiều năm, không phải chỉ mới năm, bảy tháng. Nhưng sự quen biết này cũng có hơi khác thường.
Thoạt tiên, Hồng Thu chỉ quen vợ của Hưng khi hai người cùng làm một sở, cách đây khoảng năm, sáu năm. Họ thân nhau đến độ kết làm chị em. Nhạn thua Hồng Thu ngót mười tuổi nên làm em. Hai người lúc nào cũng chị chị, em em như ruột thịt. Hưng chỉ hơn vợ hai tuổi nên cũng gọi Hồng Thu là chị và xưng em. Tình bạn càng ngày càng trở nên thắm thiết, coi nhau như một gia đình, có chuyện gì cũng bàn với nhau, không hề giấu diếm.
Vợ chồng Hưng có hai con, một trai một gái. Cả hai đều sắp học xong trung học và gọi Hồng Thu bằng bác. Hồng Thu chỉ có một con trai và đang học đại học, nội trú ở một tiểu bang khác. Vừa đường xá xa xôi vừa bận học, thằng nhỏ ít khi về thăm mẹ.
Chồng Hồng Thu đã chết trong trại tù cải tạo ở một tỉnh miền rừng núi Bắc Việt. Khi nghe tin chồng chết, nàng đau khổ đến thẫn thờ cả người, lúc nào cũng nguyền rủa bọn cộng sản đã giết chồng. Lắm lúc nàng không thiết sống nữa, nhưng đứa con nhỏ đã không cho phép nàng liều lĩnh. Cha mẹ và các anh chị em nàng thay phiên nhau đến khuyên nhủ, an ủi nàng. Họ tìm mọi cách để làm nàng vui. Dần dần nàng cũng khuây khỏa phần nào. Nhưng trong lòng, vẫn tự cho là mình đã chết, hồn đi theo chồng, xác còn ở lại để lo cho con. Nàng chính là một “vị vong nhân”. Cả năm sau nàng mới thực sự lấy lại được bình tĩnh.
Một hôm, nhìn con vô tư đùa nghịch, nàng chợt nhận ra rằng con nàng không thể sống chung với kẻ thù đã giết chết cha nó. Tương lai của một đứa con “ngụy quân” vô cùng mờ mịt. Thế là nàng quyết định ôm con ra biển tìm tự do. Cuộc vượt biên thành công và hai mẹ con nàng được định cư ở Mỹ. Sau một thời gian học Anh văn, nàng xin đi làm. Trong mấy năm đầu, nàng đã phải thay đổi công việc nhiều lần. Cuối cùng nàng đuợc làm chung sở với Nhạn. Có gia đình Nhạn, nàng cũng cảm thấy đỡ cô đơn. Ngoài giờ làm việc, chị em chạy qua chạy lại, cùng đi mua bán, cùng tham dự những buổi giải trí công cộng. Rồi nàng coi gia đình cô em kết nghĩa như chính gia đình mình. Vui buồn có nhau.
Nhưng niềm vui chóng qua, buồn đau dồn dập bỗng kéo tới. Nhạn bất thình lình lên cơn đau tim rồi ra đi một cách tức tủi. Vì thương hai đứa con của Nhạn không ai chăm nom, lo lăng, nàng thường lui tới để chỉ bảo các cháu thay mặt mẹ chúng.
Thời gian trôi nhanh, ngày giỗ đầu của Nhạn đã tới. Hưng là đàn ông, lúng túng không biết nấu nướng gì, Hồng Thu phải lo hết. Nàng vẫn thầm tự nhủ: ” Đã kết nghĩa là chị em thì mình cũng nên lo cho cô ấy đàng hoàng.”
Rồi sau ngày giỗ ít lâu, Hưng bỗng nói với Hồng Thu :
”Chị ạ, đêm qua em mơ thấy nhà em về.”
Nàng vui vẻ hỏi :
”Trông cô ấy thế nào ? Có vui không ?”
