Saturday, September 17, 2011

                    TÌNH XA
                                          Tạ Quang Khôi

Ô
ng bà Luyện xa nhau đã hơn bảy năm mà bây giờ được gặp lại cũng không tỏ vẻ mừng vui.  Họ cười với nhau, nắm tay nhau, nhưng cả hai đôi mắt đều thiếu vẻ trìu mến, thiết tha. Chỉ cò mấy đứa con theo bà từ Việt Nam qua là mừng vui khi được gặp cha.
            Sau khi lấy hành lý, mọi người lên chiếc xe “ven” của ông Luyện để rời phi trường. Xe vừa nổ máy, con Thảo, mới 8 tuổi, bỗng lên tiếng hỏi :
            “Bao giờ bác Thạnh sang Mỹ với mình, hả má ?”
            Câu hỏi ngây thơ của nó làm bà Luyện giật thót mình, trong khi mặt ông Luyện bỗng đanh lại. Thằng Ðạt, lớn nhất trong ba đứa con, liền lên tiếng nạt em:
            “Câm cái mõm lại, Thảo !”
            Con Thảo ngơ ngác không hiểu tại sao lại bị anh mắng. Bác Thạnh không phải là người thân của gia đình nó sao ? Hàng ngày bác vẫn đến chơi và thường cho quà anh em nó.
            Khi xe ngừng lại trong một bãi đậu xe của khu nhà cho mướn, ông Luyện nói :
            “Tôi thuê cho bà và các con ở tạm đây một căn có hai phòng ngủ. Tôi sẽ cố gắng giúp bà trong hai năm, sau đó bà phải tự túc. Chắc bà cũng biết rằng tôi phải bảo lãnh cho bà sang Mỹ cũng chỉ vì tương lai của các con ?”
            Bà Luyện im lặng, rồi cùng các con mang hành lý theo chồng vào khu nhà cho thuê. Vì là khu rẻ tiền, không có thang máy, phải leo cầu thang lên tầng thứ ba với nhiều hành lý nặng nề. Nhà tuy nhỏ nhưng có đủ tiện nghi tối thiểu. Ông Luyện cũng đã sắm sửa thêm nhiều thứ cho bốn mẹ con. Cả hai phòng ngủ đều có bốn giường ngủ cá nhân. Hai đứa con trai ở riêng một phòng, Con Thảo ngủ với mẹ.
            Trước khi chia tay, ông Luyện nói :
            “Cuối tuần sẽ đưa đi mua quần áo.”
            Bà Luyện giữ im lặng với một vẻ chịu đựng.
            Vì mệt mỏi sau một cuộc hành trình dài, mấy đứa nhỏ leo lên giường ngủ ngay. Bà Luyện tuy cũng mệt nhưng không buồn ngủ. Bà ngồi bên cửa sổ thẫn thờ nhìn xuống bãi đậu xe. Tâm trí bà lan man rồi dần dần đi ngược về dĩ vãng…
            Bà Luyện, tên con gái là Ngọc Lan, kết duyên vói ông Luyện khi bà là một thư ký đánh máy cho một sở tư ở Saigon. Lúc đó ông Luyện là chủ sự phòng làm việc của bà. Gia đình không giầu, nhưng phong lưu, có đôi chút dư dả vì bà căn cơ, tần tiện. Khi vợ chồng bà có đứa con thứ ba thì cộng sản chiếm miền Nam. Cuộc sống trở nên khó khăn vì cả hai cùng thất nghiệp. Lúc đó cả miền Nam sôi sục vì phong trào vượt biên trốn cộng sản. Ông bà Luyện cũng tính tới chuyện đó, nhưng có hai vấn đề phải giải quyết. Thứ nhất, ông bà không đủ vàng để đi cả gia đình. Thứ hai, con Thảo còn nhỏ quá, không thể đưa nó ra biển dù có người sẵn sàng cho mượn vàng để