Friday, May 18, 2012

         Nhật báo Ngôn Luận và tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong.
                                              
                                           Tạ Quang Khôi

K
hi báo Tự Do của nhóm người Bắc di cư đfnh bản, tôi không thất nghiệp  vì được ông Hồ Anh Nguyễn Thanh Hoàng mời viết cho Ngôn Luận ngay. Ông Hồ Anh cũng mời cả thi sĩ Ðinh Hùng viết truyện dài dã sử “Ngưòi Ðao Phủ Thành Ðại La”.  Ông Hoàng Hải Thủy viết truyện “Chiếc Hôn Tử Biệt”. Tôi không nhớ truyện đầu tiên tôi viết cho Ngôn Luận là truyện gì, chỉ nhớ truyện cuối cùng là “Thầm Lặng”, một truyện tình cảm rất ướt át. Sau đó, tôi tạm thời từ giã làng văn làng báo Saigon để hành nghề gõ đầu trẻ.
Năm 1956, ông Hồ Anh xuất bản tờ tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, ông Hoàng Hải Thủy và tôi cũng đóng góp bài cho tờ báo mới ra lò này. Ông Hoàng Hải Thủy viết phóng sự về “Vũ Nữ Saigon”.  Còn tôi thi một truyện dài tình cảm tên là “Mưa Gió Miền Nam”.  Ðôc giả có nhận xét là cả hai chúng tôi cùng viết về vũ nữ. Tôi không hiểu ông Hoàng Hải Thủy có kinh nghiệm gì về vũ nữ không, riêng tôi, tôi không biết nhảy đầm. Cho đến nay tôi vẫn chưa hề học nhảy bao giờ.
Truyện “Mưa Gió Miền Nam” được in thành sách sau này và nó đã trở thành một lưỡi dao oan nghiệt cắt đứt nghề giáo mác của tôi. “Mưa Gió Miền Nam” là chuyện một cặp vợ chồng trẻ chạy trốn cộng sản, từ Hà Nội di cư vào Saigon. Người chồng bị thất nghiệp, tìm không ra việc làm. Khi tình trạng hoàn toàn bế tắc, tiền bạc bắt đầu thiếu hụt, cô vợ xinh đẹp nghe lời khuyên của một người bạn gái, miễn cưỡng bước chân vào nghề vũ nữ. Rồi từ đó sa ngã vào con đường trụy lạc, bỏ chồng. Sau 30 tháng 4 năm 1975, một cán bộ cộng sản tiếp thu Thanh Tra đoàn bộ Giáo Dục, nơi tôi đang làm việc, tình cờ đọc truyện này, thấy tôi có tinh thần chống cộng tích cực bèn đuổi tôi ra khỏi ngành giáo dục, gửi về cho địa phương quản lý. Ngay tức thì, ủy ban nhân dân phường tôi cư ngụ đuổi gia đình tôi đi kinh tế mới vì tôi thất nghiệp. Nhưng rất may, vào dịp đó, mấy ông thương gia trong phường cũng bị thất nghiệp vì tiệm buôn của họ phải đóng cửa và họ cũng bị “bong ma” kinh tế mới đe dọa trầm trọng. Họ bèn họp nhau để thành lập một tổ làm mì sợi. Tôi được mời gia nhập và góp vốn. Tất nhiên tôi nắm ngay lấy dịp may này. Nhưng tôi làm gì có tiền để đóng góp, phải hỏi vay ông anh rể và bà chị ruột.  Nhưng hai người thương vợ chồng tôi và lũ cháu nhỏ nheo nhóc, không cho vay mà tặng luôn. Thế là tôi thoát cái nạn kinh tế mới.
Trong thời gian viêt cho Ngôn Luận và Văn Nghệ Tiền Phong, tôi đã quen biết nhiều người trong tòa soạn mà chúng tôi giao du rất lâu, có người cho đến ngày nay vẫn liên lạc.
