Friday, May 20, 2011

BÓNG MA

http://www.box.net/shared/t1leha4x7s

CHỌN CHỮ

        
T
rong khi làm thơ, vấn đề chọn chữ cho đúng, cho hợp với hoàn cảnh rất quan trọng. Vấn đề này có thể bắt đầu từ khi con người biết làm thơ, nhưng mãi đến đời Ðường mới được ghi chép lại thành một câu chuyện.
            Giả đảo đời Trung Ðường có thói quen chọn lựa chữ rất cẩn thận cho bài thơ đang làm.
                                                                                                    
            Chuyện kể rằng có lần ông vừa đi giữa Trường An vừa ngâm nga tìm vế đối cho câu “Lạc diệp mãn Trường An” (Lá rụng đầy Trường An) rồi vừa nghĩ ra câu “Thu phong xuy Vị Thủy” (Gió thu thổi sông Vị) thì đụng phải quan Kinh Triệu Doãn Lưu Thế Sở. Quan Kinh Triệu hống hách cho là phạm thượng nên sai lính trói ông mất một buổi chiều. Một hôm khác, ông vừa cưỡi lừa đi ngoài đường vừa làm thơ, được hai câu “Ðiểu túc trì biên thụ, Tăng xao nguyệt hạ môn” (Chim ngủ cây bên bờ ao, Sư gõ cửa dưới trăng). Nhưng ông phân vân không biết nên dùng chữ “thôi” (đẩy) hay chữ “xao” (gõ), nên vừa đi vừa dùng điệu bộ đẩy và gõ. Ðúng lúc đó lại gặp một xe của quan Kinh Triệu Doãn khác, lần này là Hàn Dũ. Quan Hàn dừng xe lại, hỏi chuyện, rồi đề nghị không nên dùng chữ “xao”. Không những thế, quan Hàn còn mời Giả Ðảo lền xe để cùng thảo luận văn thơ. Từ đó, người ta dùng thành ngữ “Thôi Xao” để nói về sự chọn lựa chữ trong thơ.
            Vẫn về Giả Ðảo, người ta biết rằng cứ đến cuối năm, vào đêm trừ tịch, ông lại đem tất cả những bài thơ đã làm trong năm bầy lên bàn thờ, đốt hương vái lạy, rót rượu đổ xuống đất khấn rằng :”Ðây là nỗi khổ tâm của ta trong suốt năm nay.” (Trích trong Thơ Ðường của Trần Trọng San,)  
            Khi làm thơ hay viết văn, nhất là làm thơ, việc chọn chữ rất quan trọng. Ai cũng biết rằng muốn câu thơ hay câu văn gây ấn tượng mạnh cho người đọc, chữ dùng phải chính xác, có khi phải độc đáo nữa. Trong văn chương kim cổ, bể học mênh mông, những trường họp chọn chữ thì nhiều không thể kể hết được, chúng tôi chỉ xin nêu một vài trường hợp.
            Trước hết, xin nói tới Bà Huyện Thanh Quan. Trong “Thăng Long Hòai Cổ”, bà viết hai câu luận :
                                                 Ðá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
                                                      Nước còn cau mặt với tang thương.
            Bốn chữ “nước còn cau mặt” thật hay vì nước có mặt nước và có sóng gợn lăn tăn. Nhưng “đá vẫn trơ gan” e không được hay mấy, dù đối rất chỉnh. Người ta không biết đá có gan không vì chưa nghe ai nói “gan như đá”, chỉ “trơ như đá, vững như đồng”. 
            Với nữ sĩ Hồ Xuân Hương thì cách chọn chữ của bà thật tài tình, hầu như bài thơ nào cũng có những chữ được chọn khéo léo. Chúng tôi chỉ xin nêu thí dụ một bài, đó là bài “Chửa hoang” :
                                                      Cả nể cho nên hóa dở dang,
                                                      Nỗi niềm có thấu hỡi chăng chàng ?
                                                      Duyên thiên chửa thấy nhô đầu dọc,
                                                      Phận liễu sao đà nẩy nét ngang ?
            Ai cũng biết rằng chữ Thiên nêu thêm môt nét phía trên sẽ biến thành chữ Phu  (chồng) và chữ Liễu nếu thêm nét ngang thành chữ Tử (con). Lối chơi chữ của nữ sĩ họ Hồ thật tài tình, cổ kim chưa từng thấy..
            Nguyễn Khuyến với bài “Than Già” cũng là người biết chọn chữ khéo léo :
                                                 Ðời người thấm thoắt tựa chim bay,
                                                      Ông ngẫm mình ông nghĩ cũng hay.
                                                      Mái tóc chòm đen, chòm lốm đốm,
