Saturday, July 14, 2012

NGẬM NGÙI
                                                       Tạ Quang Khôi
                                                                 

    T
in Vân Quỳnh đã làm mồi cho cá trên biển cả khi vượt biên khiến Hợp bàng hoàng đến tê dại cả tâm hồn. Hy vọng gặp lại người học trò cũ xinh đẹp và thông minh vụt tan biến. Chàng đã chờ đợi tin tức Vân Quỳnh suốt hai chục năm trời. Chàng chưa quên ngày cô đến chào từ biệt để nhận công tác mới ở miền duyên hải xa xôi. Hôm ấy, cô đến tìm chàng với vẻ mặt buồn bã.
“Thầy ạ, cô nói, em được chuyển công tác về công ty hải sản ở Rạch giá. Nếu có dịp thuận tiện, em sẽ vượt biên tìm tự do.”
Hợp vui vẻ khuyến khích :
“Ở ngay Rạch giá thì đi rất dễ . Khi nào sang được Mỹ, chị đừng quên viết thư báo tin mừng cho tôi đấy.”
Cô sốt sắng :
“Điều đó, thầy chả phải dặn. Ngay khi đến được trại tỵ nạn, em sẽ báo cho thầy rõ. Em còn ai để báo tin nữa đâu...Trên đời này, chỉ còn...mình thầy thôi.”
 Hợp nghĩ tới hoàn cảnh gia đình của Vân Quỳnh. Cha mẹ cô đều đã qua đời, mỗi người chết một cách, cùng đáng thương. Khi cô đang học lớp 9, mẹ cô vì ghen, đã tự tử, chết tức tủi. Cha cô là một sĩ quan trong ngành tâm lý chiến, tính tình rất bay bướm, thường tiếp xúc với các nữ văn nghệ sĩ, hết đi chơi thân mật với cô ca sĩ này lại hẹn hò tình tứ với cô kịch sĩ kia. Mẹ cô đã nhiều lần van xin, đánh ghen mà vẫn không ngăn cản được chồng. Cuối cùng bà chọn cái chết. Ông chồng lúc đó mới hối hận. Sau cái chết uất ức của vợ, ông cũng giảm bớt chuyện tình bay bướm để lo săn sóc mấy đứa con. Vân Quỳnh là con út trong gia đình. Cô có hai người anh. Sau cuộc đổi đời năm 1975, cha cô bị tù “cải tạo”, rồi bị chết đói trong một trại tù ở miền thượng du Bắc Việt. Cô nghe một người bạn tù cũ của cha cô kể lại thì ông rất bướng bỉnh, không chịu khuất phục bọn cai tù, nên đã bị chúng biệt giam và bỏ đói. Người anh lớn của cô trước khi được tin bố chết trong trại tù đã tình nguyện vào bộ đội, vì nghe lời dụ dỗ lừa gạt của bọn cộng sản với hy vọng bố sẽ được trả tự do sớm nếu anh chịu nhập ngũ. Anh bị đưa sang chiến đấu bên Cao miên, rồi mất tích ngoài mặt trận. Người anh thứ hai của cô vượt biên, không có tin tức gì, ai cũng nghĩ anh đã chết, nhưng cô vẫn hy vọng có ngày được gặp lại cả hai anh.
Nghe Vân Quỳnh nói thế, Hợp bùi ngùi khuyên :
“Chị phải cẩn thận nhé. Thấy chắc hãy đi.”
Cô cười :
“Vượt biên thì có gì chắc đâu, thầy. Một con thuyền nhỏ giữa biển khơi, chỉ còn biết trông vào may rủi. Đã bị dồn đến nước này thì cũng phải liềù thôi.”
Hợp buồn buồn :
“Liều thì liều, nhưng cũng phải tính toán…”
Bỗng chàng đề nghị :
“Hay chị nán lại một thời gian để cùng đi với bọn tôi...Chính tôi cũng đang tìm đường.”
Ngẫm nghĩ giây lát, Vân Quỳnh lắc đầu :
“Thế nào em cũng phải đi Rạch Giá vì ở đây em thấy cô đơn quá...Có ai đoái hoài tới em đâu.”
Hợp hiểu rằng cô đã ngầm trách mình. Đó là lời trách oan uổng, chàng cũng không muốn đính chính. Cô đã yêu chàng một cách mù quáng khi chàng đã có gia đình.
Hợp là một giáo sư  Sử Địa tại một trường nữ trung học ở Saigon. Chàng có biệt tài giảng về môn sử  học nên được nhiều học sinh ái mộ. Trong các giờ sử của chàng, học sinh có cảm tưởng đang được nghe thầy kể những câu chuyện cổ tích nên say mê theo dõi từ đầu đến cuối. Có nhiều học sinh nghe xong đã thuộc bài. Vân Quỳnh học chàng bốn năm liền, từ lớp 9 đến lớp 12. Sau khi đỗ tú tài phần hai, cô táo bạo tỏ tình với chàng. Khi nghe cô nói cô trót yêu mình từ mấy năm nay, Hợp giật mình và rất ngạc nhiên. Chàng rụt rè hỏi :
“Chắc chị cũng biết tôi đã có gia đình ?”