Hưng khẽ thở dài, lắc đầu :
”Không, chị ạ. Trông nhà em buồn lắm.”
Nàng buột miệng :
”Tội nghiệp ! Chắc cổ nhớ chồng nhớ con.”
Giữ im lặng một lát, Hưng nói :
”Nhà em… khuyên em…”
Không thấy Hưng nói tiếp nàng tò mò hỏi :
”Khuyên chú cái gì ?”
Hưng rụt rè một lát :
”Khuyên em nên… tục huyền…”
Nàng vui vẻ reo lên :
” Ồ, nên lắm, nên lắm !”
Hưng chép miệng :
”Nhưng em rất sợ cảnh dì ghẻ con chồng vì em cũng thương các cháu lắm. Đó là những kỷ niệm quý báu mà nhà em để lại cho em.”
Nàng góp ý :
”Chú nên tìm người nào cũng thương các cháu như con ruột.”
“Dạ, em cũng nghĩ như vậy…Mà nhà em cũng muốn như vậy.”
“Thế chú đã kiếm được ai chưa ?”
Hưng nhìn ra ngoài cửa sổ với vẻ mặt buồn buồn, đăm chiêu :
”Nhà em đã kiếm giùm em.”
Nàng lại reo lên lần nữa :
”Như vậy thì tuyệt quá rồi. Cô mà chọn thì chắc phải đúng.”
“Dạ, đúng, nhưng…nhưng…khó quá.”
Nàng tò mò :
”Khó như thế nào ?”
Hưng giữ im lặng rất lâu khiến nàng bắt đầu sốt ruột, nhưng không tiện giục. Cuối cùng Hưng nói với một vẻ lo lắng :
”Sợ người ấy không chịu.”
Nàng liền hỏi :
”Ai mà khó vậy ?”
Hưng lắc đầu :
”Em biết người ấy không khó, nhưng chuyện này hơi…kỳ cục.”
“Chú thử nói tên xem tôi có quen không. Nếu quen, tôi sẽ cố gắng thuyết phục giùm chú.”
“Dạ, em cũng mong chị cố gắng thuyết phục giùm em.”
Nàng sốt sắng :
”Tôi hứa sẽ thuyết phục bằng được.”
Hưng bỗng đổi mặt buồn thành vui :
”Được chị hứa là em mừng rồi. Thế nào em cũng thành công.”
Nàng liền gật đầu :
”Tôi cũng nghĩ vậy. Nào chú cho tôi biết tên người đó đi.”
Hưng lại ngập ngừng, rồi bẽn lẽn nhìn nàng nói :
”Người đó chính là…chị”
Nàng vụt đứng lên, la lớn :
”Cái gì ? Chú nói cái gì ?”
Hưng giữ im lặng, chỉ đắm đuối nhìn nàng. Nàng bỗng trở nên lúng túng trước vẻ đắm đuối ấy. Nàng nhìn quanh như muốn cầu cứu ai, nhưng căn nhà vắng tanh vì hai con của Hưng đã đi chơi. Như muốn trốn đôi mắt đắm đuối của Hưng, nàng quơ vội cái bóp để trên bàn, chạy ra xe hơi, mở máy phóng thẳng về nhà.
Chuyện bất ngờ xảy ra làm Hồng Thu hoảng hốt, hồi hộp không nguôi. Chưa bao giờ nàng thấy có một cuộc tỏ tình kỳ lạ như vậy. Nàng không trách Hưng, chỉ ngạc nhiên vì dù sao nàng với Hưng cũng không phải là chị em, không họ hàng thân thích. Hưng cũng không phải là người đàn ông xấu xí hay hư hỏng. Không những thế, nàng còn cho rằng Hưng có thể kiếm vợ trong đám những cô gái trẻ, chưa chồng, vì Hưng cao lớn, đẹp trai và có nghề nghiệp vững chắc. Tại sao Hưng lại chọn nàng ? Nàng không những hơn tuổi Hưng mà cũng không phải là người có nhan sắc “chim sa cá lặn”.