Người đầu tiên cần nhắc đến là ông chủ nhiệm Hồ Anh.  Ông tên thật là Lê Văn Bình, gốc là một huấn luyện viên thể dục thể thao, tốt nghiệp trường đào tạo ở Phan Thiết thời Pháp thuộc. Khi ở Ðà Lạt ông đã đổi thành họ Nguyễn, Nguyên Thanh Hoàng. Theo lời ông, bút hiêu Hồ Anh là do cụ Á Nam Trần Tuấn Khải đặt. Cụ tách tên Hoàng thành Hồ Anh. Ðáng lẽ phải là Hồ Ang, nhưng Ang vô nghĩa, đổi sang Anh. Khi còn nghèo, ông di chuyển bằng một chiéc xe Lambretta trơ cả máy mà ngươi ta gọi đùa là Lambretta cởi truồng.
Nhật báo Ngôn Luận thoạt tiên do tiền của phủ tổng thống nên chỉ phổ biến và tuyên truyền cho nhà nước. Giám đốc chính trị của tờ báo là ông Hà Ðức Minh, một người có nhiều lien hệ mật thiết với phủ tổng thống. Sau này, khi tờ báo có nhiều độc giả (vì nhật báo Tự Do đóng cửa) và đứng vững, ông Hồ Anh không lệ thuộc vào phủ tổng thống nữa và ông Hà Ðức Minh cũng rời khỏi tờ báo.
Thư ký tòa soạn đầu tiên của tờ báo tôi không biết là ai, khi tôi bắt đầu cộng tác thì ông Từ Chung, mới từ Thụy Sĩ về, đảm nhiệm chức vụ này. Trong một dịp ngồi tán gẫu trong tòa soạn, ông Hồ Anh khoe đã bỏ tiền cho ông Từ Chung đi du học. Chuyện  thực hư ra sao chỉ hai ông biết mà thôi.
Tòa soạn báo Ngôn Luận gồm có Thái Linh, Vân Sơn, Thanh Thương Hoàng, Phan Nghị, Hồng Dương, họa sĩ Văn Ðạt…Tôi không biết Thái Linh tên thật là gì, chỉ biết ông hồi còn ở ngoài Bắc là một đảng viên Duy Dân nên mới lấy chữ Thái đứng đầu. Vào Nam ông lấy họ Phạm, Phạm Văn Linh, bút hiệu là Thái Linh. Ông cho biết ông đã theo lãnh tụ Duy Dân Lý Ðông A lên chiến khu Nga My, gần Nho Quan, thuộc Ninh Bình. Khi Nga My bị Việt Minh tấn công, ông bỏ chạy về Hà Nội. Thái Linh được coi là một trụ cột của báo Ngôn Luận. Khi có những vấn đề quan trọng, ông Hồ Anh đều giao cho ông giải quyết.
Phan Nghị là một phóng viên có uy tín trong làng báo. Ông viết nhiều bài phóng sự rất hay. Nhưng ông lại là người chân thật, cả tin, bạn bè liệt ông vào loại “phổi bò”. Khi ông Nguyễn Chánh Thi làm đảo chính, Phan Nghị đến building Cửu Long ở đường Hai Bà Trưng để chơi bài với một nhóm văn nghệ sĩ, như : Thanh Nam, Thái Thủy, Hoàng Thư…rồi khi ra về, nghe đồn ông Diệm đã đầu hàng, bèn viết tin có tựa đề “Quân ta đại thắng, Diệm đầu hàng”, được để lên tám cột trang nhất của tờ Ngôn Luận. Báo đã in được 6000 tờ thì lại có tin tướng Trần Thiện Khiêm đem sư đoàn 7 từ Mỹ Tho về cứu giá. Thế là 6000 tờ báo phải hủy tức khắc.
Vân Sơn, với bút hiệu Thùy Hương, chuyên viết những bài về phụ nữ. Ông là ngươi hiền lành, chân chỉ hạt bột, không có gì xuất sắc.
Hai ông Hồng Dương và Thanh Thương Hoàng đều là phóng viên chạy ngoài.
Ông Ðạm Phong là phóng viên thể thao, nhưng cũng có khi làm phóng sự đặc biệt. Ông nổi tiếng về loạt bài “Con Ma Vú Dài” ở Cà Mau. Khi sang Mỹ, Ðạm Phong định cư ở tiểu bang Texas. Ông đã táo bạo vạch trần mánh khóe lừa bịp của Mặt Trạn Hoàng Cơ Minh nên đã bị ám sát chết. Nhưng thật ra, người ta không biết chắc ai là thủ phạm vụ án mạng này.