                                                      Hàm răng chiếc rụng chiếc lung lay.
                                                      Nhập nhèm bốn mắt tranh mờ tỏ,
                                                      Khấp khểnh ba chân dở tỉnh say.
                                                      Ông ngẫm mình ông thêm ngán nỗi,
                                                      Ði đâu cũng giở cối cùng chầy.
            Ba chữ “cối cùng chầy” thật đắc cách vì có thể hiểu theo hai nghĩa. Nghĩa đen là cối và chầy để giã trầu, nghĩa bóng là “cãi chầy cãi cối”. Một ông Nghè, đỗ đến Tam Nguyên, làm đến chức Tổng Ðốc Sơn Hưng Tuyên, dù có cãi chầy cãi cối, mọi người vẫn phải kính nể.
            Trường hợp thứ tư là thi sĩ Tản Ðà. Trong bài “Muốn Làm Thằng Cuội” ông đã viết :
                                                  Ðêm thu buồn lắm, chị Hằng ơi,
                                                       Trần thế em nay chán nửa rồi.
                                                       Cung quế đã ai ngồi đó chửa ?
                                                       Cành đa xin chị nhắc lên chơi.
                                                       Có bầu có bạn can chi tủi,
                                                       Cùng gió cùng mây, thế mới vui.
                                                       Rồi cứ năm năm rằm tháng tám,
                                                       Tựa nhau trông xuống thế gian cưòi.
            Chữ “chán” thật hay vì đã tả đúng ý nghĩ chán đời của thi sĩ. Cuộc đời của Tản Ðà là một chuỗi những thất bại, cả về khoa cử lẫn tình yêu. Nhưng nhờ những thất bại ấy nền văn học Việt Nam tiền bán thế kỷ hai mươi mới có một thi sĩ xuất sắc như vậy. Các nhà văn học sử Việt Nam đã xếp ông vào loại nhà thơ gạch nối giữa cũ và mới.
            Chúng tôi xin kể thêm một trường hợp nữa cũng về thi sĩ Tản Ðà. Khi ông cho đăng bài từ Tống biệt :
                                                            Lá đào rơi rắc lối thiên thai,
                                                           Suối tiễn oanh đưa luống ngậm ngùi
                                                           Nửa năm tiên cảnh,
                                                           Một phút trần ai,
                                                           Ước cũ duyên thừa có thế thôi.
                                                           Ðá mòn rêu nhạt,
                                                           Nước chảy hoa trôi
                                                           Cái hạc bay lên vút tận trời !
                                                           Trời đất từ đây xa cách mãi.
                                                            Cửa động
                                                            Ðầu non
                                                            Ðường lối cũ,
                                                            Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng soi.
            Theo một giai thoại văn chương, sau khi bài từ được đăng báo, có một độc giả viết thư về tòa báo đề nghị đổi chữa “SOI” bằng chữ “CHƠI”, vì “soi” có tính cách động, không hợp với cái Tĩnh của nơi tiên cảnh. Tất nhiên thi sĩ đồng ý ngay vì lời đề nghị hợp lý và có tính cách xây dựng. Thế là chữ cuối cùng của bài từ là “chơi”
Như vậy, vấn đề chọn chữ trong văn chương rất quan trọng. chữ phải đúng mới diễn tả được ý của tác giả hoặc tình trạng muốn mô tả. Thú văn chương không phải bất cứ ai cũng có thể hưởng được. Ðó là cái thú tao nhã và cao cấp của trí tuệ loài người.
                                                                                                       
  Tạ Quang Khôi ( 5, 2011)