Thật ra, Hồng Thu cũng là người đàn bà xinh đẹp nhưng từ ngày góa chồng, nàng tự coi mình như sống tạm, chưa chết mà thôi, như ngày xưa người ta vẫn quan niệm người đàn bà góa chồng là “vị vong nhân”. Nàng không trang điểm để đàn ông không chú ý, có như vậy mới không bị ai làm phiền, nàng thầm nghĩ. Do đó, trong ngót hai chục năm qua, chỉ có một vài người tỏ tình với nàng, nhưng không tha thiết lắm. Khi nàng từ chối, họ bỏ đi mất tiêu ngay. Đôi khi nàng cũng cảm thấy lẻ loi, buồn bã, nhất là từ ngày thằng con nàng vào ở nội trú. Có những đêm nằm trằn trọc, nàng cũng thoáng nghĩ tới một cuộc sống lứa đôi. Trong thời gian gần đây thỉnh thoảng nàng cũng mơ ước một vòng tay đàn ông rắn chắc. Nàng vội vàng xua đuổi niềm mơ ước “tội lỗi” đó đi.
Nay bỗng được Hưng tỏ tình, Hồng Thu vừa ngạc nhiên vừa mừng thầm. “Ừ, nàng tự nhủ, mình đâu có phải là đồ bỏ” Lòng tự ái của nàng đã được
thoả mãn phần nào. Tuy nhiên, nàng vẫn thấy “nó kỳ kỳ làm sao ấy”. Đang là chị em, bỗng nay thành vợ chồng. Có thể bạn bè, những người chung quanh, sẽ cho là “gà què ăn quẩn cối xay”. Bộ trên đời này hết đàn ông rồi sao ?
Về đến nhà, Hồng Thu quyết định cắt đứt liên lạc với Hưng. Không, nàng nói thầm với mình, không thể làm vợ chú ấy được. Nhưng cái quyết định ấy cũng khiến nàng hơi tiêng tiếc. Tự nhiên nàng thấy căn nhà của mình trống trải làm sao ấy. Nàng thay quần áo rồi lên giường nằm suy nghĩ vẩn vơ. Đôi mắt đắm đuối của Hưng lại ám ảnh nàng, không làm sao xua đuổi được. Bỗng chuông điện thoại reo vang. Nàng chồm dậy định nhấc máy lên nghe, nhưng khi thấy số của người gọi là số của nhà Hưng, nàng kịp thời ngừng lại.
Suốt ngày hôm đó chuông điện thoại reo nhiều lần. Đến chiều tối, có tiếng gõ cửa. Nhưng Hồng Thu không mở vì thấy Hưng đứng chờ bên ngoài.
Hôm sau, Hồng Thu đến sở làm, đã thấy Hưng đợi ở bãi đậu xe. Nàng hơi giật mình hoảng sợ, tự hỏi phải đối phó thế nào nếu Hưng bước đến hỏi chuyện. Nhưng may quá, Hưng không làm phiền nàng. Anh chỉ đứng xa xa ngó nàng với đôi mắt buồn thảm, tuyệt vọng. Đôi mắt ấy đã làm nàng mất bình tĩnh suốt ngày hôm đó.