Ông Hồng Dương tên thật là Nguyễn Hữu Hùng, được tiếng đẹp trai nhất làng
báo, một thời là chông của nữ danh ca Lệ Thu.
ÔngThanh Thương Hoàng đươc cả làng báo mang ơn. Ông là người sáng lập Hôi Ký Giả Việt Nam và vay tiền ngân hang để xây dựng làng báo chí gần Thủ Ðức. Hầu như tất cả những người làm báo hay dính líu đến nghề báo thời đó, cả Nam lẫn Bắc, đều được một căn nhà trong làng báo chí. Sau này, khi chúng tôi gặp lại nhau ở Mỹ, ông Thanh Thương Hoàng cho biết đa số người mua nhà trong làng báo chí không trả tiền.
Ông Thầy Gòn, tức Tử Vi Lang, hàng ngày viết chuyện phiếm cho báo. Ông dịch lại Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa để đăng từng kỳ trên báo. Nhiều người cho rằng bản dịch của ông đầy đủ hơn bản dịch của cụ Phan Kế Bính ngày xưa. Ông tên thật là Nguyễn Văn Ðính, người Thanh Hóa.
Hàng ngày, báo Ngôn Luận có tranh vui cười “Bé Ngôn, bé Luận” do họa sĩ Văn Ðạt vẽ. Ðộc giả nhi đồng rất hâm mộ lọai tranh này.
Khi ông Hồ Anh xuất bản tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, tôi cũng viết một truyện dài (như đã nói ở trên). Một hôm, tòa báo nhận được thư độc giả than phiền người phụ trách mục giải đáp tâm tình đã khuyên đôc giả ly dị. Hồi đó, vào những năm giữa thập niên 1950, dù chưa có luật Gia Ðình của bà Ngô Ðình Nhu, chuyện ly dị ở Việt Nam cũng ít xảy ra, nên độc giả mới coi là chuyện quan trọng. Ông Hồ Anh muốn đổi người khác phụ trách mục này. Trong lúc cấp thời chưa tìm ra ngươi thay thế, ông đề nghị tôi tạm giữ vài kỳ. Vì nể ông, tôi đành nhận lời và lấy bút hiệu là Diễm Hồng, tên một cô bạn học lớp đệ Nhất Chu Văn An, Hà Nội. Ông Tử Vi Lang chê cái tên hiền lành quá, sợ không “ăn khứa”. Ông đề nghị thêm chữ Kiều. Thế là tên Kiều Diễm Hồng ra đời. Nhưng tôi chỉ giữ mục này có vài kỳ rồi trao cho ngươi khác. Tên Kiều Diễm Hồng được ông Thái Linh đưa sang cả báo Chính Luận sau này trong trang Mai Bê Bi.
Sau cuộc đảo chính giết hai anh em ông Diệm, làng báo Việt Nam có thay đổi lớn. Một hôm, tôi đến báo Ngôn Luận để đưa bài, thấy nhiều người vây quanh ông quản lý Nguyễn Như Cương với vẻ mặt lo lắng. Tôi tò mò ghé lại nghe lóm. Ông Cương cho biết bộ Thông Tin dọa đóng cửa 23 tờ báo nếu không nhận được hối lộ 400 ngàn cho một tờ báo. Số tiên cũng không lớn đối với báo Ngôn Luận. Nhưng ông quản lý không dám một mình quyết định. Trong khi đó, ông chủ nhiệm đi chơi Vũng Tàu với bạn gái, lại không cho biết nơi tạm trú, nên không sao liên lạc được. Kết quả là Ngôn Luận bị…”fermé boutique”. Khi ông chủ nhiệm đi chơi về thì mọi chuyện đã xong.
