Saturday, August 20, 2011

             KỶ NIỆM MỘT THỜI
                                                      Tạ Quang Khôi

N
gay từ  nhỏ, mới học lớp nhì, lớp nhất bậc tiểu học tôi đã mơ trở thành thi sĩ. Khi bước chân lên năm thứ nhất thành chung, sau này gọi là bậc trung học,  tôi bắt đầu làm thơ. Sở dĩ tôi mơ trở thành thi sĩ vì tôi có một thầy giáo kèm tại nhà là một thi sĩ có nhiều thơ được đăng trên các báo ở Hà Nội. Tỉnh tôi là một tỉnh nhỏ nên khi vị gia sư của tôi có thơ đăng báo thì ông trở thành một thi sĩ nổi danh ngay, ít nhất cũng là người tiếng tăm, tài hoa của cái tỉnh nhỏ bé, quê hương tôi. Có thầy học là thi sĩ nổi tiếng, tất nhiên tôi cũng mơ trở thành thi sĩ như thầy. Tôi đâu có biết rằng muốn làm thơ phải có tài chứ không phải làm được năm ba câu vè là thành thi sĩ ngay, nhất lả nhà thơ danh trấn một phương.
          Một hôm, tôi đưa bài thơ tôi vừa “sáng tác” cho Thầy xem. Đó là bài thơ đầu tiên trong đời tôi. Thầy xem xong, giữ im lặng một lúc khá lâu, rồi bảo tôi : “Cậu nên học hành chăm chỉ, đừng có thơ thẩn mà hỏng cả một đời.” Tôi gạn hỏi :”Nhưng anh (tôi quen gọi ông là anh) không cho em biết ý kiến của anh về thơ em.” Ông lại im lặng một lúc nữa rồi mớt trả lời : ”Cậu chưa biết làm thơ... hay nói thật cậu đừng buồn, cậu không có khiếu về thơ đâu.” Tôi thất vọng và đau dớn vì tự ái bị tổn thương. Nhưng sau đó, tôi nghĩ rằng ông thầy sợ tôi “cạnh tranh nghề nghiệp” với ông nên không muốn tôi cũng làm thơ như ông. Từ đó, tôi vẫn làm thơ và không thèm (hay không dám ?) đưa cho Thầy xem nữa. Tôi âm thầm tự coi mình là một thi sĩ.
          Khi đi kháng chiến chống Pháp, tôi cũng vẫn làm thơ. Chính nhờ những bài thơ tôi gửi đăng “báo viết tay” của đơn vị, tôi được chuyển  về làm trong tòa soạn “báo viết tay” của trung đoàn. Gọi là tòa soạn cho oai chứ thật ra chỉ có trần xì hai mống, một người biết vẽ và viết chữ đẹp, và một người soạn bài vở. Độc giả đa số là những chiến sĩ chưa qua bậc tiểu học. Ít ra tôi cũng nổi tiếng là thi sĩ của trung đoàn tôi. Xin giải thích về “báo viết tay”. Loại báo này không phải là bích báo (báo dán tương) mà cũng không phải là báo in đàng hoàng. Báo viết tay được viết trên một vài tờ giấy nhỏ, truyền tay cho nhau đọc vào những giờ nghỉ ngơi. Cũng có khi được đọc trong một buổi họp đông đủ mọi người. Loại báo này có tính cách thủ công nghiệp nặng về tuyên truyền hơn văn chương nghệ thuật.
          Giữa năm 1950, tôi bỏ kháng chiến, trở về Hà nội để đi học lại, rồi tiếp tục làm thơ. Thơ tôi được đăng trên một vài tờ tuần báo văn nghệ của đất Thăng Long. Nhờ những bài thơ đăng báo này tôi được quen biết một số văn nghệ sĩ của Hà thành hoa lệ. Chơi với tôi thân nhất là anh em anh Hoàng Phụng Tỵ và Hoàng Song Liêm, anh Lê Nguyên Ngư (vào Saigon đổi là Hồ Nam và Vương Tân), anh Song Nhất Nữ, anh Nguyễn Quốc Trinh, vv... Anh Hoàng Song Liêm còn có bút hiệu là Người Xứ Mộng trong tờ “Chiếu Bóng Tuần báo”, chuyên trả lời những thắc mắc của độc giả bốn phương về điện ảnh. Một trong những nữ độc giả trung thành của họ Hoàng sau đã trở thành Hoàng phu nhân khi Anh Liêm di cư vào Nam.
          Anh Hoàng Song Liêm và tôi dự định in chung một tập thơ, lấy tên là “Nắng Mới”. Thơ đã chọn lựa và gom góp đầy đủ, tiền in cũng đã sẵn sàng. Chỉ còn một việc cuối cùng là đem tiền và thơ tới nhà in là chúng tôi sẽ nổi tiếng như sóng cồn. Nhưng một việc không may đã xảy ra làm cuốn thơ tựa đề là “Nắng Mới” biến thành...nắng tàn, không bao giờ đuợc ra chào đời dù đã được chuẩn bị đầy đủ. Một buổi, anh Liêm và tôi rủ nhau đi ăn mừng tác phẩm sắp in. Chúng tôi vào một hiệu cà phê ở gần bờ hồ Hoàn Kiếm, uống cà phê và ăn bánh pâté chaud. Chúng tôi nhận ngay ra rằng paté chaud của hiệu Tùng Linh này ngon vô cùng, có thể coi như vô địch ở đất Thăng Long lúc bấy giờ. Thế rồi ngày nào chúng tôi cũng bỏ học (lúc đó Anh Liêm học đệ nhất ở Nguyễn Trãi, tôi ở Chu Văn An) để đến hiệu Tùng Linh “ăn mừng tác phẩm sắp in”. Tôi nghĩ rằng mình sắp là thi sĩ rồi, cần gì phải học. Chẳng bao lâu, tiền in thơ của chúng tôi bị hao hụt trầm trọng. Anh Liêm và tôi kiểm điểm lại số tiền dành cho việc in thơ không còn đủ trả nhà in nữa. Anh Liêm nói đùa :”Thôi, mình không thèm làm phiền hội đồng giám khảo của hoàng gia Thụy điển nữa, chờ một dịp khác vậy.” Thế là mộng in thơ đã tan thành mây khói, hay đúng ra là tan thành cà phê và pâté chaud. Chúng tôi quy lỗi cho ông chủ hiệu Tùng Linh đã bóp chết một thi phẩm...”để đời” trong trứng nước.
          Di cư vào Saigon, anh Hoàng Song Liêm gia nhập quân đội, đeo lon chuẩn úy đồng hóa chiến tranh tâm lý bộ Quốc phòng. Vào dịp đó, nhà văn lão thành Tam Lang cùng một nhóm văn nghệ sĩ Bắc Kỳ di cư xuất bản tờ nhật báo Tự Do. Tôi xin được một chân thư ký nhà in. Tại đây, tôi có hân hạnh được quen biết các nhà văn, nhà thơ bậc đàn anh nổi tiếng, như  các anh Vũ Khắc Khoan, Mặc Đỗ, Mặc Thu, Đinh Hùng và Như Phong... Thỉnh thoảng thơ của tôi cũng được đăng trên nhật báo Tự Do. Anh Như  Phong là một người làm việc rất tích cực. Ngoài chức tổng thư ký tòa soạn rất bận rộn, anh còn viết một truyện dài hàng ngày. Hậu quả của sự làm việc quá hăng say là bệnh lao phổi. Anh phải nghỉ để chữa bệnh. Người tạm thay anh là anh Nguyễn Hoạt tức Hiếu Chân. Lúc đó, anh Như Phong đang viết truyện dài “Một Triệu Đồng”. Đáng lẽ khi anh nghỉ thì truyện cũng phải tạm ngưng, nhưng các vị trong ban chủ trương không muốn bỏ ngang, nên các anh Nguyễn Hoạt, Đinh Hùng, Bùi Xuân Uyên, Mặc Thu phải thay phiên nhau viết tiếp. Thi sĩ Đinh Hùng cũng là người làm việc rất tích cực. Ngoài mục thơ châm biếm hàng ngày “Đàn Ngang Cung” mà anh ký là Thần Đăng, anh còn viết một truyện dài dã sử, tựa đề là “Kỳ Nữ Gò Ôn Khâu” với bút hiệu Hoài Điệp Thứ Lang và vẽ tranh hài hước. Bây giờ anh lại phải viết phụ “Một Triệu Đồng” thì thật vất vả. Người nào cũng viết một vài kỳ, rồi không chịu tiếp tục nữa. Anh Nguyễn Hoạt một hôm bảo tôi : ”Cậu viết giúp một vài kỳ đi. Như Phong cũng sắp về rồi.” Tôi vừa ngạc nhiên vừa e ngại, vì tôi có viết truyện dài bao giờ đâu. Tôi rụt rè trả lời anh :”Nhưng tôi không đọc truyên của anh Như Phong, làm sao viết nổi.” Ngẫm nghĩ một lúc, anh bảo tôi : ”Thôi được, hôm nay tôi viết, ngày mai đến phiên cậu. Tối nay về xem lại từ đầu đi.” Tôi miễn cưỡng nhận lời. Tôi viết được vài kỳ thì thấy khổ sở và mệt mỏi quá vì vượt quá khả năng của tôi nên nhất định không viết tiếp nữa. Đúng vào lúc đó anh Như Phong đi làm lại. anh Nguyễn Hoạt nửa đùa nửa thật trách anh Như Phong đã làm khổ cả tòa soạn. Anh Như Phong viết thêm một vài kỳ nữa rồi chấm dứt truyện. Vì chấm dứt bất ngờ như vậy, khoảng trống đó chưa có truyện nào thay thế. Tòa soạn phân vân chưa biết tính sao thì anh Nguyễn Hoạt lại đề nghị :”Hay để anh Khôi viết trám chỗ đó đi. Mấy kỳ anh ấy viết thế truyên Một Triệu Dồng cũng được lắm.” Các anh Như Phong, Đinh Hùng, Vũ Khắc Khoan, Mặc Thu đồng ý ngay. Anh Mặc Đỗ đi vắng nên không có ý kiến. Các anh bảo tôi thử viết trước một đoạn xem sao. Đêm hôm đó tôi đã thức trắng để viết thử. Sáng ra, tôi đưa cho anh Nguyễn Hoạt một xấp  giấy mới viết, lấy tên truyện là”Vực Thẳm”. Anh vừa đọc vừa gật gù có vẻ đồng ý. Anh Vũ Khắc Khoan cũng đọc bản nháp của tôi, rồi bảo :”Việc đ. gì mày phải lấy bút hiệu, cứ chơi tên thật cũng có sao đâu.” Anh Khoan là bạn học của mấy ông anh họ tôi ở Bưởi nên coi tôi như em. Tôi nghe lời anh bỏ bút hiệu mà tôi vẫn dùng khi làm thơ.