đóng cho chủ ghe. Thế là ông Luyện đi một mình. Hai ông bà hẹn sẽ gặp lại nhau sau hai năm nếu ông tới được bến bờ tự do. Ông lên đường vào một đêm giữa thasng 3 âm lịch. Lúc đó trong dân gian có câu truyền tụng ”Tháng ba bà già đi biển”, ý nói vào tháng này sóng yên bể lặng. Ông đi được bốn ngày thì bà được tin thuyền của ông đã ra thoát hải phận quốc tế, nghĩa là không bị kẹt vấn đề an ninh. Rồi một tháng sau, bà nhận được thư ông gửi từ một trại tỵ nạn ở Mã Lai. Trong thư, ông cho biết ông đã được phái đoàn Mỹ nhận. Trong vòng sáu tháng ông sẽ được đi Mỹ định cư. Như vậy, sau hai năm ông sẽ có thể làm giấy tờ bảo lãnh cho vợ con sang đoàn tụ. Giấc mơ được đoàn tụ với chồng trên đất Mỹ khiến bà háo hức chờ đợi…Nhưng hai, rồi ba năm qua, bà không nhận được giấy tờ bảo lãnh. Thư từ của ông cũng mỗi lúc một thưa. Không những thế, tiền bạc ông gửi về giúp gia đình cũng không đều, rồi đến năm thứ ba thì ngừng luôn. Thư bà gửi đi không có hồi âm. Khi thấy lũ con bắt đầu thiếu thốn, bà đành liều ra chợ trời buôn bán lặt vặt để tạm sống nheo nhóc cho qua ngày.
            Một hôm, đứa con gái út của bà bị bênh phải đưa vào nhà thương cấp cứu. Ngoài số thuốc bình thường của nhà thương, bà phải mua một vài loại thuốc trụ sinh ở chợ tròi. Bà rất lúng túng vì không đủ tiền. Nhìn con nằm sốt li bì, tính mạng bị đe dọa, bà chỉ biết khóc sụt sùi. Biết vay tiền ai bây giờ để mua thuốc cứu con ? Một ông y tá thấy vậy thì rủ lòng thương, bèn đi mua thuốc để tiêm cho con bà. Nhờ vậy, nó thoát chết. Cảm động trước lòng tốt của ông, bà coi ông như một người bạn tốt. Tình bạn mỗi ngày thêm đằm thắm rồi trở thành tình yêu lúc nào không hay. Ông lén vợ lo cho bốn mẹ con bà được sống đầy đủ.
            Khi nghe tin vợ đã có người yêu, ông Luyện đã định không bảo lãnh cho mẹ con bà sang Mỹ. Nhưng rồi ông đổi ý vì nghĩ đến tương lai của lũ trẻ. Thật ra, chính ông cũng đã có người đàn bà khác. Ngay từ khi mới đến đảo tỵ nạn ông đã dan díu với một người đàn bà trẻ, chồng chết trong trại tù cải tạo, chưa có con. Hai người may mắn cùng được định cư ở Hoa Kỳ. Chính vì thế, ông lần lữa không bảo lãnh cho vợ con sang đoàn tụ ngay. Nhưng dù sống với người mới ông vẫn chưa hợp thức hóa để thành vợ thành chồng vì ông còn nhớ tới lũ con nhỏ. Rồi khi ông biết tin vợ có người tình, ông càng phân vân hơn.
            Một hôm, biết ông khó xử về việc bảo lãnh gia đình, bà Hoa, vợ mới của ông Luyện, góp ý :
            “Theo em, anh cứ bảo lãnh cho trọn tình trọn nghĩa. Sau đó, anh với chị thẳng thắn gỉai quyết dứt khoát với nhau. Hơn nữa, anh không thể bỏ rơi các cháu được.”
            Thấy bà nói có lý, ông xúc tiến việc bảo lãnh ngay. Vì thế, khi hai vợ chồng gặp lại nhau sau bảy năm xa cách mà không vui.