Vào dịp đó, ông Ðặng Văn Sung, mới đắc cử thượng nghị sĩ, xuất bản tờ nhật báo Chính Luận. Ông liền mời cả tòa soạn của Ngôn Luận cộng tác. Mới thất nghiệp lại có việc làm ngay, ai mà từ chôi cho được. Thế là cả tòa soạn Ngôn Luận biến thành tòa soạn Chính Luận. Ông Từ Chung vẫn là thư ký tòa soạn. Ðể tăng cường cho tờ báo mới ra lò, ông Thái Linh đề nghị tôi giũ trang Văn Nghệ. Tôi nhận lời, nhưng chưa thực sự làm việc thì ông Hồ Anh lại yêu cầu tôi cộng tác với ông trong tờ báo mới, đó là tờ Thời Thế. Tôi làm phụ tá cho chủ bút là nhà văn Lê Xuyên, tác giả cuốn tiểu thuyết rất nổi tiếng “Chú Tư Cầu”. Ngoài ra, tôi còn phụ trách trang học sinh. Ông Lê Xuyên là người Nam, có một thời hoạt động cách mạng, theo đảng Ðại Việt, nên đã từng ra Bắc và lấy vợ Bắc. Ông hiền lành, dễ tính, nói năng từ tôn, khác hẳn các nhân vật nóng bỏng trong các truyện của ông. Sau năm 1975, khi tôi đã sang Mỹ, nghe tin ông phải bán thuốc lá ở một góc đường Khổng Tử trong Chợ Lớn để tạm sống cho qua ngày. Cách đây khoảng 7 hay 8 năm, bạn hữu ở Saigon báo tin ông đã từ trần.
Tờ báo Thời Thế của ông Hồ Anh không cạnh tranh nổi với báo Chính Luận nên rồi cũng phải dẹp tiệm. Khi ông Từ Chung bị cộng sản ám sát ở ngay gần nhà, trong vùng trường đua Phú Thọ, ông Hồ Anh có vẻ hả hê, nói với tôi :”Kẻ bội bạc đã bị trừng phạt. Ðúng là trời có mắt !”
Nhưng dù không có Từ Chung, báo Chính Luận vẫn bán chạy như tôm tươi. Người thay thế ông trong chức vụ thư ký tòa soạn là ông Nguyễn Thái Lân.
Cái duyên văn nghệ giữa ông Hồ Anh với tôi không chấm dút ngay với tờ Thời Thế.  Khi tôi sang Mỹ, ở Sacramento (CA), ông Hồ Anh đã từ Virginia bay sang gặp tôi để mời tôi làm cho báo Văn Nghệ Tiền Phong.  Tôi đang ăn welfare, theo chương trình AFDC, coi như cuộc sống tạm ổn, nhưng tôi là người thích tự lập, nên nhận lời ông ngay. Thế là tôi lếch thếch đưa các con sang Virginia. Truyện đầu tiên tôi trình diện với độc giả Việt Nam ở Mỹ là truyện giả tưởng “Kiếp Chó”. Trong truyện này, Hồ Chí Minh đầu thai thành một con chó, chỉ thích ăn phân người, gọi là “bít tết đồng”. Khi truyện mới đăng được mấy kỳ, phản ứng của độc giả chia làm hai phe. Một phe rất tán thành, một phe cực lực phản đối. Không cần giải thích, ai cũng biết hai phe đó là những ai. Hồi đó, vì còn nhiều thân nhân kẹt lại Việt Nam, tôi không dám để tên thật trong truyện này mà phải lấy một bút hiệu khác.
 Nhưng tôi mới làm cho Văn Nghệ Tiền Phong có 3 tháng rưỡi thì ông chủ nhiệm nghe lời ông Lê Triết đuổi tôi. Lý do là tôi không chịu viết bài đả kích Mặt Trận Hoàng Cơ Minh. Khi ông Hồ Anh đề nghị tôi viết lọai bài này, tôi đã cho ông biết tôi không nên viết thêm khi tờ báo chỉ có 100 trang, kể cả bìa, mà bên trong đã có tới 6 bài đả kích Mặt Trận bịp, độc giả sẽ ngán đến cổ. Ông Lê Triết nghi tôi nằm vùng cho Mặt Trận nên xúi ông Hồ Anh đuổi tôi..
Thật ra, khi tôi mới đên San José, một nhân viên của Mặt Trận (nay cũng đang ở Virginia) đã gặp tôi ngay và đê nghị tôi cộng tác với báo Kháng Chiến của Mặt Trận. Ông ta đưa tôi đến thăm tòa báo, rồi muốn giữ tôi ở lại ngay đó để làm việc. Tôi cho biết tôi có ba con nhỏ đi cùng, không thể bỏ rơi chúng được, phải cho tôi có thời gian thu xếp. Buổi tối hôm đó, về nhà, tôi gọi điện thọai cho một người bạn cũ ở Nam Cali. Ông nguyên là nhân viên thân tín của bác sĩ Trần Kim Tuyến. Ông khuyên tôi nên dọn ngay đi nơi khác, đừng ở San José nữa để tránh xa Mặt Trận vì họ chỉ là bọn bịp bợm thôi. Tôi vội đem các con tôi lên Sacramento…tỵ nạn lần thứ hai.