          Thế là tôi trở thành một cây viết feuilleton một cách tình cờ và bất đắc dĩ. Nhưng nhật báo Tự Do không sống lâu. Vào cuối tháng 4 năm 1956, nội bộ có chuyện lủng củng. Rồi báo đóng cửa vào đầu tháng 5. Mới đây, anh Mặc Đỗ (hiện ở Texas) cho biết  nguyên nhân chính khiến nhật báo Tự Do phải dẹp tiệm là chuyện chính trị, chứ không phải nội bộ lủng củng. Anh Như Phong Lê Văn Tiến trước khi qua đời cũng xác nhận điều đó. Phủ Tổng thống thấy báo Tư Do của dân Bắc Kỳ di cư được độc giả ủng hộ nồng nhiệt mà ban chủ trương của tờ báo không một ai là đảng viên Cần lao Nhân vị, lại không phải người miền Trung mà cũng không ai theo Thiên Chúa giáo nên muốn lấy tờ báo về cho đảng viên Cần lao. Khoảng một năm sau báo Tự Do tái bản, chủ nhiệm là anh Phạm Việt Tuyền, người của phủ Tổng Thống. Anh Như Phong lại làm thư ký tòa soạn. Nhà văn đường rừng Tchya Đái Đức Tuấn giữ mục chuyện phiếm hàng ngày “Nói Hay Đừng” với bút hiệu là Mai Nguyệt. Sau Mai Nguyệt là Tiểu Nhã hay Hà Thượng Nhân tức Phạm Xuân Ninh và Hiếu Chân Nguyễn Hoạt. Tôi không nhớ ai trước ai sau hay viết xen lẫn ?
          Khi tới Mỹ theo diện HO, anh Như Phong có ghé thăm tôi ở Falls Church (VA) và ở lại chơi một tuần. Trong dịp này anh kể một chuyện vui về nói lái. Nhà văn Mai Nguyệt có lần viết trong mục “Nói hay đừng” (mà Tiểu Nhã nói ngược lại là...nứng hay đòi) đụng chạm tới ông Cao Văn Tường, chủ tịch quốc hội. Ông Cao đòi trừng phạt báo Tự Do. Khi nghe tin này, Mai Nguyệt  không những không sợ mà còn viết thêm một bài nữa lấy tựa đề là “Cao Tặc”. Có thể người đọc chỉ nghĩ rằng Mai Nguyệt đã coi ông Cao Văn Tường là giặc khi đòi trừng phạt báo Tự Do. Nhưng có người đã mét với ông Tường là Mai Nguyệt xúc phạm nặng nề đến ông chủ tịch quốc hội, nếu đọc ngược lai. Câu chuyện tưởng đã thành lớn ngay, nhưng nhờ sự dàn xếp khéo léo của bác sĩ Trần Kim Tuyến mà được thông qua một cách êm thắm..
          Về phần tôi, sau khi báo Tự Do của nhóm cụ Tam Lang đình bản, tôi thất nghiệp. Đang chới với lo lắng thì nghe tin đài phát thanh Saigon mở kỳ thi tuyển biên tập viên. Tôi bèn nộp đơn và đã trúng tuyển. Nhưng ngồi soạn tin cho xướng ngôn viên đọc được một thời gian thì tôi bắt đầu cuồng cẳng, xin đổi sang ban phóng viên chạy ngoài. Trong thời gian làm phóng viên, tôi có hai chuyện để nhớ suốt đời. Chuyện thứ nhất là chuyện cùng một bạn phóng viên khác của đài Saigon về Cần Thơ xem xử tử loạn tướng Ba Cụt. Cảnh dầu rơi, máu phun tóe ra làm tôi sợ đến run người. Khi trở về Saigon, tôi lên cơn sốt ba ngày liền. Chuyện thứ hai là chuyện ám sát hụt tổng thống Ngô Đình Diệm ở Ban Mê Thuột. Thủ phạm dấu khẩu tiểu liên trong áo mưa nên chỉ bắn được có một phát rồi súng bị kẹt. Người ta cho rằng nếu cả băng đạn ra khỏi nòng một cách trơn tru thì tổng thống Diệm cũng không thoát mà các nhà báo vây quanh tổng thống cũng sẽ có nhiều người bị trúng đạn. Viên đạn duy nhất đã trúng ông bộ trưởng canh nông Đỗ Văn Công sau khi xẹt qua lưng ký giả Trực Ngôn của báo Tự Do. Thủ phạm bị bắt ngay tại trận. Đến sau chính biến giết anh em tổng thống Diệm vào đầu tháng 11 năm 1963, thủ phạm vụ mưu sát này đã được trả tự do.

          Trong thời gian làm đài phát thanh Saigon, tôi vẫn cộng tác với báo Ngôn Luận và Văn Nghệ Tiền Phong. Tôi viết truyện dài cho cả hai báo.  Văn Nghệ Tiền Phong có mục giải đáp tâm tình do bà Tùng Long phụ trách. Một hôm, độc giả gửi thư than phiền bà Tùng Long đã xúi người ta bỏ vợ, bỏ chồng. Cách đây nửa thế kỷ, ở Việt Nam, chuyện vợ chồng ly dị là chuyện ít xảy ra nên độc giả mới coi là quan trọng. Ngày nay, trên các báo hàng ngày ở Mỹ, các bà giải đáp tâm tình Mỹ thường khuyên độc giả ly dị mà có thấy ai phàn nàn gì đâu. Ông chủ nhiệm Hồ Anh Nguyễn Thanh Hoàng quyết định “chấm dứt nhiệm vụ” của bà Tùng Long. Thoạt tiên, ông chuyển mục đó cho Anh Tử Vi Lang, tức Thày Gòn. Anh Tử Vi Lang viết cho cả hai báo, Ngôn Luận và Văn Nghệ Tiền Phong, lại mới cưới vợ nên lúc nào cũng than “ bận quá, bận quá”, bèn đẩy sang cho tôi. Vì không ai chịu nhận, tôi đành miễn cưỡng nhận và giao hẹn chỉ làm tạm một vài kỳ để kiếm người thay thế chính thức. Tôi lấy bút hiệu cho mục giải đáp tâm tình này là Diễm Hồng, tên một cô bạn học lớp đệ nhất Chu Văn An ở Hà Nội. Anh

                                          
                                     
                                              Nguyễn Thị Diễm Hồng (1953)
Tử Vi Lang chê cái tên “quá hiền lành”, e không “ăn khứa” nên thêm chữ Kiều  cho có vẻ cải lương. Bút hiệu Kiều Diễm Hồng xuất hiện từ ngày đó. Tôi chỉ giữ mục này có vài kỳ, rồi trả lại cho tòa soạn, vì tôi vừa làm đài phát thanh vừa viết truyện dài hàng ngày và vừa tiếp tục đi học. Tôi không rõ sau tôi là những ai đã từng mang tên Kiều Diễm Hồng, chỉ nhớ rằng tên đó đã được nhà báo Thái Linh dùng rất lâu, rồi mang sang báo Chính Luận sau này.                                        
          Vào cuối năm 1957, tôi có một chuyện buồn nên quyết định bỏ viết văn, viết báo để đi học lại toàn thời gian. Sau đó, tôi sống bằng nghề gõ đầu trẻ, một công chức nhà nước. Đến năm 1967, vào thời kỳ “Kinh tế kiệm ước” của ông tổng trưởng Phạm Kim Ngọc, lương công chức của tôi không đủ sống cho một gia dình năm người. Tôi phải chọn lựa hoặc đi dạy tư hoặc trở lại nghề viết báo. Dạy tư, nếu muốn kiếm đủ tiền để sống, tôi sẽ phải dạy nhiều lóp, mỗi lớp có vào khoảng từ 90 đến 100 học sinh. Cứ hai tuần lại phải chấm bài một lần. Số bài chấm sẽ rất nhiều, e không làm nổi. Trong khi đó, tôi vẫn phải dạy đủ số giờ quy định ở trường công.  Vì thế, tôi quyết định trở lại với báo chí. Vào dịp đó, Anh Đinh Từ Thức (bút hiệu Sức Mấy) phụ trách tòa soạn một tờ nhật báo mới xuất bản. Đó là tờ Saigon Báo mà chủ nhiệm là Anh Roch Cường, một giáo sư dạy Pháp văn nổi tiếng trong giới tư thục. Anh Đinh Từ Thức cần người giúp anh trong việc tòa soạn nên mời Anh Trịnh Viết Thành và tôi cộng tác. Tôi nhận lời ngay. Ngoài việc tòa soạn phụ cho Anh Sức Mấy, tôi còn viết một truyện dài và một phóng sự.
          Một hôm, tôi gâp Anh Trần Phong Giao ở bưu điện Saigon. Anh hỏi tôi :
” Cậu viết lại rồi hả ?” Tôi gật đầu. Anh cười nói :”Đó là cái Nghiệp, làm sao trốn tránh được.” Tôi chợt nghĩ đến hai câu thơ của Nguyễn Du trong Kiều :”Đã mang lấy nghiệp vào thân, Cũng đừng trách lẫn Trời gần Trời xa!              
                                                                                                              TQK
                                                                                                        (9 – 2003)

Thursday, August 4, 2011

      CHO TRỌN CUỘC TÌNH
                                      Tạ Quang Khôi

    S
au nhiều ngày phân vân và tính toán, ông Hưng quyết định bay tới tiểu bang xa miền Ðông Bắc Hoa Kỳ để gặp lại bà Xuyến, người tình cũ, Tuy vậy, lòng ông vẫn còn ấm ức, bất định. lúc thì thương yêu lúc thì giận ghét. Hồi xưa, bà là người tình đầu tiên mà cũng là người phụ bạc, đã làm ông đau khổ suốt một thời gian dài. Hai người yêu nhau tha thiết, quyết định đi đến hôn nhân. Mọi chuyện đã sắp xếp xong xuôi giữa hai gia đình, nhưng gần đến ngày cưới thì bà từ hôn. Tất cả mọi người đều ngạc nhiên, kể cả gia đình bà. Không ai hiểu tại sao bà lại có quyết định bất ngờ ấy. Không những thế, bà còn cương quyết từ chối gặp ông khi ông muốn hỏi lý do từ hôn.