            Sau khi suy nghĩ kỹ, bà Luyện cho rằng bà không có lỗi. Bà đã kiên nhẫn chờ đợi, nhưng chính ông đã bỏ rơi bốn mẹ con bà để vui thú với mối tình mới. Rồi vì hoàn cảnh đưa đẩy, bà mới phải liên lạc thân mật với ông Thạnh. Bà không là người làm tan vỡ tình gia đình, chính ông mới là kẻ phụ bạc. Ðáng lẽ ông phải hòa dịu để che giấu lỗi của mình, vậy mà ông còn vênh váo trách móc bà. Thế rồi bà quyết định đối chất với ông. “Lành thì làm gáo, vỡ làm môi” bà thầm nghĩ như vậy. Bà gọi điện thoại cho ông, đòi gặp ông ngay. Nhưng ông hẹn buổi tối vì đang ở sở làm. Nhưng ông lại không giữ đúng lời hứa, lần lữa mãi đến cuối tuần mới cùng bà Hoa tới.
            Vừa mời hai người vào nhà, chưa kịp mời ngồi, bà đã lên tiếng trách ông ngay :
            “Ông có biết ông chính là người đã làm tan nát gia đình không ?”
            Ông Luyện bị bất ngờ nên lúng túng nhìn bà chằm chặp mà không nói nền lòi. Bà Hoa cũng ngạc nhiên trước thái độ hung hăng của bà Luyện.
            “Khi ông vượt biên, bà Luyện tiếp, nhà không đủ tiền, tôi phải đi vay đi mượn để đóng cho chủ ghe. Ông hứa khi được định cư ở bất cứ nước nào cũng làm giấy tờ bảo lãnh cho bốn mẹ con tôi sang đoàn tụ. Thế rồi ông quên lời hứa. Chờ đợi lâu, không có tiền đẻ sống, tôi phải bỏ con thơ ở nhà để buôn bán chợ trời. Khi con Thảo bị bệnh nặng, tôi không có tiền mua thuốc, người ta giúp đỡ tôi cứu sống nó. Một mặt ông bỏ rơi mẹ con tôi, một mặt người ta giúp đỡ tận tình, làm sao tôi không cảm động cho được. Bây giờ ông lên mặt trách tôi không chung thủy. Ông hãy sờ gáy ông xem ai là người phụ bạc trước ?”
            Ông Luyện đúng chết trân, không thốt được một lời. Bà Hoa cũng giữ im lặng, nhưng trong thâm tâm bà công nhận bà Luyện có lý. Ngừng một chút, bà Luyện tiếp :
            “Tôi mời ông đến đây để báo cho ông biết tôi sẽ về lại Việt Nam. Ông đã nói chỉ vì tương lai của ba đứa nhỏ mới bảo lãnh bốn mẹ con tôi sang Mỹ, vậy tôi xin trao cho ông ba đứa nhỏ để ông nuôi nấng, dạy dỗ cho chúng có tương lai.”
            Bà vừa dứt lời, từ trong phòng ngủ, con Thảo nói vọng ra :
            “Con về Việt Nam với má cơ.”
            Tức thì hai anh chị nó về hùa với nó ngay.
            Ông Luyện vẫn giữ im lặng vì không biết đối đáp ra sao. Bà Hoa nhẹ nhàng lên tiếng :
            “Em xin có ý kiến như sau. Chị và các cháu cứ ở lại Mỹ đi. Ðã sang được đến đây mà quay trở về thì uổng quá.”
            Bà Luyện thầm công nhận đề nghị hợp lý, nhưng không nói gì.
            Mấy phút sau, bà Hoa lại lên tiếng, nhưng lần này có giọng ngập ngừng :
            “Ðàng nào thì…thì cũng không thể…hàn gắn được nữa…em có ý kiến này…để chị dễ giải quyết chuyện tương lai của chị…Anh Luyện sẽ xin ly dị với chị… Nhưng em xin bảo đảm ảnh sẽ giúp chị cho đến ngày chị và các cháu có cuộc sống ổn định.”