Sau khi bị đuổi ra khỏi tòa báo, một mặt tôi xin trợ cấp trở lại một mặt tôi kiếm việc để làm. Nhưng, một hôm, sau khi tôi bị đuổi ra khỏi tòa báo khoảng nửa tháng, ông Hồ Anh gọi phone xin lỗi và mời tôi trở lại làm việc. Dù biết ông là kẻ “lá mặt lá trái” nhưng chưa kiếm được việc làm, tôi cũng đành nghe lời ông. Tôi phụ trách đọc thư và trả lời thư độc giả, đọc và chọn lựa bài độc giả gửi về. Vào dịp này, tòa soạn đươc tăng cường bằng một nhà văn từ xa tới. Ông Sơn Tùng, cư ngụ ở Nam Cali, thường gửi truyện ngắn và bài phiếm luận cho báo. Ông Hồ Anh rất thích lối viết của ông Sơn Tùng nên đã viết thư mời sang Virginia. Ông mua vé máy bay cho ông Sơn Tùng và cho ông tạm thời ở ngay trong tòa báo. Ông được phong là phụ tá chủ bút..
Khi ông Sơn Tùng bắt đầu làm việc, ông Hồ Anh xuất bản thêm tờ Tiểu Thuyết Nguyệt San. Tôi vừa làm thư ký tòa soạn vừa phải lay out tờ báo này. Ông Hồ Anh là người lý tài, keo kiệt, nên rất khó khăn về tiền bạc với nhân viên. Làm cho Văn Nghệt Tiền Phong lương đã thấp lại không có bảo hiểm sức khỏe. Vì thế, tôi vẫn ngấm ngầm tìm việc khác. Khi tờ Tiểu Thuyết Nguyệt San ra số 11, tôi được một hội thiện của Mỹ ở Washington DC gọi đi làm. Tuy lương thấp, vì tôi chỉ là một clerk (nửa thư ký nửa tùy phái) nhưng có đầy đủ bảo hiểm sức khỏe (cho cả các con nhỏ của tôi). Thật ra, lương sở Mỹ tuy thấp nhưng cũng gấp hai lương Văn Nghệ Tiền Phong  Tôi làm cho sở này đến ngày về hưu. Ngưòi thay tôi để lo tờ Tiểu Thuyết Nguyệt San là thi sĩ Hoàng Anh Tuấn. Tôi không hiểu báo ra thêm được mấy số thì phải đình bản.
Ông Sơn Tùng cũng chỉ làm cho Văn Nghệ Tiền Phong có một thời gian ngắn,  rồi cũng bỏ việc. Tôi không rõ ông và ông Hồ Anh có chuyện lủng củng gì,.     ,   .
Vào một ngày cuối tháng 9 năm 1990, ông Sơn Tùng gọi điện thoại báo tin cả hai vợ chồng ông Lê Triết đã bị bắn chết ngay trươc cửa nhà khi sửa soạn xuống xe hơi.  Ngưòi ta nghi thủ phạm là người của Mặt Trận Hoàng Cơ Minh, nhưng cảnh sát Mỹ không chịu điều tra đến nơi đến chốn nên không biết chắc.
Vụ ám sát này khiến người ta nhớ lại một vụ ám sát khác, nạn nhân cũng là một nhân viên tòa báo Văn Nghệ Tiền Phong. Có lời đồn rằng ông Ðỗ Trọng Nhân được Mặt Trận Hoàng Cơ Minh gài vào tòa báo để nằm vùng. Nhưng ông không làm tròn nhiệm vụ nên bị trừng phạt. Ông Nhân nguyên là một cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, khả năng về nghề làm báo của ông thấp kém, không viết lách được, chỉ có thể làm việc thủ công, cắt xén và xếp đặt lại các bài trươc khi đem in. Ngưòi như vậy thì làm sao có thể thay đổi lập trương của tờ báo được. Vì thế, người ta cho rằng ông Nhân bị giết oan..

                                                                                        Tạ Quang Khôi
                                                                                (3 – 2012)