            Nhưng mọi người không phải đợi lâu. Chỉ một tuần sau bà nhận lời cầu hôn của một bác sĩ trẻ mới ra trường. Mọi người mới vỡ lẽ bà đã ham cái bằng bác sĩ mà phụ bạc người vị hôn phu. Gia đình bà đều tỏ vẻ bất mãn và xấu hổ về lý do thay đổi này. Ông Hưng thì đau đớn vì tự ái nhiều hơn thất tình. Ông chỉ là một công chức tầm thường dù có bằng đại học. So với một bác sĩ, ông thua kém rất xa. Nhưng tình yêu không thể căn cứ vào bằng cấp. Rồi theo thời gian, ông cũng khuây khỏa dần. Ông lấy vợ, một cô thư ký làm cùng sở. Gia đình thật ấm cúng, hạnh phúc. Tuy nhiên, thỉnh thoảng nhớ lại mối tình đầu đời, ông vẫn nghe lòng xót xa.
Trong khi đó, cuộc hôn nhân của bà Xuyến với viên bác sĩ trẻ không kéo dài tới một năm. Khi bà có thai được ít lâu, viên bác sĩ yêu một cô y tá xinh đẹp cùng làm trong một y viện, bỏ rơi bà. Rồi sau đó, bà trải qua thêm hai lần sang ngang nữa. Cả hai đều dang dở, người thì chết sớm, ông thì bỏ đi mất tích. Nhưng cả hai đều không có con với bà. Sau khi người chồng thứ ba bỏ đi mất tích, bà không còn tha thiết chuyện chồng con nữa. Bà ở vậy đến già, dốc lòng chăm lo cho đứa con của ông thầy thuốc bạc tình. Ðiều an ủi duy nhất của bà là thàng bé rất thương yêu mẹ nên ngoan ngoãn và chăm chỉ học hành. Rồi nó cũng trở thành bác sĩ như cha nó. .
Từ ngày bà cắt đứt với ông Hưng, hai người không còn liên lạc với nhau nữa, ông chỉ biết tin tức về bà qua mấy người bạn chung. Ðã mấy chục năm qua, nay bỗng bà ngỏ ý muốn gặp ông, làm sao không ngạc nhiên cho được. Ông phân vân nhiều ngày vừa đẻ suy tính vừa để nghe ngóng lòng mình. Ông thầm thú nhận ông chưa quên hẳn bà dù ông còn giận bà rất nhiều. Chính ông cũng không hiểu tại sao lại như vậy. Ông chợt nhớ tới hai câu thơ của Thế Lữ :
                                 Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy,
                                      “Nghìn năm hồ dễ đã ai quên”
Thế là ông quyết định ra đi, nhưng không vội vã. Ông nhờ thằng cháu nội, chuyên viên máy vi tính, kiếm mua vé máy bay trên mạng với giá thật rẻ. Rồi nửa tháng sau ông có mặt ở tiểu bang bà Xuyến cư ngụ. Sau khi nghỉ ngơi nhiều giờ trong khách sạn cho hết mệt, ông mới gọi điện thoại cho bà. Dù đã xa cách trên nửa thế kỷ ông cũng nhận ra tiếng bà ngay. Tim ông bôxng đập nhanh hơn. Làm sao mà không xúc động khi được nghe lại tiếng nói trìu mến, ngọt ngào hồi nào. Bà cũng nhận ra ông ngay nên hỏi :
“Có phải anh Hưng không ?”
Ông từ tốn đáp :
“Dạ, thưa bà, chính tôi.”
“Anh có nhận ra tiếng em không mà sao cứ kêu em bằng bà vậy ?”
Ông giữ im lặng một lát, rồi nói thêm :
“Tôi hiện ở khách sạn Oxford, đường Madison.”
Bà reo lên :
“Ô, thế thì gần nhà em lắm. Anh cho biết số phòng để em bảo cháu đến đón anh ngay…Thằng này là cháu nội của em.”
Khoảng mười lăm phút sau, ông Hưng nghe có tiếng gõ cửa. Một thanh niên trạc tuổi gần ba mươi lễ phép mời ông đi gặp bà Xuyến. Vì đã sửa soạn sẵn sàng, ông đi theo anh ta ngay. Khi hai người đã ngồi trong xe hơi, anh ta tự giới thiệu là cháu nội lớn nhất của bà Xuyến và tên là Phong. Ông Hưng liền hỏi thăm sức khỏe của bà Xuyến. Hơi ngập ngừng một chút, rồi Phong cho biết bà nội của anh chỉ hơi ốm, nhưng vẫn mạnh khỏe. Không những thế, anh còn nghe nói bà sửa sọan đi chơi xa. Ông chưa định hỏi thêm gì, xe đã chạy vào khuôn viên của một biệt thự lớn. Xe vừa ngừng lại trước cửa biệt thự, bà Xuyến liền xuất hiện. Vừa nhìn thấy bà, ông Hưng cũng nghe lòng hơi xúc động. Ðã hơn nửa thế kỷ hai người chưa gặp nhau. Ông cố giữ vẻ mặt bình thản khi bước ra khỏi xe. Bà Xuyến mừng rỡ thốt kêu lớn :
“Anh Hưng !”
Ông chậm rãi bước đến gần bà, lịch sự chào :
“Thưa bà !”
Bà cười tươi, có giọng trách :
“Bà bà, tôi tôi hoài à !”
Ông theo bà vào một phòng khách lớn, trang trí toàn lọai bàn ghế đắt tiền. Ông ngồi vào chiếc ghế dài theo sự chỉ định của bà, giữ im lặng, chờ đợi. Bà ngồi cùng ghế với ông, chỉ cách ông một quãng ngắn. Bà nhìn ông đăm đăm, rồi hỏi :
“Anh có biết em mời anh đến đây có việc gì không ?”
Ông chỉ lắc đầu mà không nói. Bà mỉm cười :
“Anh hay bất cứ ai cũng không thể đóan được đâu. Ngay cả em cũng phải ngạc nhiên, nói chi người khác.”
Ông vẫn giữ im lặng, đăm đăm nhìn bà, chờ đợi. Bà mỉm cười rồi tiếp :
“Em mời anh đi hưởng tuần trăng mật vối em.”
Ông giật mình, ngồi thẳng người lên, thốt kêu :
“Bà nói chuyện gì kỳ vậy ? Ði hưởng tuần trăng mật là đi đâu ?”
Như muốn trêu chọc ông, bà có giọng vui vẽ :
“Anh làm như anh còn ngây thơ lắm. Hưởng tuần trăng mật mà cũng không hiểu. Thôi, để em giải thích cho rõ. Ngày xưa, anh với em định làm đám cưới và chúng mình dự tính sẽ đi Ðà Lạt hưởng tuần trăng mật. Nhưng rồi chuyện không thành… Mình không thực hiện được ý định ấy. Bây giờ…về cuối đời, em muốn mình làm lại…”
Ông có giọng trách :
“Không thành là tự bà…”
Bà ngắt lời ông :
“Thì em đâu có chối là không phải lỗi em. Bây giờ mình già cả rồi, em muốn chuộc cái lỗi đó nên đề nghị anh với em về Ðà Lạt một chuyến.”
“Bà có điên không mà có ý nghĩ ngông cuồng ấy ? Tôi chẳng muốn đi đâu hết. Cũng chẳng ham trăng với mật. Tôi với bà đã hết tình hết nghĩa từ hơn nửa thế kỷ nay rồi. Bà nên rủ người khác đi cùng cho vui.”
Lời từ chối tàn nhẫn của ông khiến bà xịu mặt buồn. Thấy bà buồn, ông cũng thoáng nghe lòng bất nhẫn. Bà rụt rè hỏi nhỏ :
“Như vậy là anh thực sự hết yêu em rồi sao ?”
Ông không thể trả lời dứt khoát câu hỏi của bà. Giận thì có giận, nhưng hết yêu thì chưa chắc. Thấy ông im lặng, bà năn nỉ :
“Nếu còn yêu em, xin anh chiều em lần chót.”
“Tôi già rồi, chẳng muốn đi đâu hết, nhất là về Việt Nam. Chuyến đi dài cả mấy chục tiếng, làm sao tôi chịu nổi. Tôi cũng đã có nhiều thứ bệnh của người già, đâu còn khỏe như ngày xưa.”
Ngẫm nghĩ giây lát, bà ngập ngừng :
”Hay…hay…mình đi một nơi trong nước Mỹ…chẳng hạn Las Vegas…Anh nghĩ
sao ? Hoặc tùy anh, muốn đi đâu, cứ cho em biết, em sẽ đi theo anh.”
            Ông đáp ngay, không một giây lưỡng lự :
            “Tôi chả thích đi đâu hết. Tại sao bà cứ bày vẽ chuyện trăng mật, đi đây, đi đó ?”             Bà khẽ thở dài :
            “Em…em muốn chuộc cái lỗi ngày xưa…em đã làm anh buồn, khổ…”
            Ông nhún vai :
            “Ðó là chuyện ngày xưa, bây giờ thì khác rồi.  Nói cho ngay, hồi đó, tôi cũng buồn, cũng khổ đau một thời gian. Nhưng rồi tôi hiểu ra rằng vợ chồng phải có duyên hay nợ. Tôi với bà không duyên không nợ thì chỉ vui với nhau một thời gian ngắn, ri phải chia tay.”
            Bà nhìn ông bằng đôi mắt trìu mến :
            “Anh là người rộng lượng nên dễ tha thứ.”
            “Chẳng tha thứ thì cũng chẳng làm gì được bà.          
            “Bây giờ anh đã hết giận, hết ghét em rồi thì nên đi chơi với em một chuyến…Bỏ chuyện tuần trăng mật đi, vì không còn hợp thời nữa…Ði một chuyến để dối già vậy.”
            Ông phì cười :
            “Hết trăng mật đến dối già. Sao bà có nhiều sáng kiến vậy ?”
            Bà cười theo :
            “Anh chịu rồi, phải không ?”
            Ông tỏ vẻ ngạc nhiên :
            “Tôi chịu bao giờ ?”
            “Em tưởng anh khen em có nhiều sáng kiến là anh chịu đi chơi với em.?”