            Ông Luyện bỗng nói chêm vào :
            “Tất nhiên tôi không bỏ đói con tôi…”
            Nhưng ông chưa dứt lời, bà đã ngắt :
            “Vì ông đã bỏ đói chúng nó mới ra nông nỗi này.”
            Ông lại cứng họng, vẻ mặt ngượng ngùng. Bà Hoa nhỏ nhẹ nói với ông :
            “Anh cứ để mặc em nói chuyện với chị…Ðàn bà với nhau dễ hiểu nhau hơn.”
            Ngừng một chút, bà Hoa tiếp :
            “Khi đã ổn định, chị có thể bảo lãnh anh Thạnh sang đoàn tụ với chị…”
            Bà chưa dứt lời, bà L:uyện đã ngắt :
            “Tại sao tôi phải bảo lãnh ông Thạnh ? Tôi việc gì phải đoàn tụ với ông ấy. Ông ấy với tôi có là vợ chồng đâu mà đoàn tụ với chả xum họp ? Tôi ăn nàm với ông ấy chỉ là một cách đẻ trả ơn mà thôi. Người ta bỏ tiền ra cứu con tôi sống sót, tôi không có tiền để trả lại người ta thì phải đem thân ra…mà thôi. Cũng như mấy cô gái điếm chỉ vì đồng tiền mà ngủ với khách làng chơi, đâu có yêu với thương gì ai.”
            Câu nói sỗ sàng của bà làm bà Hoa kinh ngạc trố mắt nhìn mà không thốt được một lời. Trong khi đó, mặt ông Luyện tím ngắt lại. Ðúng là một lời nguyền rủa, sỉ nhục quá nặng đối với ông. Chồng mà để vợ phải đi làm điếm nuôi cho con cái được sống sót thì người chồng đó còn mặt mũi nào ngước nhìn đời nữa. Nhưng ông thầm công nhận bà nói đúng. Chính vì ông đã bỏ rơi vợ con, chứ không phải bà là người hư hỏng. Ông đành dịu giọng hỏi :
            “Vậy bây giờ bà muốn gì ?”
            Thấy chồng đã chịu thua, bà không nỡ làm khó dễ ông nữa nên lắc đầu :
            “Tôi chả muốn gì hết. Bây giờ các con đã sang được đây, đã gặp bố, tôi an tâm rồi. Tôi giao con cho ông, rồi tôi sẽ vào chùa tu. Cuộc đòi tôi thế là mãn nguyện.”
            Bà quay sang bà Hoa, dịu dàng nói :
            “Xin chị thương các cháu, dạy dỗ các cháu nên người…”
            Bà Hoa nắm lấy tay bà Luyện, thân mật hứa :
            “Xin chị cứ an tâm, em coi các cháu như con em. Nhưng…nhưng…chị việc gì phải đi tu…”
            Bà Luyện khẽ thở dài :
            “Nói thật với chị, tôi cũng chán đời rồi. Sở dĩ tôi còn sống đến ngày nay cũng chỉ vì mấy đứa nhỏ thôi. Bây giờ tôi đã trông thấy tương lai của chúng sáng sủa thì không còn gì vướng mắc tôi nữa. Tôi nghĩ rằng kiếp trước tôi vụng tu nên kiếp này gặp nhiều đau khổ, gian truân. Nay đã đến lúc tôi có thể lo cho kiếp sau.”
            Bà Hoa khẽ thở dài :
            “Nếu chị đã quyết, em sẽ đưa chị tới thăm một ngôi chùa toàn các sư nữ. Có điều hơi xa. Nhưng đã đi tu thì xa gần đâu có quan trọng. Em tin là chị sẽ thích ngôi chùa này. Toàn các vị chân tu cả.”
            Bà Luyện vui vẻ :
            “Nếu được như vậy, tôi rất cảm ơn chị.”