Cô khẽ thở dài :
“Đó chính là cái ngu, cái khùng của em. Nhưng khi đã yêu, người ta dễ mù quáng, phải không thầy ?”   
Hợp không trả lời thẳng câu hỏi của cô mà chỉ trách nhẹ :
“Chị lãng mạn quá, thật tôi không ngờ !”
“Dạ, chính em cũng không ngờ. Tình yêu đến từ bao giờ em đâu có hay, rồi nó lớn dần lên em cũng không rõ. Bây giờ thì nó hoàn toàn chiếm ngự trái tim em.”
Hợp trố mắt nhìn cô với một vẻ rất ngạc nhiên, rồi nói :
“Chị có giọng điệu của một nhà văn. Không biết chị đã viết văn bao giờ chưa ?”
Cô lắc đầu, cười :
“Em chưa thử, vì em không thích viết văn, làm báo...Nếu em có viết văn, chỉ muốn viết cho một người đọc thôi. Chả biết người đó có thích đọc văn em không ?”
Hợp im lặng vì sợ nói lỡ có thể bị cô coi như một lời hứa hẹn. Hợp là một nhà giáo nghiêm túc, đàng hoàng, có cuộc sống rất mực thước. Chàng không bao giờ nghĩ đến chuyện lừa gạt người vợ mà chàng rất yêu thương. Loan, vợ chàng, không thuộc loại “sắc nước hương trời” hay “chim sa cá lặn”, nhưng duyên dáng và rất hiền lành. Chàng yêu nàng khi nàng còn là một cô nữ sinh nhỏ bé ở một trường trung học tư. Sau mấy năm hẹn hò, chàng cưới nàng khi nàng vừa hoàn tất bậc trung học. Hai người sống với nhau rất thuận hòa và đã có hai đứa con gái xinh đẹp. Loan khéo léo biến căn nhà nhỏ bé của hai người thành một tổ ấm đến nỗi Hợp đi đâu cũng chỉ mong về sớm với gia đình. Chàng không thể rời xa bầu không khí ấm cúng do Loan tạo nên. Khi nghe Vân Quỳnh tỏ tình, chàng chỉ cho là cô quá nông nổi và lãng mạn, chưa chắc đã thực sự yêu thương. Mối tình bồng bột rồi sẽ tan đi như bọt sóng mà thôi, chàng nghĩ. Nhưng mấy năm sau, chàng biết mình đã lầm. Vân Quỳnh từ chối lời tỏ tình hoặc cầu hôn của nhiều chàng trai. Cô vẫn chỉ một mực yêu chàng. Bất cứù chuyện riêng tư nào, cô đều tâm sự với chàng. Đã nhiều lần chàng khuyên cô nên bằng lòng một trong những người đang theo đuổi cô, nhưng cô vẫn làm ngơ. Về phần chàng, muốn ngay thẳng với vợ, chàng đã kể hết cho Loan nghe mối tình bất thường của cô học trò cũ. Mới đầu Loan cũng buồn và lo, nhưng sau thấy chồng không hề có ý dối gạt mình, nàng mới yên tâm. Cách đối sử của nàng với Vân Quỳnh thoạt tiên có vẻ lạnh nhạt, rồi dần dần trở nên thân mật khi nàng biết chắc chồng lúc nào cũng chỉ một mực yêu thương mình. Hôm Vân Quỳnh đến từ biệt để đi nhận công tác ở Rạch Giá, nàng đã giữ cô ở lại ăn cơm tối. Thấy cô còn lưỡng lự, nàng nói :
“Trong thời buổi khó khăn này, chị đi xuống tận Rạch Giá, lại có ý định vượt biên, biết có bao giờ gặp lại chị không ? Cứ coi như đây là bữa cơm tiễn biệt để ghi nhớ ngày xa nhau.”
Lời nói khéo của Loan đã giữ được Vân Quỳnh ở lại tối hôm đó.