Rồi mấy ngày liền, nàng tìm cách lẩn tránh Hưng. Đến cuối tuần, nàng nhận được thư của con Hưng. Hai đứa than bị cha bỏ đói vì suốt ngày cha chúng chỉ ngồi buồn bã, ủ rũ, không làm gì hết, cũng không đến sở luôn. Có lần, chúng thấy Hưng ôm mặt khóc nức nở. Chúng không hiểu tại sao cha chúng lại như vậy. Đi học về, chúng phải lo việc nấu ăn, nên có rất ít thì giờ làm “homework”. Hồng Thu rất xúc động khi đọc lá thư đó. Nàng không hiểu nàng xúc động vì hai đứa nhỏ bị bỏ đói hay vì sự đau buồn của Hưng. Nhưng nàng quyết định phải giúp hai đứa nhỏ. Nàng nấu cơm và làm đồ ăn rồi mang đến nhà cho chúng. Nàng biết giờ chúng về học, đứng đợi ở góc đường xe buýt nhà trường thường đậu. Khi chúng xuống xe, nàng đưa đồ ăn cho chúng. Nàng nhất định từ chối khi chúng năn nỉ mời nàng vào nhà. Hai hôm sau nàng lại tới với mấy hộp đồ ăn. Nàng vừa xuống xe, Hưng chợt xuất hiện. Nàng giật mình hoảng sơ. Nhưng anh không làm gì hết, chỉ đứng xa xa ngó nàng. Chỉ mới có mấy ngày mà Hưng trông gầy hẳn đi, đầu tóc rối bời, đôi mắt rưng rưng ướt. Chưa bao giờ nàng nghe lòng mình tê tái bằng lúc này. Trời ơi, nàng thầm kêu, sao chàng trông thảm hại thế nhỉ ? Nàng đã gọi Hưng bằng “chàng” mà không hay.
Trong khi Hồng Thu lung túng chưa biết nên phản ứng thế nào trước sự xuất hiện bất ngờ của Hưng, anh lên tiếng :
”Xin mời chị vào nhà để em được nói chuyện với chị lần chót.”
Nàng không đáp, chỉ đứng im ngó anh.
“Xin chị đừng từ chối.”
Nghe giọng nói nghẹn ngào của anh, nàng không khỏi xót xa. Khi Hưng quay bước về nhà, nàng ngập ngừng đi theo anh.
Khi hai người đã vào hẳn trong nhà, Hưng đi thẳng tới bàn ăn, chỉ một lọ nhỏ để giữa bàn, thở dài nói :
”Đây là lọ thuốc ngủ, em sẽ uống hết cả lọ để đi theo nhà em. Trước khi chết em chỉ xin chị một điều duy nhất là chị hãy thương hai cháu. Chúng đã mất mẹ, bây giờ lại mất cha nữa. Chỉ còn…bác thôi.”
Nói xong, anh với tay lấy lọ thuốc. Hồng Thu bỗng lao tới cạnh bàn, dằng lấy lọ thuốc trong tay Hưng, nói lớn :
”Không, chú không chết được.”
Hưng vội giữ chặt lọ thuốc. Nàng vẫn cố dằng ra. Thế là hai người giành giật nhau, vô tình đúng sát bên nhau. Hưng liền buông lọ thuốc ra, vòng tay ôm ghì lấy Hồng Thu. Nàng dẫy dụa phản đối, nhưng vòng tay Hưng xiết chặt hơn. Đồng thời anh hôn tới tấp lên mặt, lên cổ, lên mắt nàng. Một luồng hơi nóng bỗng đột nhập thân thể nàng. Nàng thấy hừng hực trong lòng một sự ham muốn. Chân tay nàng trở nên luống cuống, người nàng mềm nhũn. Nhưng nàng vẫn còn đủ bình tĩnh né tránh nụ hôn môi của Hưng.
Sau mấy lần có gắng hôn lên mội nàng không được, Hưng bỗng gục đầu lên vai nàng nức nở khóc. Tiếng khóc của Hưng làm nàng luống cuống. Hắn bỗng buông nàng ra, rồi thều thào :
”Em biết chị không yêu em, thôi em chết cho rồi.”
Câu nói này khiến Hồng Thu có cảm tưởng mình bị tước đoạt mọi khí giới. Sức đề kháng trong nàng hoàn toàn biến mất. Vừa lúc đó, có tiếng mở cửa. Hồng Thu hoảng sợ đẩy Hưng ra, vội đi về phía cửa, lao vụt ra ngoài khi cửa vừa mở trước sự ngơ ngác của hai đứa con Hưng.