                                                                                         TQK
                                                                                         (9-2011)      

Thursday, September 8, 2011

HỒ XUÂN HƯƠNG
   và NHỮNG NGHI VẤN
                                                                                                 Tạ Quang Khôi
N
gười đầu tiên dùng phân tâm học của Freud trong văn chương Việt Nam có lẽ là ông Nguyễn Văn Hanh. Năm 1936, ông Nguyễn viết trong cuốn HỒ XUÂN HƯƠNG : TÁC PHẨM, THÂN THẾ VÀ VĂN TÀI (xuất bản ở Saigon) rằng nữ sĩ họ Hồ là một người xấu xí, đen đủi, bị khủng hoảng về tình dục. Ông còn gọi thơ bà là thơ “hiếu dâm”. Đến cuối thập niên 1940 (hay đầu 50 ?) Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa, trong cuốn KINH THI VIỆT NAM cũng cho rằng nữ sĩ họ Hồ có những dồn nén tình dục.
Nhưng vào thời gian đó, chưa ai nghĩ rằng thơ Hồ Xuân Hương không phải do chính nữ sĩ họ Hồ sáng tác. Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm còn viết một cuốn sách ca tụng bà là một nhà thơ cách mạng (Bốn Phương xuất bản năm 1950 ở Hà Nội). Đến cuối năm 1952, một nhóm người nêu giả thuyết không thực sự có một nữ sĩ tên là Hồ Xuân Hương. Thơ họ Hồ là thơ của nhiều nhà nho ẩn danh muốn giải tỏa những dồn nén tình dục của mình. Nhóm chủ trương “không có Hồ Xuân Hương” nêu lý do : trong thơ họ Hồ thường nhắc tới Chiêu Hổ, tức Phạm Đình Hổ, tác giả “Vũ Trung Tùy Bút”. Thế mà trong tác phẩm này, họ Phạm không hề nhắc tới người đã từng xướng họa thơ với mình. Rồi họ kết luận : không có nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Chúng tôi e rằng nếu chỉ dựa vào lý do đó – theo thiển kiến, nó thiếu tính chất khoa học, nên chưa đủ sức mạnh thuyết phục – mà quyết định một vấn đề rất quan trọng trong văn học sử thì e quá hồ đồ. Nhưng chủ trương đó cũng làm một số người phân vân, hoang mang.
Vào cuối thập niên 1950, Học giả Hoàng Xuân Hãn, trong một bài nghiên cứu, quả quyết rằng thực sự có một nữ sĩ tên là Hồ Xuân Hương trong văn học cổ Việt Nam. Tuy nhiên, học giả họ Hoàng xác nhận rằng thơ Hồ Xuân Hương có những bài không phải do chính nữ sĩ sáng tác.
Chúng tôi nghĩ rằng Hoàng tiên sinh có lý. Có thể có một số người không hiểu tại sao các nho sĩ, văn hay chữ tốt, làm thơ lại không dám nêu tên mình mà phải núp dưới bóng người khác. Thật ra, điều này cũng không khó giải thích.