Trong ngót nửa năm ở Rạch Giá, Vân Quỳnh viết thư cho vợ chồng Hợp hàng tuần. Cô kể những chuyện trong cơ quan, đường phố, phong cảnh. Cô cũng tả lại những cuộc đi thăm các hòn đảo gần Rạch Giá cùng các bạn trong cơ quan. Đến tháng thứ tư và tháng thứ năm, cô báo hai tin mừng liền về hai người anh của cô. Người anh đi chiến đấu bên Cao miên đã tới được một trại tỵ nạn bên Thái Lan và đã liên lạc được với thân nhân ở Mỹ. Người anh vượt biên đã thoát chết, hiện đang ở Nhật và chờ đi định cư ở một nước bên Âu châu vì đã bị Mỹ từ chối. Cô kể rằng thuyền của người anh chết máy ở giữa biển, dạt vào một hoang đảo. Trên thuyền có hơn năm chục người, kể cả hai chục con nít, đều sống sót, chỉ bị đói khát mất mấy ngày. Sau đó họ được một tầu đánh cá Nhật đưa về Nhật. Tất cả mọi người đang chờ đợi đi định cư ở nước khác và đã được phủ Cao ủy tỵ nạn Liên hiệp quốc giúp đỡ. Hai tin mừng này càng làm Vân Quỳnh hăm hở tìm tự do bằng đường biển. Trong lá thư sau cùng, cô cho biết trong một ngày rất gần, cô sẽ ra khơi và hẹn gặp vợ chồng Hợp ở Mỹ. Ngay sau khi nhận được lá thư đó, Loan bày bàn thờ ra giữa vườn để cầu nguyện cho cô gặp may mắn, sớm đến được bến bờ tự do. Hai vợ chồng mong đợi tin tức cô từng ngày từng giờ, nhưng càng đợi càng biệt vô âm tín. Hơn một năm sau, gia đình Hợp cũng xuống thuyền đi tìm tự do. Họ đã may mắn tới đích an toàn, sau có bốn ngày lênh đênh trên mặt biển.
Rồi cuộc sống ở đất Mỹ có quá nhiều bận rộn khiến vợ chồng Hợp tạm quên đi cô học trò cũ. Khi gia đình Hợp đã đứng vững được ở đất mới, Loan bỗng mắc bệnh nan y, chỉ trong vòng có một thời gian ngắn nàng qua đời. Nàng bị ung thư máu, khi biết được thì đã quá muộn. Trong giây phút hấp hối, nàng nắm lấy tay chồng và khuyên nên cố gắng tìm gặp lại Vân Quỳnh vì nàng biết cô đã yêu Hợp thành thật. Chỉ có cô mới có thể đem hạnh phúc lại cho chàng.
Nhưng vì bỗng mất người vợ yêu chỉ trong một thời gian quá ngắn, Hợp bàng hoàng đau đớn không sao nguôi được, lòng dạ nào mà nghĩ đến chuyện tục huyền. Mãi đến khi các con chàng đi học xa, ở hai tiểu bang khác, chàng mới cảm thấy cô đơn và nghĩ tới cô học trò cũ. Không biết hỏi ai để có tin tức về Vân Quỳnh, chàng đành đăng mấy lời nhắn tin trên nhiều báo Việt ngữ khắp nước Mỹ. Cuối cùng, người anh lớn của cô gọi điện thoại cho chàng. Anh ta không những cho chàng biết tin tức về cô mà cả về chính anh ta và người em trai nữa.
Ghe vượt biên của Vân Quỳnh bị mất tích giữa biển cả. Mới đây anh ta đã về tận Rạch Giá để dò hỏi thì thân nhân những người đi cùng ghe với Vân Quỳnh cũng đều không nhận được tin tức gì. Ai cũng nghĩ rằng tất cả mọi người trên ghe đã chết. Còn chết như thế nào, không ai biết rõ. Nhưng có điều chắc chắn là những ngày ghe ra khơi trời yên biển lặng, không có gió lớn, không mưa bão. Anh ta ở lại Rạch Giá cả tháng trời để tìm tòi, dò la tin tức của em gái mà không có kết quả. Về phần anh, anh đã bị kẹt ở trại tỵ nạn rất lâu, gần năm năm trời, mới được đi định cư ở Mỹ. Anh đã học xong đại học, đã có vợ con và hiện ở một tiểu bang phía Tây Bắc nước Mỹ. Người em trai của anh hiện ở Đức. Anh ta cũng đã có vợ con và có công ăn việc làm vững chắc. Như vậy, trong ba anh em, chỉ một mình Vân Quỳnh là không may.
Nói chuyện với người anh Vân Quỳnh xong, Hợp buồn đến thẫn thờ cả mấy ngày. Chàng không ngờ cô lại chết non yểu như vậy. Sau một nhiều đêm trằn trọc, chàng quyết định đi thăm Rạch Giá để tìm cách từ biệt cô học trò đã nặng tình với mình lúc cô còn sống.
Hợp lẳng lặng thu xếp chuyến về Việt Nam, không báo cho các con biết. Nửa tháng sau, chàng lên đường. Chàng chỉ ghé Saigon có một đêm, rồi thuê xe đi thẳng xuống tỉnh ngay. Tại đây, chàng thuê một chiếc ghe chở thật nhiều hoa ra biển. Chàng rải hoa lên mặt nước và khấn Vân Quỳnh hãy hiểu cho lòng chàng. Lúc cô còn sống, chàng đã có gia đình và không bao giờ có ý định phản bội người vợ chung thủy với chàng. Tuy nhiên lòng chàng rất cảm kích về mối tình của cô.
Rải hoa phúng điếu Vân Quỳnh xong, Hợp ở nán lại Rạch Giá một tuần. Trong thâm tâm, chàng vẫn mong ước có một phép lạ nào đó khiến chàng được gặp lại cô học trò cũ. Nhưng rồi chẳng có phép lạ nào hết, chàng đành ngậm ngùi trở lại Saigon để bay về Mỹ...
                                                                                                                                     TQK