Trên đường về, Hồng Thu phải cố lấy lại bình tĩnh để lái xe. May mắn là nàng về đến nhà bình yên. Nàng vừa bước xuống xe đã trông thấy xe Hưng đậu ngay sau xe mình. Nàng bước nhanh về nhà như muốn chạy trốn. Nàng định mở cửa nhưng luống cuống làm rơi chùm chìa khóa. Hưng vừa bước tới, cúi nhặt lên, rồi mở cửa giùm nàng. Cửa vừa đóng lại, anh đã ôm lấy nàng. Lần này nàng không chống cự nữa, đón nhận nụ hôn nồng cháy trên môi. Từ lúc đó, nàng như mê như tỉnh. Nàng nhắm mắt lại để tận hưởng niềm hoan lạc mà nàng đã quên đi từ ngày chồng lên đường đi tù cải tạo. Hưng bế bổng nàng lên, rồi nàng nghe có tiếng mở cửa phòng ngủ…
Thế mà đã gần sáu tháng trôi qua. Trong nửa năm ấy Hồng Thu cảm thấy sinh lực trong người nàng phục hồi nhanh chóng. Nàng đã sống lại sau những năm tự coi mình đã chết khi góa chồng. Nàng thầm cảm ơn việc kết nghĩa chị em với Nhạn. Nhờ nó nàng đã gặp Hưng. Nghĩ đến chuyện kết nghĩa nàng bỗng phì cười nhớ lại một đêm ân ái. Trong cơn mê đắm Hưng hổn hển thì thầm bên tai nàng “Chị Thu ! Chị Thu !” Nàng phát nhẹ lên cái lưng trần của anh nhắc:”Đến thế này mà còn chị chị em em cái gì nữa.” Nhưng Hưng vẫn tiếp tục gọi “Chị Thu”, rồi chính nàng cũng bị lôi cuốn vào cơn mê của anh. Mãi mấy tuần sau Hưng mới sửa được cách xưng hô. Từ đó hai người “anh em” với nhau.
Hưng đến đúng giờ đã hẹn, ăn mặc chỉnh tề như một chú rể, chỉ thiếu một bông hoa hồng trên ngực áo thôi. Hai người ôm nhau hôn nồng nàn, rồi Hưng hỏi :
”Sao em chưa trang điểm ?”
Nàng cười :
”Em xong hết cả rồi, chỉ chưa tô son lên mội thôi.”
Hưng tò mò :
”Tại sao ?”
Nàng liếc mắt đưa tình :
”Thế mà cũng hỏi. Để chờ anh hôn xong mới tô, cho son khỏi dính sang môi anh.”
Hưng phì cười :
”Em that kỹ càng. Thế lỡ anh không hôn thì sao ?”
Nàng nũng nịu đáp ngay như đã có sẵn câu trả lời :
”Thì em không ra tòa với anh nữa.”
Hưng lại ôm ghì lấy người yêu :
”Hú vía ! Suýt chút nữa anh lại bị em hành hạ. Thế mới biết ở hiền gặp lành.” Nàng trề môi :
”Ở đó mà hiền. Hiền đã chẳng quyến rũ chị nuôi ăn nằm với mình. Tội to như vậy mà còn chưa biết sao ?”
Hưng cười :
”Bộ em không thích ăn nằm với anh sao ?”
Nàng lườm yêu anh :
”Không thích mà cứ đeo cứng anh như sam thế này ?”
Hưng cười :
”Chả biết ai đeo cứng ai. Không có em thà anh chết còn hơn.”
Nàng bĩu môi :
”Xạo ! Cứ giả bộ đòi tự tử làm người ta sợ muốn chết.”
Hưng cười xòa :
”Không giả bộ làm sao được em yêu như bây giờ.”