            Ngẫm nghĩ giây lát, ông gật đầu :
            “Ừ, thì tôi chịu đấy. Nào bà muốn đi đâu ? Chỉ trong nước Mỹ thôi đó.”
            Bà liền nở nụ cười đắc thắng :
            “Em biết mà, rồi thế nào anh cũng chiều em. Như em đã đề nghị, mình đi Las Vegas đánh bạc nhé.”
            “Cũng được. Ðể tôi đi hỏi vé máy bay ngay.”
            “Ðiều đó anh khỏi lo. Em xin bao hết. Em sẽ bảo thằng cháu nội của em làm tất cả mọi việc cần thiết, từ mua vé máy bay đến giữ phòng khách sạn. Thằng này thương em nhất trong các cháu của em.”
            Ông mỉm cười :
            “Vậy cũng được. Ðã đồng ý với bà thì bà muốn gì cũng xin chiêu hết.”
            Bà rụt rè hỏi :
            “”Anh muốn ở…cùng phòng vói em…hay riêng phòng ?”
            Ông liền dẫy nẩy :
            “Già rồi mà còn bày đặt ngủ chung phòng. Người ta cười cho chết”
            “Mình chung phòng chớ đâu có…chung giường mà sợ người ta cười.”
            “Hừ, ai biết là mình không chung giường, chỉ thấy mình vô chung phòng là người ta đã nghi ngay. Thôi, bà đừng có bày đặt lôi thôi nữa. Tôi đi với bà cũng đã là một chuyện kỳ cục rồi. Ðáng lẽ tôi không nên gặp bà mới phải.”
            Thấy bà không nói gì nữa, ông từ biệt để về khách sạn sửa soạn. Ông tính thầm nếu có nhanh cũng phải một tuần nữa mới lên đường đi Las Vegas. Trong một tuần đó ông sẽ làm gì ? Bay về nhà ở một tiểu bang khác xa xôi hay cứ chờ đợi ở đây cho tốn tiền khách sạn ? Nhưng mối lo của ông không kéo dài vì chỉ hơn một tiếng đòng hồ sau, người cháu nội của bà Xuyến đã gọi dây nói báo tin sáng mai sẽ lên đường. Ông ngạc nhiên hỏi :
            “Sáng mai ? Sao lẹ quá vậy ?”
            Người cháu ôn tồn giải thích :
            “Thưa ông, nếu mình chịu tốn tiền mua vé hạng business thì lúc nào cũng có ngay, không phải chờ đợi.”
            Thế là trưa hôm sau ông Hưng và bà Xuyến đã có mặt ở Las Vegas để…hưởng tuần trăng mật cuối đời. Phong cũng đi theo để săn sóc bà nội. Ông Hưng không có máu mê cờ bạc mà cũng không biết gì nhiều vê các cách đánh bạc, trừ môn kéo máy, nên chỉ đi xem cho biết. Trong khi đó, bà Xuyến tỏ ra rất thành thạo. Bà thích nhất môn đánh bài. Ông Hưng biết là bài Black Jack do Phong giải thích. Ngòai những lúc chơi bài, bà cũng cùng ông đi xem các màn trình diễn âm nhạc, ảo thuật hoặc đi ăn ở những tiệm đặc biệt. Thế rồi một tuần cũng qua đi. Ông thở phào khi được bay về nhà mình. Nhưng ông chưa kịp nghỉ ngơi thì Phong đã gọi điẹn thoại báo tin bà sắp chết. Ông giật mình, tưởng nghe lầm, vội hỏi lại :
            “Cháu nói sao ? Bà cháu còn mạnh khỏe, mới đi chơi Las Vegas mà ?”
            “Dạ, thưa ông, bà cháu bị ung thư, đã tới giai đoạn cuối cùng. Bỗng bà khỏe lại một thời gian ngắn, như ngọn đèn sắp tắt chợt lóe lên. Mà cũng nhờ thuốc bồi dưỡng tạm thời của ba cháu nên chịu đựng được một thời gian ngắn. Bây giờ thì chỉ…có thể tính từng ngày…Bà cháu muốn được gặp ông trong những giây phút cuối cùng.”
            Tất nhiên ông Hưng không thể từ chối. Ông lại hấp tấp ra đi một lần nữa.
            Bà Xuyến thoi thóp nằm trên giường, thấy ông Hưng đi vào thì đôi mắt sáng hẳn lên và có tia vui mừng. Dù cuộc đời bà nhiều biến đổi theo cám dỗ của lợi danh, mối tình bà dành cho ông Hưng vẫn là mối tình bất diệt. Hình bóng của người tình đầu đời không bao giờ phai nhòa trong trái tim bà. Trong khi đó, ông Hưng, dù không phải là kẻ bạc tình, đã quên bà ngay khi ông lập gia đình với một người đàn bà khác. Ông quan niệm rằng khi đã có gia đình, phải hết lòng lo cho gia đình. Vì thế, hình bóng người tình bội bạc biến đi nhanh chóng trong tâm tưởng của ông. Thỉnh thoảng chợt nhớ tới bà Xuyến, ông coi bà chỉ là một hình bóng của dĩ vãng, không đáng quan tâm nhiều. Mãi cho đến khi Phong bỗng liên lạc với ông, ông mới biết bà còn sống và cũng ở Mỹ. Lòng ông đã hoàn toàn nguội lạnh nên hững hờ với lời đề nghị của anh ta. Rồi ông suy tính mãi mới quyết định đi thăm bà.
            Bây giờ thấy bà nằm thoi thóp trên giường trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời, ông cũng nghe nhói trong tim. Bà run rẩy đưa bàn tay gầy guộc về phía ông như muốn bắt tay, ông vội vã nắm lấy bàn tay ấy. Một luồng giá lạnh làm tê buốt tay ông. Hình bóng tử thần thấp thoáng đâu đây làm ông khẽ rùng mình, đồng thời ông cũng nghe nhói trong tim. Hồi bà Hưng qua đời, cách đây mấy năm, ông cũng có cảm giác này, cảm giác của cuộc tử biệt. Ông quỳ xuống cạnh giường bà Xuyến, úp mặt vào bàn tay lạnh giá ấy. Bà thều thào nói :
            “Cảm ơn anh…đã đến…với em vào...giờ phút…cuối cùng này…”
            Tiếng bà nhỏ như một hơi thở nghẹn ngào, nhưng mặt bà tươi vui với vẻ mãn nguyện. Ông chưa kịp nói gì, bà đã rút tay về, rồi cả chân lẫn tay bà co giật mấy cái. Khi bà nằm im thì mấy giọt nước mắt già nua của ông bỗng trào ra…
                                                                                                   TQK
                                                                                             28/12/2010
             MỐI TÌNH CHUNG THỦY
                                               Tạ Quang Khôi

D
uyệt tình cờ gặp lại Hoa trong một trung tâm thương mại Việt Nam. Chàng nhận ra nàng ngay dù nàng đổi khác rất nhiều. Ngót hai chục năm xa cách, kể từ ngày hai người chia tay, nên sự thay đổi cũng là chuyện thường. Chỉ có điều không thường laf nầng gầy yếu quá. Nàng đi với một người đàn ông và hai đứa nhỏ mà chàng đoán là chồng con, nên không dám làm quen. Người đàn ông hơi già, tóc đã hoa râm, có lẽ hơn Hoa nhiều tuổi. Thấy người yêu đã có chồng, chàng cũng nghe lòng tê tái, buồn rầu, nhưng không giận hờn vì dù sao hai người cũng mất liên lạc với nhau quá lâu.
Duyệt và Hoa gặp nhau trong một dịp cùng đi thủy lợi ở miền Ðồng Tháp. Cả hai đều là dân Saigon. Khi cộng sản chiếm miền Nam, Duyệt đang học năm cuối cùng ở đại học Văn khoa. Chàng là người ham hoạt động, lại có khuynh hướng thiên tả nên đã hăng hái gia nhập đòan thanh niên xung phong đẻ có dịp “giúp đời và giúp nước”. Trong khi đó Hoa là con gái một gia đình bị quy vào thành phần “tư sản bóc lột”. Ðáng lẽ gia đình nàng đã bị đuổi đi vùng kinh tế mới, nhưng cha mẹ nàng đã khéo léo dùng tiền để mua chuộc các cán bộ ở quận, phừong và khóm. Gia đình nàng đã phải dâng hiến cho nhà nước tòa biệt thự lớn đang ở, dọn về một căn nhà nhỏ chật chội trong một hẻm xa trung tâm thành phố. Ðó cũng là một cách ngụy trang để che mắt thế gian. Muốn tỏ ra mình đã thực sự “giác ngộ cách mạng”, anh chị em Hoa tích cực tham gia các hoạt động của phường, khóm.
Hoa xinh đẹp, duyên dáng, ăn nói nhỏ nhẹ nên ngay khi mới gặp Duyệt đã có cảm tình. Nhưng Hoa tỏ ra dè dặt khi tiếp xúc với chàng. Nàng đã nghe một vài người trong đoàn cho biết chàng là “ba mươi tháng tư”. Rồi khi công tác đã hoàn tất, trở về Saigon, chàng vẫn đến thăm nàng hàng ngày, khiến nàng rất khó chịu mà không dám phản đối. Một hôm nàng đánh liều hỏi :
“Có phải anh được lệnh đến dò xét nhà Hoa không ?”
Mới đầu Duyệt có vẻ ngạc nhiên  nhưng rồi chàng cười phá lên, hỏi :
“Thì ra Hoa vẫn tưởng tôi là ba mươi tháng tư thiệt sao ?”
Nàng không đáp, chỉ đăm đăm nhìn chàng.
“Vậy thì, đây là dịp tôi cho Hoa biết sự thiệt. Hồi mới đầu tôi cũng có thích cách
mạng vì chánh quyền cũ thối nát, tham nhũng quá, từ thằng trên cùng xuống tới thằng tép riu. Nhưng thích không có nghĩa là theo đuôi một cách mù quáng. Chỉ trong một thời gian ngắn, tôi nhận ra rằng chúng nó cũng chẳng hay ho gì, nếu không muốn nói là còn tệ hơn chế độ trước. Cái tệ nhứt của chúng là sự tàn bạo và giả dối, cái gì cũng nói láo hết. Nhưng đã đâm lao, phải theo lao, từ từ rút lui để chúng khỏi nghi ngờ. Ðối với bọn này, không thể thành thật được. Rất nguy hiểm.”