Trước hết chúng ta phải tìm hiểu nền giáo dục Khổng-Mạnh. Đó là một nền giáo dục khắt khe, nhằm đào tạo một con người toàn vẹn, cả về đức độ lẫn tài năng. Nó đã đưa những người theo nó lên nấc thang cao nhất của một xã hội nặng về nông nghiệp : Sĩ, Nông, Công, Thương. Dường như sau “Cách mạng tháng Tám” (1945) người ta mới thêm một đảng cấp nữa, đó là “Binh”. Kẻ sĩ, nhà nho, là một lớp người được cả xã hội quý trọng, kính nể. Họ tiến lên thì làm quan giúp vua, giúp nước, giúp dân; lui về thì dạy học, vun trồng thế hệ mai sau. Đó là “Tiến vi quan, thoái (hay đạt) vi sư.” Vì được tất cả mọi người trong xã hội kính nể, họ phải làm gương tốt cho thiên hạ noi theo. Muốn thế, nhà Nho phải luôn luôn giữ cho lòng được ngay thẳng, trong sáng
Để giữ cho lòng được ngay thẳng, trong sáng, họ chỉ nghĩ tới những điều cao đẹp, nói những điều hay để người khác nghe theo. Do đó, trong Hán tự, chữ CÁT  (tốt lành) được ghép hai chữ SĨ và KHẨU ( ) nghĩa là những gì xuất phát từ miệng của kẻ sĩ đều tốt lành. Nho giáo khắt khe như vậy nên quả thật rất ít người theo đúng được, trừ những bậc thánh hiền. Con người ta dù ở địa vị đáng tôn kính nào vẫn là những con người với tất cả mọi nhu cầu, cả về vật chất lẫn tinh thần. Con người sẽ mất thăng bằng nếu chỉ thiên về một phía. Các nhà nho, dù ngày đêm “tụng” sách Thánh Hiền cũng không thể thoát ra khỏi thông lệ đó. Nho sĩ cũng là con người với tất cả “thất tình”. Họ cũng có những thèm khát vật chất như mọi chúng sinh khác. Nhưng họ phải giấu kín những gì lễ giáo cho là thấp hèn. Ngay cả vợ chồng cũng không được bộc lộ những thèm muốn về xác thịt, phải “tương kính như tân” (kính trọng nhau như khách). Đã “kính trọng nhau như khách”, vợ chồng không thể nói với nhau những lời xuồng xã, thô tục như những kẻ phàm phu. Trước mắt quần chúng, nhà nho càng phải nghiêm chỉnh hơn, lúc nào cũng phải nhớ rằng mình đang ở một địa vị cao quý nhất xã hội, “nhĩ mục quan chiêm”. Nhưng họ nghiêm chỉnh không có nghĩa là họ không có những thèm muốn về xác thịt. Thật ra, họ cũng muốn thỏa mãn những nhu cầu đó như mọi người bình thường khác.
Đối với những người đã hiển đạt  (thi đỗ, làm quan, giầu có) thì dù có phải coi vợ như khách, họ vẫn có cách giải quyết ổn thỏa. Họ có thể “nạp thiếp”,nghĩa là lấy vợ nhỏ, nàng hầu (trai năm thê, bảy thiếp…). Đối với vợ lẽ con thêm, họ không cần phải giũ lễ “tương kính như tân”.
Còn những nho sĩ chưa hiển đạt, chưa có đủ phương tiện để “nạp thiếp”, họ phải giấu kín những thèm muốn trong lòng để rồi chúng dần dần biến thành những dồn nén nhức nhối, khó chịu. Con đường giải tỏa tạm thời của họ là làm thơ, lén lút đưa cho nhau thưởng thức. Họ có thể là những người “văn chương chữ nghĩa bề bề”, thơ họ không phải là loại thơ “con cóc”. Rồi nhân đã có người nổi tiếng về lối thơ “dồn nén”, họ “đổ thừa” những bài thơ mới sáng tác của họ cho người đó. Thế là họ vẫn giữ được tiếng nhà nho ngay thẳng, lòng sáng như gương. Trong một bài hát nói tả một anh giả điếc, Nguyễn Khuyến đã có hai câu thơ chữ Hán mà mọi người cho rằng Cụ muốn ám chỉ thái độ nghiêm chỉnh giả tạo của một số nhà nho :
                                  “Tọa trung đàm tiếu nhân như mộc,
                                  “Dạ lý phan viên nhữ tự hầu.”
(Tạm dịch : Ngồi nói chuyện vui với mọi người thì như gỗ, đến đêm anh cũng leo trèo như vượn.)