Thế là cả hai cùng cười khúc khích.
Hưng giục :
”Thôi, em đánh sáp môi đi rồi mình còn lên đường, kẻo muộn rồi. Tới đó cũng còn phải chờ lâu.”
Nàng ngoan ngoãn đáp :
”Dạ, xin anh chờ em chỉ năm phút thôi “


X


Sau khi ký hôn thú, vừa ra khỏi tòa án, Hưng bỗng ôm ghì lấy vợ, hôn nóng bỏng lên môi nàng. Hồng Thu không phản đối mà cũng không đáp ứng, chỉ cười :
”Kỳ quá ! Giữa ban ngày ban mặt, giữa nơi công cộng.”
Hưng thản nhiên đáp :
”Ở Mỹ, người ta hôn nhau giữa chốn công cộng là thường. Thế là bây giờ em hết chạy trốn anh rồi.”
Hồng Thu tát yêu chồng :
”Em mới sợ anh bỏ rơi. Bây giờ thì cả hồn lẫn xác em thuộc về anh rồi. Nói cho ngay, em mới chính là người phải cảm ơn anh. Nhờ anh, em đã hồi sinh, em đã lại yêu đời như hồi em còn trẻ.”
Hưng ngắt lời vợ :
”Em không những hồi sinh mà còn hồi xuân nữa. Em đẹp hẳn ra, cứ hơ hớ, làm anh mê mẩn, không lúc nào là không tơ tưởng đến em. Ngồi trong sở, anh chỉ mong sớm về nhà để được ôm em vào lòng. Thế mới biết người ta nói đúng ghê. Văn chương chữ nghĩa bề bề…”
Hồng Thu nghiêm mặt, ngắt :
”Không, em không thích giỡn như vậy đâu, đừng có nói nhảm. Em sống lại thật đấy.”
Rồi nàng kể cho Hưng nghe nỗi ám ảnh “vị vong nhân” suốt mười mấy năm trời. Bây giờ, nhờ tình yêu của anh, nàng đã xoá bỏ được ám ảnh đó. Nghe xong, Hưng bỗng cười phá lên :
”Thì ra em cổ lỗ sĩ như vậy đó. Em đừng có tin mấy lão hủ nho ấy. Mấy ổng là một lũ ích kỷ chỉ muốn dành phần lợi về cho đàn ông thôi. Nào là đàn ông có quyền ‘năm thê bảy thiếp’ mà đàn bà thì ‘gái chính chuyên chỉ có một chồng’. Rõ ràng là họ về phe với nhau để ăn hiếp đàn bà. Vì em tin mấy lão hủ nho đó nên đã bỏ phí một thời gian dài trong cuộc đời ngắn ngủi này. Nhưng nghĩ cho cùng nếu em không tự coi như đã chết, đâu có đến lượt anh được làm chồng em.”
Hồng Thu có vẻ suy nghĩ, rồi nói :
”Em cho là mình có duyên tiền kiếp nên em mới đợi chờ anh. Trong ngót hai chục năm trời ấy, cũng có người theo đuổi em mà em đều từ chối hết. Bây giờ thì em mãn nguyện lắm rồi vì em đã có anh.”
Hưng nhìn quanh, thấy có lác đác người trong bãi đậu xe, vội nói :
”Thôi, mình lên xe đi. Hôm nay còn nhiều việc phải làm, vì dù sao cũng là ngày…tân hôn mà.”
Khi hai người đã ngồi trong xe, Hưng còn ôm hôn vợ trước khi mở máy. Hồng Thu cười, âu yếm vuốt má chồng :
”Mình như là một cặp vợ chồng trẻ mới cưới ấy. Cứ xoắn lấy nhau, chẳng dám xa nhau nửa bước.”
Hưng đáp ngay :
”Thì mình không còn trẻ, không mới cưới là gì. Sợ rằng ở cái tuổi này, mình còn hung hăng hơn bọn trẻ nữa, vì mình đều đã có nhiều kinh nghiệm… chiến trường.”