            Hoa liền hỏi lại :
            “Sao anh dám nói thiêjt với Hoa như vậy ? Không sợ Hoa đi báo cáo sao ?”
            Duyệt cười :
            “Hoa định báo cáo với ai ? Giới thiệu tôi làm việc với người đó cho vui.”
            Thấy chàng có vẻ thành thật, nàng bắt đầu nói đùa :
            “Ðể Hoa nghĩ coi nhé. Cả phường lẫn khóm Hoa chẳng quen ai. Còn cái anh công an khu vực thì Hoa lại rất ghét. Mỗi lần gạp Hoa ở bất cứ đâu, anh ta cũng nham nhở tán tỉnh. Hoa chả dám phản đối, chỉ im lặng mà bỏ đi chỗ khác.”
“Cũng như hồi Hoa mới gặp tôi ở vùng Ðồng Tháp, phải không ?”
Nàng gật đầu, cười :
“Ðúng vậy, sợ chết khiếp đi.”
“Bây giờ còn sợ không ?”
Nàng dí dỏm :
“Cách đây nửa giờ còn sợ chết khiếp, bây giờ chỉ…ngài ngại thôi.”
“Nghĩa là Hoa vẫn chưa tin tôi hẳn ?”
Nàng rụt rè :
“Tin chớ…Nhưng từ đang sợ…chết khiếp đến thật sự tin cũng phải từ từ, phải có thời gian…”
Duyệt công nhận lời nàng có lý. Tâm trạng con người không thể thay đổi một cách nhanh chóng được. Như vậy là nàng rất thành thật. Và chàng cũng thầm hiểu rằng muốn được nàng yêu lạ, chàng phải kiên nhẫn.
Từ buổi ấy, Hoa đã có vẻ cởi mở hơn với Duyệt, rồi hai người trở thành đôi bạn rất thân. Nhưng chỉ đến khi Duyệt cho Hoa biết ý định vượt biên của chàng thì chàng mới biết nàng cũng đã yêu. Nàng giữ im lặng một lúc lâu, rồi nghẹn ngào nói :
“Như vậy là anh muốn bỏ em lại một mình, phải không ?”
Lần đầu tiên nàng xưng em nên Duyệt nghe sao ngọt ngào, khiến chàng ngất ngây. Chàng ấp úng mãi mới đáp được :
“Ðâu có…đâu có…nhưng…nhưng tôi có biết ý Hoa thế nào đâu…”
Nàng nhìn chàng đăm đăm, rồi hỏi :
“Vậy bây giờ anh biết ý em rồi thì anh tính sao ?”
Chàng càng lúng túng hơn vì chưa bao giờ chàng dám nghĩ tới chuyện được cùng nàng dong chơi trong thành phố, chứ đừng nói tới chuyện cùng vượt biên. Cuối cùng chàng nói :
“Vượt biên là một chuyện vạn bất đắc dĩ vì chín phần chết, chỉ có một phần sống thôi. Cái phần sống đó hoàn toàn trông vô may rủi. Rất nguy hiểm. Chỉ những người đã tuyệt vọng mới dám liều mạng lao đầu ra biển…”
Chàng chưa nói hết, nàng đã ngắt lời hỏi :
“Ai làm anh tuyệt vọng ? Chắc chắn không phải là em.”
Chàng khẽ thở dài :
“Tôi đã chán cuộc sống vất vưởng ở đây, tương lai mù mịt, vì vậy, đành liều.”
“Anh đi rồi, anh có biết tương lai em cũng mù mịt không ?”
Câu hỏi thật bất ngờ làm Duyệt lặng hẳn người, không biết trả lời sao. Một lúc khá lâu, trước vẻ chờ đợi nôn nóng của Hoa, chàng ngập ngừng hỏi :
“Hoa…Hoa yêu tôi ?”
Nàng hơi giận :
“Ô hay, sao anh lại có thể hỏi một câu ngớ ngẩn như vậy được nhỉ…Anh có biết từ lâu em chờ đợi anh tỏ tình với em, nhưng chả bao giờ anh thèm nói một lời. Bây giờ anh sắp bỏ em để đi xa, em mới phải liều cho anh biết em yêu anh. Như vậy là trái với lẽ thường.”
Nói xong, đôi mắt nàng rươm rướm ướt khiến Duyệt rất cảm động. Chàng rụt rè nắm lấy tay nàng muốn nói một lời xin lỗi mà nghẹn ngào. Hai người giữ im lặng khá lâu, cuối cùng chàng lên tiếng :
“Hay tôi hủy bỏ chuyến đi…”
Chàng chưa dứt lời, nàng đã vội gạt đi :
“Không, anh cứ đi đi, vì tương lai của anh, rồi kiếm cách liên lạc với em…Ðừng quên em là được rồi.”
Chàng quả quyết :
“Chẳng bao giờ tôi có thể quên Hoa được.”
Thầm trong bụng, chàng hơi ngạc nhiên về thái độ tự mâu thuẫn của Hoa. Nàng vừa trách chàng bỏ nàng lại một mình, bấy giờ lại khuyên chàng nên ra đi. Thật khó hiểu vì chuyến đi này của chàng ngoài vấn đề nguy hiểm còn sự xa cách nữa. Nếu đi thoát, đến được bến bờ tự do, biết bao giờ sẽ gặp lại nhau ? Cuộc đời nhiều bất trắc, làm sao có thể biết trước được. Hay nàng không thật sự yêu chàng ?
Hai người chỉ gặp nhau thêm một lần nữa rồi Duyệt ra khơi  Chuyến đi không êm ả như mọi người mong muốn. Thuyền đi được hai ngày thì gặp bão, không bị chìm giữa biển nhưng dạt vào một hòn đảo hoang, không người ở. Máy thuyền bị hư nên không thể tiếp tục cuộc hành trình. Các thuyền nhân sống trên hoang đảo năm ngày, nhờ gạo trên thuyền còn đủ ăn cầm hơi, rồi được một tầu đánh cá Nhật cứu, đưa về Nhật. Nhưng tại đây, họ bị cô lập trong một trại lính cũ ở bãi biển, xa khu dân cư. Họ phải bầu một ban đại diện để tiếp xúc với chánh quyền địa phương. Ðiều khó khăn duy nhất là không ai biết tiếng Nhật, vì thế cuộc thảo luận không tiến hành được. Tuy nhiên, họ vẫn được tiếp tế lương thực và một số tiện nghi tối thiểu. Cuối cùng, chánh quyền địaa phương kiếm được một người biết tiếng Anh. Ðó là một sinh viên đang học ở Ðông Kinh về thăm gia đình. Một nhân viên sở Mỹ cũ và Duyệt được cử ra nói chuyện với anh sinh viên Nhật. Lúc đó mọi người mới biết chánh quyền địa phương đã thông báo với trung ương, nhưng chưa thấy trung ương trả lời. Các thuyền nhân yêu cầu được găp các phái đòan của các nước tự do đê xin đi định cư. Chánh quyền địa phương hứa sẽ hối thúc trung ương. Như vậy là có tiến triển tốt đẹp, nhưng mọi việc không hiểu sao quá chậm chạp. Mãi ba năm sau, Duyệt và một số người mới được đi Mỹ. Số còn lại, kẻ xin đi Pháp, người xin đi Úc hoặc Canada.
Vừa đặt chân lên nước Mỹ, Duyệt gửi thư về Việt Nam cho Hoa ngay. Nhưng rồi chàng chờ hoài không thấy hồi âm. Chàng gửi thêm hai thư nữa mà cũng biệt vô âm tín. Chàng không ngạc nhiên mà cũng không giận nàng vì chính chàng đã biệt tích quá lâu. Chàng chỉ thắc mắc về an ninh của nàng và gia đình nàng mà thôi. Chàng viết thư nhờ một người bạn ở Saigon đến nhà nàng xem tình hình ra sao. Mấy tháng sau, người bạn cho biết nhà đã đổi chủ. Từ đó chàng không còn tìm cách liên lạc với nàng nữa. Cuộc sống mới ở Mỹ có nhiều vấn đề cần giải quyết và đối phó nên chàng cũng tạm quên nàng.
Mười tám năm trôi qua, Duyệt tương đối thành công trên quê hương mới. Chàng đã học xong đại học và có một việc làm chắc chắn. Nhưng về phương diện tình cảm chàng không gặp được ai vừa ý khả dĩ có thể thay thế được Hoa. Chính chàng cũng không hiểu tại sao chàng lại khó khăn như vậy vì chàng và Hoa mới chỉ chớm yêu nhau đã phải xa cách, chưa có nhiều kỷ niệm chung. Hoa cũng không phải là người con gái toàn vẹn cả về sắc lẫn nết. Vậy mà chàng cứ lấy nàng làm tiêu chuẩn để chọn lựa. Chàng cho đó là vô lý. Khi đã có cuộc sống ổn định, chàng về Việt Nam để kiếm nàng, cũng không gạp, đúng như lời ngưòi bạn nói năm xưa. Trở về Mỹ, chàng lại kéo dài cuộc sống độc thân. Rồi thời gian lần lữa qua, chàng quen với nếp sống cô đơn, không nghĩ tới chuyện vợ con nữa mà cũng không mơ tưởng đến Hoa.
Bỗng hôm nay gặp lại Hoa, chàng rất mừng nhưng lại buồn ngay vì nàng đã có chồng con. Thấy nàng gầy yếu, xanh xao chàng cũng nghe xót xa trong lòng và thắc mắc có phải nàng đang có bịnh không ? Bịnh gì ? Nan y hay không đáng ngại ? Nhưng chàng lại thầm tự nhủ :” Ô hay, người ta đã có chồng mình còn quan tâm làm gì nữa ?” Nhìn nàng bước vào một tiệm ăn với chồng con, chàng lặng lẽ bỏ đi. Chàng định ra bãi đậu xe để về nhà, nhưng chợt nhớ cần mua một vài thứ trong chợ Việt Nam. Chàng vừa vào chợ thì nghe có tiếng gọi tên mình nho nhỏ ở ngay sau lưng. Chàng vội quay lại và vô cùng ngạc nhiên thấy người gọi chính là Hoa. Nàng nói nhanh và nhỏ :
“Em nhận ra anh ngay, nhưng không dám chào hỏi vì chồng em ghen lắm.”