Đến đây, chúng ta thử tìm hiểu cách phổ biến thơ  (nhất là thơ nôm, vì bị coi là “nôm na mách qué”, lại không phải là thứ văn tự được dùng trong thi cử) của cổ nhân Việt Nam. Các thi sĩ của ta ngày xưa không in thơ thành tập như các nhà thơ của thế kỷ 20. Có hứng thì làm thơ, nếu thấy hay, họ đưa cho bạn bè, người chung quanh cùng thưởng thức. Các nhà sưu tầm, nghiên cứu sau này đã mất rất nhiều thời giờ và công phu để gom góp lại. Tất nhiên chuyện “râu ông nọ cắm cằm bà kia” không thể tránh được. Do đó, trong văn học cổ Việt Nam, có nhiều trường hợp có những bài thơ có đến hai hoặc ba tác giả. Một thí dụ có liên quan đến hai nữ sĩ nổi tiếng trong văn học sử Việt Nam, vì cả hai cùng lấy chồng quan. Chuyện kể rằng : Một hôm, ông chồng quan đi vắng, bà vợ đăng đường xử án thay chồng. Một người đàn bà tên Nguyễn thị Đào, đệ đơn xin lấy chồng (có sách nói xin bỏ chồng để lấy chồng khác), bà quan liền phê vào đơn như sau :
                                            “Phó cho con Nguyễn thị Đào,
                                       “Nước trong leo lẻo cắm sào đợi ai ?
                                            “Chữ rằng : Xuân bất tái lai,
                                       “Cho về kiếm chút kẻo mai nữa già.”
Có sách cho rằng mấy câu thơ trên của Hồ Xuân Hương (khi bà làm lẽ ông phủ Vĩnh Tường), có sách ghi tên tác giả là Bà Huyện Thanh Quan. Người ta thắc mắc người vợ lẽ trong xã hội cổ xưa có dám tự tiện đăng đường xử án thay chồng không, khi chính mình còn chịu cảnh “kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng” ?  Nhưng nếu xét về “văn phong”, ta thấy hợp với “khẩu khí” của Hồ Xuân Hương hơn.
Nhà thơ trào phúng Trần Tế Xương của Non Côi, sông Vị đã làm rất nhiều thơ chế diễu thói hư tật xấu (có khi chỉ xấu với riêng ông) cuả người trong tỉnh Nam Định. Hầu như mọi người đều đã đọc và lưu trữ thơ ông, nhưng con cháu ông lại không có lấy một bản.
            Về trường hợp thơ Hồ Xuân Hương, ta phải công nhận khó mà phân biệt bài nào do chính nữ sĩ sáng tác, bài nào không phải. Có người đã đề nghị một cách “nhận diện” như sau.
Khi người đàn ông bị dồn nén về tình dục, người đó sẽ nghĩ nhiều đến người đàn bà và thân thể của phái yếu. Người ta kể rằng một nhà cách mạng Việt Nam chống Pháp, khi bị tù quá lâu, đã mơ tưởng đến “nắm thuốc lào”.Vì thế, những thơ nói về thân thể người đàn bà, như “Vinh cái quạt” (Vành ra ba góc da con thiếu, Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa) chưa chắc đã do Hồ Xuân Hương sáng tác.  Ngược lại, khi người đàn bà bị dồn nén, người ấy phải nghĩ đến những cái hấp dẫn của người đàn ông, như bài “Vịnh ông quan:” :
                       ”Đầu đội nón da loe chóp đỏ,
                       “Lưng đeo bị đạn rủ quai thao”
Nhưng chúng tôi nghĩ rằng điều quan trọng nhất là chúng ta có một nữ sĩ tài ba đã sáng tác những bài thơ tuyệt diệu cho đến nay chưa ai sánh kịp. Vậy chúng ta có nên tìm hiểu xem bài nào do chính nữ sĩ họ Hồ sáng tác, bài nào của những ai khác không ?.Hay tất cả đều là thơ Hồ Xuân Hương .
            Các Cụ ta ngày xưa đã có câu :”Cá vào ao ai, người ấy hưởng”. Đó là một điều rất hợp lý, không ai có thể chối cãi đuwjc.
                                                                                                            TQK