Hai má Hồng Thu bỗng đỏ ửng, nàng ngoảnh mặt đi để giấu nụ cười bẽn lẽn. Khi đã ra khỏi bãi đậu xe, nàng lên tiếng :
”Em đã đặt bàn ở tiệm ăn. Tối nay, tất cả gia đình mình ăn mừng ngày cưới của chúng ta. Em không mời ai hết, chỉ có vợ chồng mình và các con thôi.”
Hưng gật đầu :
”Thế là phải. Anh cũng không thích khách khứa, chỉ tổ bận rộn, phiền phức.”
Ngập ngừng một chút, nàng lại nói :
”Mình nên thu về một mối, anh ạ.”
Hưng hỏi ngay :
”Nghĩa là em dọn về với anh ?”
Nàng lắc đầu :
”Không, anh và hai con về nhà em.”
Hưng kêu lên :
”Ùa ! Sao lại kỳ vậy ? Xuất giá tòng phu chớ sao lại…phu tòng ? Thế là em ngược đời đấy.”
Nàng nhìn anh cười tinh nghịch :
”Vậy mà anh chê các cụ nhà nho là hủ lậu. Anh có hơn gì họ không ?”
Hưng cãi :
”Thì ai cũng vậy hết. Đàn bà lấy chồng phải theo chồng, có ai lại bắt chồng theo mình đâu.”
Nàng cười :
”Đó là chuyện ngày xưa rồi, anh ơi. Bây giờ chẳng ai theo ai mà mướn nhà ở riêng với nhau. Sở dĩ em không muốn đến nhà anh vì…vì em sợ lắm…”
Hưng ngạc nhiên :
”Sợ cái gì ?”
Nàng rụt rè :
”Em sợ…sợ bóng hình của Nhạn. Thật ra, em thấy kỳ lắm.”
“Bộ em sợ ma ?”
“Không, em không sợ ma, mà chỉ sợ hình ảnh Nhạn lẩn quất trong ngôi nhà của anh. Vô bếp, em thấy Nhạn đang nấu nướng. Vô phòng tắm, em thấy Nhạn đang tắm. Vô phòng ngủ, em thấy Nhạn và anh đang…ăn nằm với nhau, bây giờ lại vẫn cái giường ấy, em thế vô chỗ Nhạn…Em không ghen mà cũng không sợ ma, nhưng em biết ngôi nhà ấy tràn đầy hình bóng Nhạn, vì anh và Nhạn ở đó đã nhiều năm, tất cả mọi vật đều có dấu vết kỷ niệm của cô ấy.”
Suy nghĩ một lúc, Hưng gật đầu :
”Em nói đúng. Chính anh cũng thấy hình bóng Nhạn khắp mọi nơi. Vậy thì ngay ngày mai, anh và các cháu sẽ dọn hết sang nhà em. Còn đêm nay, mình động phòng ở nhà em.”
Nàng phì cười :
”Mình động phòng cả mấy trăm lần rồi, đều ở trong phòng ngủ của em, có gì mới mẻ đâu.”
Hưng cười theo vợ, rồi nói :
”Dọn nhà xong, mình đi hưởng tuần trăng mật ở Hạ uy di. Khi trở về, mình sẽ bán cả hai căn nhà để mua một nhà mới rộng rãi hơn.”
Nàng vui vẻ tán thành :
”Em cũng nghĩ vậy. Dù sao mình cũng là vợ chồng mới, phải không anh?”
Hưng liền nịnh :”Em nói gì mà chả đúng. Bây giờ đối với anh thế gian nhất vợ đến nhì trời.”
Rồi anh cười phá lên.
Chưa bao giờ Hồng Thu thấy cuộc đời đáng yêu như lúc này.


Tạ Quang Khôi
6/2005