Duyệt chưa kịp hỏi gì, nàng đã nói tiếp :
“Em muốn gặp anh lúc mười một giờ trưa mai ở đây. Có nhiều chuyện nói lắm. Nhớ mưòi một giờ mai, anh nhé.”
Nói xong, nàng vội vã ra khỏi chợ như chạy trốn. Chàng nhìn theo mà lòng bâng khuâng. Thật là một bất ngờ ! Chàng mua vội mấy món đồ cần thiết rồi ra về ngay.
Ðêm hôm đó chàng trằn trọc không ngủ được, chỉ thỉnh thoảng chợp mắt rồi choàng tỉnh dậy nhớ đến khuôn mặt xanh xao, tiều tụy của Hoa mà lòng đầy thương xót. Chàng mong cho chóng đến giờ hẹn với nàng để biết rõ về cuộc đời nàng sau khi hai người chia tay.
Hôm sau, Duyệt tới khu Việt Nam cả tiếng đồng hồ trước giờ hẹn. Nhưng Hoa chỉ có mặt đúng mười một giờ. Vừa gặp chàng, nàng đã đề nghị đi khỏi khu Việt Nam ngay, tốt nhất là về nhà chàng để nói chuyện cho tự do, nếu vợ chàng không có nhà. Chàng nói ngay :
“Tôi không có vợ, về nhà tôi là tiện nhất.”
Nàng nhìn chàng đăm đăm, rồi hỏi :
“Anh nói thiệt hay nói giỡn ?”
“Chưa bao giờ tôi nói giỡn với Hoa.”
Khi hai người đã ngồi trong xe hơi của Duyệt, Hoa hỏi :
“Tại sao anh không chịu lấy vợ ?”
Ngập ngừng một lát, chàng đáp :
“Tại tôi hay so sánh…”
Câu nói lửng lơ của chàng khiến nàng thêm thắc mắc :
“Vậy là làm sao ? Anh so sánh ai với ai ?”
Chàng gạt đi :
“Thôi, để về nhà mình nói chuyện rõ hơn…Nhà tôi cũng gần đây thôi.”
Nửa giờ sau, Duyệt đã biết rõ cuộc đời Hoa sau khi chàng đi tìm tự do. Em trai lớn nhất của Hoa bị phường, khóm ép phải đi nghĩa vụ quân sự, chết mất xác bên Cao Miên. Mẹ nàng buồn sinh bệnh rồi qua đời. Mất liền hai người thân nhất đời trong co một thời gian ngắn, cha nàng bị bệnh thần kinh, rồi một đêm ông uống thuốc độc tự tử. Nàng đau khổ quá nên chán đời, có ý định đi tu, nhưng có hai việc giữ nàng lại với đời : hai em nhỏ không người săn sóc và mối hy vọng gặp lại Duyệt, Trong khi ngược xuôi ngoài chợ trời, nàng gặp Mạnh, một sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, mới đi tù cải tạo về. Trong khi Mạnh còn ở tù, vợ Mạnh bỏ con cho mẹ chồng nuôi để lấy một cán bộ cộng sản. Mạnh tỏ tình với nàng, mới đầu nàng không chịu, nhưng khi biết Mạnh có thể được đi Mỹ, nàng mới bằng lòng dù tuổi tác chênh lệch quá nhiều. Khi được đi Mỹ, nàng phải gửi hai em cho một bà dì ruột. Sau này khi đã có thẻ xanh, nàng mới bảo lãnh hai em sang đoàn tụ. Bây giờ chúng nó cũng đã học xong đại học va ở riêng vì đều đã có gia đình. Về phần nàng, bây giờ nàng đang bị ung thư bao tử, đã phải cắt đi một phần lớn, nhưng mới bị tái phát. Nàng có thể chết trong một tương lai gần.
Nghe chuyện của Hoa xong, Duyệt thấy tê tái trong lòng. Chàng không ngờ đời nàng lại nhiều gian truân như vậy. Nàng không phải là người đẹp đến độ Tạo hóa phải ghen ghét, nàng chỉ xinh tươi, co duyên và hiền lành.
Duyệt vắn tắt kể lại chuyện vượt biên cho Hoa nghe, rồi kết luận vì duyên số hai người phải xa nhau ở kiếp này, đành xin hẹn kiếp sau. Thấy đã quá mười hai giờ trưa, chàng mời nàng đi ăn. Nhưng nàng từ chối :
“Anh Mạnh ghen lắm, em không dám đi ăn tiệm với anh đâu. Anh ấy ghen cũng là chuyện thường tình, vì đã một lần bị vợ bỏ, mà em bây giờ thì còn trẻ. Tốt nhứt là nhà có gì cho em ăn cũng được.”
Trước khi chia tay, Hoa lấy từ trong túi xách ra một gói nhỏ trao cho Duyệt :
“Ðây là chiếc áo gấm em may sau khi anh đi vượt biên. Lúc đó, em nghĩ rằng anh sẽ trở về với em, mình sẽ làm đám cưới, áo này sẽ là áo cô dâu. Em sống chẳng còn bao lâu nữa, anh giữ nó để làm kỷ niệm, thấy nó là thấy em.”
“Hồi làm đám cưới với Mạnh, Hoa không mặc áo này ?”
Nàng bỗng có giọng hờn trách :
“Bộ em không xứng đáng là người yêu của anh sao mà anh không thèm kêu em bằng em và xưng anh ? Cứ Hoa với tôi hoài làm em tủi quá.”
Duyệt vội nắm láy tay nàng, tha thiết nói :
“Em không thấy anh yêu em đến độ không thể lấy ai khác được sao ? Anh chỉ yêu có em thôi. Mỗi lần gặp người con gái nào, anh cũng so sánh với em và thấy người ta thua em xa.”
Hoa tỏ vẻ băng lòng, nhoẻn miệng cười :
“Ở cõi đời này thiếu gì người vừa đẹp vừa ngoan gấp ngàn lần em. Anh khó tánh quá đấy…Hồi em lấy anh Mạnh, em may áo khác. Áo này chỉ dành cho anh thôi.”
Duyệt mở gói ra xem ngay. Ðó là một áo dài bằng gấm màu hồng điểm nhiều hoa mai vàng. Nhưng áo hơi rộng so với Hoa bây giờ. Chàng cất ngay vào ngăn để quần áo trong phòng ngủ, rồi sửa soạn đưa người yêu trở lại trung tâm Việt Nam như nàng yêu cầu. Trước khi mở cửa, chàng bỗng ôm lấy nàng, hôn lên môi. Nàng không phản đối nhưng cũng không đáp ứng. Rồi sau đó, nàng buồn buồn nói :
“Em bây giờ có đáng gì nữa đâu. Trước khi anh đi vượt biên, em sẵn sàng đẻ anh hôn mà anh chẳng nói gì.”
Sau hôm đó, hai người không gặp nhau lần nào nữa dù Duyệt hàng ngày vẫn ghé trung tâm Việt Nam với hy vọng được thấy nàng, dù nàng đi bên người chồng gia nua hay ghen, dù không được nói chuyện với nàng.
Khỏang ba tháng sau, vào một đêm chàng bỗng thức giấc và có linh cảm như có người đang ở trong phòng ngủ với mình.  Chàng ngồi nhỏm dậy, mở đèn sáng nhìn quanh, nhưng không thấy ai. Chàng yên tâm nằm xuống, tắt đèn. Chàng giật mình, thấy trong tối một cái bóng ở cạnh tủ áo. Chàng hơi sợ, nhưng cố lấy can đảm nhìn kỹ thì nhận ra chiếc áo gấm hồng của Hoa. Nó lơ lửng, cách mặt đất khoảng một gang tay, như có người mặc, nhưng không thấy mặt và chân tay. Chàng không hiểu tại sao áo treo bên trong tủ mà bây giờ lại ở bên ngoài. Chàng lại bật đèn sáng, không thấy áo nữa. Suy nghĩ một lúc, chàng đóan rằng có thể Hoa đã chết nên về báo cho chàng biết. Chàng lẩm bẩm khấn :”Hoa ơi, chúc em sớm được siêu thoát.”. Khấn xong, chàng tắt đèn để ngủ tiếp. nhưng bóng chiếc áo gấm vẫn lơ lửng bên cửa tủ áo. Chàng không biết phải đối phó thế nào. Chàng rất thương Hoa, nhưng không thích cái áo gấm cứ lơ lửng như vậy mãi. Chàng đành bật đèn sáng để xua đuổi chiếc áo, rồi ra phòng khách ngủ trên ghế dài.
Hôm sau, khi trời đã sáng rõ, Duyệt vào phòng ngủ gói chiếc áo gấm lại rồi mang ra xe hơi. Chàng quyết định đốt nó như người ta “hỏa táng” rồi rải tro xuống một dòng sông. Chàng tiếc và buồn lắm, nhưng không có cách nào khác để được sống yên ổn.
Sau hai giờ lái xe, Duyệt ngừng lại bên một bờ sông lớn. Ðến một chổ thật vắng, chàng để bọc áo lên một bờ cỏ, rồi đổ xăng ướt đẫm. Khi lửa cháy ngùn ngụt, một đám khói đen bốc lên cao. Trong đám khói, chàng chợt thấy một bóng người hiện ra. Vì trời sáng, chàng thấy rõ vẻ mặt buồn thảm của Hoa. Chiếc áo gấm màu hồng chập chờn trong ầnh lửa khói. Nhưng chỉ thoáng trong mấy giây, bóng nàng tan biến ngay. Nước mắt chàng bỗng trào ra, làm nhòa cảnh vật chung quanh…

                                                                         Tạ Quang Khôi
                                                                                  21/9/09
     

        GIÂY PHÚT CUỐI
                                      Truyện ngắn   Tạ Quang Khôi

B
à Duyên đang thiêm thiếp trong cơn mê chợt nghe có tiếng gọi “Má” thì choàng tỉnh ngay, ngơ ngác nhìn quanh bằng đôi mắt yếu ớt, lờ đờ. Nhưng bà không thấy ai ngoài viên bác sĩ đứng cạnh giường. Bà nghĩ mình nghe lầm. Nhưng bà vừa nhắm mắt, lại có tiếng gọi “Má”. Lần này bà nhìn viên bác sĩ, lắp bắp muốn hỏi nhưng không ra hơi. Bà biết bà đã kiệt sức, không còn sống bao lâu nữa. Bà vẫn bình tĩnh đợi chờ giây phút cuối cùng. Viên bác sĩ cúi xuống, ghé sát tai bà, khẽ gọi :
            “Má !”
Bà cố mở to mắt nhìn ông ta với một vẻ rất ngạc nhiên. Ông hỏi :
            “Má không nhận ra con sao ?”
            Bà càng ngạc nhiên hơn vì với đôi mắt yếu ớt, lờ đờ của một người đang trong cơn bịnh thập tử nhất sinh, gương mặt ông không có nét quen thuộc nhưng cũng không hoàn toàn xa lạ. Thật khó hiểu ! Ông nói thêm :
            “Má cứ nghỉ ngơi cho tỉnh táo, rồi sẽ nhớ ra con…”
            Bà muốn biết ngay ông là ai, nhưng không đủ sức nói ra lời yêu cầu. Bà biết bà yếu lắm rồi vì sức sống trong bà đã kiệt. Bà sẵn sàng ra đi mà không luyến tiếc cuộc đới. Bây giờ bỗng dưng có người nhận bà là mẹ khiến bà náo nức trong lòng. Thế nào bà cũng phải biết rõ mối liên hệ này rồi mới yên tâm nhắm mắt. Không biết có phải sự náo nức đã khiến bà thấy tỉnh táo hơn không ? Bà cố mở lớn hai mắt để nhìn viên bác sĩ tìm một dấu vết quen thuộc. Vẫn nửa như lạ nửa như quen,
            Trước khi rời khỏi giường bệnh nhân, bác sĩ cẩn thận kiểm soát lại các dây trợ sinh. Bà Duyên vẫn đăm đăm nhìn ông, chờ đợi.
            Sau khi viên bác sĩ ra khỏi phòng, bà chợt tự hỏi :”Hay là…?” Trong cơn nửa mê nửa tỉnh, trí nhớ của bà bồng bềnh như một dòng sông trôi ngược về dĩ vãng…Bà bỗng thấy mình ở tuổi 18, hơn nửa thế kỷ trước…
            Năm ấy…
            Duyên vừa mười tám, xinh đẹp, duyên dáng, đang học lớp đệ Nhị một trường nữ trung học ở Saigon. Người yêu của nàng là một sinh viên luật. Huy không những đẹp trai, học giỏi mà còn hiền lành nữa. Chàng chỉ có một cái xấu, nếu người ta coi đó là xấu, nhà nghèo. Mẹ Huy góa sớm, ở vậy, cố gắng lo cho anh em Huy ăn học nên người. Huy còn người anh và hai em gái. Anh Huy phải bỏ học sớm để lăn vào đời giúp mẹ, nuôi em. Nhưng không được bao lâu anh phải nhập ngũ. Vào dịp đó Huy mới đậu tú tài toàn phần, vừa tiếp tục học vừa đi làm để giúp đỡ gia đình.
            Duyên tình cờ gạp Huy tại nhà một người bạn cùng lớp. Hôm đó Huy tới thăm anh của cô bạn. Không biết tình cờ hay có sự dàn xếp, Huy và Duyên gặp nhau nhiều lần nữa ở nhà người bạn ấy, rồi quen nhau, thân nhau, cuối cùng yêu nhau. Tình yêu mỗi ngày một khăng khít, mặn nồng, rồi hai người thề thốt quyết sống bên nhau trọn đời. Các cuộc hẹn hò mỗi lúc một nhiều hơn, kín đáo hơn và…ly kỳ hơn
            Rồi một hôm, Duyên bỗng có triệu chứng khác lạ trong người. Nàng hoảng hốt báo tin cho Huy rõ. Chàng bình tĩnh cho biết sẽ làm đám cưới với nàng ngay. Chàng không hứa xuông để trấn an người yêu mà ngay cuối tuần đưa mẹ tới gặp cha mẹ Duyên để xin cưới nàng. Cha mẹ Duyên bị bất ngờ nên tỏ vẻ rất ngạc nhiên. Hai gia đình chưa hề quen biết mà ông bà cũng chưa rõ Huy là ai, hạng người nào. Ông bà xin hẹn sẽ trả lời sau vì muốn hỏi ý kiến Duyên. Ngay sau khi khách về, ông bà gọi Duyên ra hỏi. Nàng cho biết nàng yêu Huy và sẵn sàng làm vợ chàng. Nàng cũng kể rõ tình cảnh gia đình Huy. Khi biết Huy là một sinh viên đại học, mẹ nàng bằng lòng gả nàng cho chàng ngay. Bà cho rằng chàng là người có chí, dù nghèo vẫn cố học cho nên người. Nhưng cha nàng một mực không chịu, chê nhà Huy nghèo, không “môn đăng hộ đối”. Không những thế, ông còn quyết liệt cấm Duyên liên lạc với người yêu. Mẹ nàng dù không đồng ý với chồng cũng không dám bênh con, cãi lại ông. Duyên đau khổ, tuyệt vọng, trốn trong phòng riêng đễ khóc. Nàng bỏ cả ăn uống, bỏ cả học hành.
Lâu không thấy mặt con, mẹ nàng lo lắng vào thăm. Thấy con sa sút nhanh chóng, bà hoảng sợ khuyên con gái cố bình tĩnh và kiên nhẫn chờ đợi bà thuyết phục cha cho phép. Nghe mẹ nói như vậy, Duyên cảm động khóc òa lên, nằm úp mặt vào gối khóc nức nở. Mẹ nàng ngồi xuống mép giường, âu yếm vuốt tóc con, tìm lời an ủi :
            “Má tin rồi ba cũng chịu vì thằng Huy cũng là người đàng hoàng, ngoan ngoãn. Nhưng cần có thời gian để má nói chuyện với ba.”
            Nàng vừa lo lắng vừa nghẹn ngào nói với mẹ :
            “Ðơi đến bao giờ ? Không biết con có thể…chờ đợi…lâu được không  ?”
            Bà ngạc nhiên, đăm đăm nhìn con gái, hỏi :
            “Tại sao không chờ lâu được ?  
            Duyên lại khóc mà không nói nên lời. Mẹ nàng nhìn nàng đăm đăm, rồi như chợt hiểu, lo lắng hỏi :
            “Có thiệt không ?”
            Nàng đỏ bừng mặt, khẽ gật đầu. Bà đứng phắt dậy, thốt kêu :
            “Thảo hèn !...”
            Rồi bà nhìn con gái chằm chặp, muốn nói một lời mà ngập ngừng không nói, rồi bỗng bước nhanh ra khỏi phòng.
            Thấy mẹ bất chợt bỏ đi như vậy, Duyên bắt đầu lo. Nàng đoán mẹ sẽ cho cha biết “tin giật gân” này. Phản ứng của cha chắc chắn sẽ bất lợi cho nàng. Ông là người cứng rắn và nghiêm khắc, trái hẳn với vợ. Bỗng nàng nghe có tiếng gầm của cha từ dưới nhà vọng lên, nhưng không rõ ông nói gì. Mấy phút sau, mẹ nàng lại bước vào phòng. Bà nói ngay :
            “Ba biểu mày phải phá đi, chớ nhứt định ổng không chịu gả…”
            Nghe mẹ nói vậy, nàng lại khóc nức lên, rồi nghẹn ngào :
            “Vậy thì…con chỉ có chết thôi…”
            Bà nghiêm giọng la :
            “Ðừng có nghĩ khùng, để tao tính.”
            Suy nghĩ một lát, bà dịu giọng, nói :
            “Tao cũng không muốn phá vì phá là giết một mạng người…Nhưng cái chuyện cưới xin của mày với thằng Huy coi như hết hy vọng rồi…Tao bây giờ chỉ muốn cứu đứa nhỏ thôi…Nó có tội tình gì đâu mà giết nó…Mày phải bình tĩnh lại, đừng có nghĩ bậy nghĩ bạ…tính quẩn tính quanh…vừa thiệt mình vừa chẳng giải quyết được chuyện gì hết.”
            Nói xong, bà ra khỏi phòng. Dù câu chuyện chưa biết giải quyết thế nào, Duyên cũng thấy tạm yên tâm vì mẹ là người hiểu biết và nhân từ. Mãi đến chiều tối bà mới quay trở lại với một cà men đựng đồ ăn. Thấy đồ ăn, nàng bỗng đói cồn cào. Nhưng bụng đói mà miệng vẫn đắng và khô nên nàng cũng chẳng ăn được, chỉ uống nhiều nước. Tuy nhiên nàng cũng thấy tỉnh táo, khỏe hơn đôi chút.
            Chờ cho nàng ăn uống xong xuôi, mẹ nàng mới nói :
            “Tao đã hỏi ý dì Ngọc, được dì đồng ý cho mày ra Vũng Tàu ở nhà nghỉ mát của dì…”
            Không chờ mẹ nói hết, Duyên ngắt lời, hỏi :
            “Con ra đó làm chi ?”
            “Còn làm chi nữa ! Bà đáp ngay. Tao gởi mày ra đó ở cho tới ngày mày sanh. Như vậy không ai biết chuyện mày có bầu. Ba mày cũng chịu như vây rồi. Bao giờ mày sanh xong mới về nhà. Ðứa nhỏ thì cho vô viện mồ côi.”
            Nghe mẹ tính toán như vậy, Duyên im lặng. Nàng vẫn biết bà là người tính toán giỏi. Công việc làm ăn, buôn bán của gia đình nàng thịnh vượng nhờ óc tính toán của bà. Như vậy là nàng phải tạm nghỉ học để lánh mặt một thời gian. Nàng thầm tự hỏi rồi không biết nàng còn có thể gạp Huy nữa không ?
            Chợt mẹ nàng thúc giục :
            “Bây giờ mày sửa soạn quần áo và đồ đạc đi, nhớ đem sách vở ra đó mà học, Sáng mai tao đích thân lái xe đưa mày xuống Vũng Tàu, thu xếp nơi ăn chốn ở cho mày xong tao mới về.”
            Nàng lo sợ hỏi :
            “Con phải ở đó một mình ?”
            “Chớ mấy mình nữa ?”
            “Con sợ…”
            “À, có một con người làm để hầu hạ mày.”
            Sáng sớm hôm sau, hai mẹ con lên đường sớm khi trời còn tối. Duyên không được gặp cha và các em trước khi đi. Khi đã qua Biên Hòa, mẹ nàng mới lên tiếng :
            “Vì mày là chị lớn, tao không muốn cho mấy đứa em mày biết chuyện mày có bầu. Tao sẽ nói là mày bịnh, phải đi nghỉ mát một thời gian, khi nào khỏe sẽ về đi học lại. Tao cũng giận mày lắm nhưng vẫn thương mày, dù sao mày cũng là con đầu lòng. Ba mày cứ trách thằng Huy là đồ Sở Khanh. Tao lại không nghĩ như vậy vì nếu là Sở Khanh nó đâu có đem mẹ tới xin cưới mày. Xét cho cùng, tao với ba mày cũng có lỗi một phần vì mải lo làm ăn quá, lơ là việc dạy dỗ, kiểm soát chúng mày.”
            Nghe mẹ nói một thôi dài, Duyên vừa thẹn vừa mừng. Nàng không ngờ mẹ là người biết điều như vậy. Bà học cũng không cao, mới hết tiểu học đã ở nhà giúp cha mẹ buôn bán, rồi lấy chồng, cũng là một nhà buôn. Nàng thầm tự hứa từ nay sẽ cố gắng ngoan ngoãn hơn.
            Nhà nghỉ mát của dì Ngọc thật rộng rãi, ở ngay bãi trước, trông ra bờ biển. Mới đầu, Duyên cũng cảm thấy buồn, coi như bị đi đầy. Nhưng sau đó nàng cũng khuây khỏa phần nào vì chị người làm là dân địa phương nên đã đưa nàng đi chơi loanh quanh, thăm các thắng cảnh của Vũng Tàu. Rồi dần dần nàng quen với cảnh cô đơn, bớt buồn, lấy sách vở ra ôn tập để khỏi quên và hy vọng cuối niên học có thể thi Tú Tài phần thứ nhất. Hàng tuần mẹ nàng vẫn xuống thăm nàng bằng xe đò. Sở dĩ bà không lái xe riêng vì sợ người quen bắt gặp rồi thắc mắc, tìm hiểu. Mỗi lần xuống thăm con gái bà đem nhiều tin tức Saigon và quà bánh cho nàng. Bà lúc nào cũng dịu dàng với nàng khiến nàng rất cảm động. Cũng vì cảm động và thương mẹ vất vả vì mình, nàng quyết định gạt bỏ ý định báo cho Huy biết nơi ở mới của mình để chàng có thể xuống thăm. Nàng cho rằng lén lút gặp lại người tình là phản lại lòng tin yêu của mẹ.
            Khi bụng nàng đã lớn, bà chỉ dẫn nàng cách ăn uống, giữ gìn vệ sinh. Chị người làm hình như đã biết trước không hề tỏ vẻ thắc mắc hay ngạc nhiên. Trước ngày nàng khai hoa nở nhụy, bà ở luôn với nàng cả tuần lễ. Vào một lúc, chị người làm đi chợ vắng, chỉ có hai mẹ con, bà ôn tồn cho nàng biết ý định của bà về đứa bé sơ sinh :
            “Má đã kiếm được người nhận nuôi đứa nhỏ. Họ sẵn sàng làm khai sanh cho nó. Sanh xong, con nghỉ ngơi ít lâu thì về nhà đi học lại.”
            Duyên bỗng nghe nhói đau trong tim, hốt hoảng hỏi :
            “Tại sao lại cho đứa nhỏ đi ?”
            Mẹ nàng liền nghiêm giọng đáp:
            “Vì danh dự gia đình, con đã phải trốn ra đây, mang con về Saigon thì có khác gì tự tố cáo mình chửa hoang. Ba mày không bao giờ chịu có đứa nhỏ trong nhà. Vì ổng đòi phá thai, tao mới phải dấu mày đi.”
            Duyên bật khóc, nhưng không dám cãi lời mẹ. Dù sao nàng cũng phải công nhận bà là người tốt. Nhưng sau khi nàng sinh con, ý nghĩ tốt về mẹ biến mất. Không những thế nàng còn oán mẹ đã tàn nhẫn chia rẽ mẹ con nàng.
            Duyên vào một nhà bảo sanh tư và đã sinh con một cách dễ dàng và nhanh chóng. Ðó là một đứa con trai. Nhưng vì đau nên nàng ngủ thiếp đi sau khi đứa nhỏ ra đời. Lúc tỉnh dậy, nàng nhìn quanh, không thấy con đâu, chỉ thấy mẹ ngồi cạnh. Nàng mệt mỏi hỏi tới con thì bà cho biết đã cho đứa nhỏ đi rồi. Nàng bỗng nghe choáng váng, đau nhói trong lòng. Lặng đi một lúc nàng mới ấp úng hỏi :
            “Sao má vội quá vậy ? Con cũng muốn biết nó như thế nào…Dù sao nó cũng là con của con…”
            Rồi nàng nghẹn ngào không nói tiếp được nữa. Mẹ nàng có giọng bực tức :
            “Tao đã nói trước với mày là phải cho đi ngay để giữ danh dự gia đình… Người ta đã mang nó đi rồi.”
            Nàng sụt sùi :
            “Ít nhứt con cũng phải biết con của con lạc vô nhà ai…Người ta có thương nó không ? Dù sao nó cũng là giọt máu của con.”
            Bà đứng phắt dậy, nói lớn :
            “Chuyện đã rồi, tao không muốn lôi thôi nữa.”
            Rồi bà bỏ ra khỏi phòng. Từ lúc đó nàng mang lòng oán giận mẹ.
Ba hôm sau, dù hãy còn yếu, nàng đã trốn khỏi nhà bảo sanh để về Saigon, tìm tới nhà Huy.  Nàng khóc lóc kể cho Huy và mẹ chàng biết chuyện nàng bị đầy ra Vũng Tàu và đứa con bị bắt cóc ngay khi mới ra đời. Mẹ Huy vội hỏi ngay :
            “Trai hay gái ?”
            “Dạ, trai.”
            Bà cụ súyt soa vừa tiếc vừa giận. Cuối cùng nàng cho biết nàng đã bỏ nhà ra đi với hai bàn tay trắng, bỏ lại Vũng Tàu tất cả mọi thứ, kể cả quần áo thay đổi hàng ngày và bây giờ xin ở luôn với Huy. Chàng mừng rỡ, bằng lòng ngay trong khi mẹ chàng có vẻ ngại ngùng vì sợ rắc rối với pháp luật. Nhưng Huy trấn an mẹ, nêu lên vụ bắt cóc con nít khi vừa lọt lòng mẹ. Chàng tin rằng gia đình Duyên không dám thưa kiện.
            Tuy vậy, mọi người cũng đều nghe ngóng, chờ đợi phản ứng của gia đình nàng. Một tuần trôi qua trong bình yên. Muốn hiểu rõ tình hình gia đình sau ngày nàng trốn đi, Duyên tìm gặp người em gái kế mình ở trường học. Cô em tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy chị vì cô vẫn tưởng Duyên còn đang dưỡng bệnh ở Vũng Tàu. Duyên hiểu ngay rằng cha mẹ nàng vẫn giấu mọi người chuyện của nàng. Nàng cảm thấy vừa  buồn vì cha mẹ không còn nghĩ tới nàng nữa vừa mừng vì từ nay yên tâm ở với Huy.
            Huy và Duyên ra Vũng Tàu nhiều lần để cố tìm đứa con bị mẹ nàng bắt cóc mà không có một dấu vết nào. Chị giúp việc đã giúp đỡ tận tình mà cũng không có kết quả. Ðều đáng ngạc nhiên nhứt là sổ sách của nhà bảo sanh cũng không ghi lại những ngày nàng nằm trong đó. Tại sao lại kỳ lạ như vậy ? Phải chăng mẹ nàng đã dùng tiền đẻ mua chuộc người chủ nhà bảo sanh ?  Huy và Duyên đã gặp bà ta, nhưng cũng không biết thêm tin tức gì về đứa nhỏ..
            Khi đã hoàn toàn thất vọng về việc kiếm con, Duyên đành dốc lòng lo chuyện tương lai. Nàng học một lớp đánh máy, rồi xin làm thư ký cho một sở tư. Nàng cố gắng giúp đỡ và khuyến khích Huy học cho xong. Gần năm năm sau, khi Huy trở thành một luật sư thực thụ, hai người mới chính thức kết hôn. Trước đó, họ đã có thêm hai con, một gái, một trai. Khi Huy mở văn phòng riêng, Duyên bỏ sở tư để phụ giúp chồng. Với kinh nghiệm nhiều năm ở sở tư, nàng đã tổ chức và quản lý phòng luật sư một cách hữu hiệu. Huy trở thành một luật sư uy tín và có đông thân chủ.
            Khi vợ chồng đã khá giả, có chút tiếng tăm, Duyên tìm cách liên lạc lại với cha mẹ để dò hỏi tông tích đứa con đầu lòng của hai người. Nhưng cha mẹ nàng nhất quyết không chịu gặp vợ chồng nàng. Không những thế, ông bà còn không nhận nàng là con nữa. Nỗi buồn canh cánh trong lòng, nhiều hôm nàng đã khóc thầm. Nàng không ngờ cha mẹ lại đoạn tình với nàng một cách quyết liệt như vậy. Thật ra nàng cũng chưa làm gì để mọi người chê trách cha mẹ. Khi nàng lỡ có thai với Huy, mẹ chàng đã chính thức hỏi nàng cho Huy.
            Năm tháng lần lữa trôi, mà nỗi buồn trong lòng Duyên không hề phai nhạt. Buồn nhớ con thì ít mà buồn bị gia đình ruồng rẫy thì nhiều. Công việc bận rộn hàng ngày chỉ có thể làm nàng khuây khỏa chốc lát. Huy hiểu nỗi lòng vợ, nhưng cũng không biết làm sao để an ủi.
            Khi những biến cố chính trị dồn dập xảy tới, gia đình Huy được một người bạn Mỹ đưa ra phi trường Tân Sơn Nhứt để rời khỏi Việt Nam. Duyên muốn đưa cha mẹ và các em đi cùng mà không được.
            Nhờ thông minh và cần cù, hai vợ chồng Duyên có một cuộc sống tương đối thoải mái nơi xứ lạ quê người. Cả hai con đều tốt nghiệp đại học và có việc làm tốt. Mẹ Huy qua đời sau mười năm ở Mỹ. Rồi đên lượt Huy ra đi sau một cơn tai biến mạch máu não.
Bây giờ Duyên đang ở giai đoạn cuối của bệnh ung thư gan. Bà đắm chìm trong cơn mê triền miên. Các con và cháu nội, cháu ngoại đã tề tựu đông đủ. Trong lúc mê man chờ chết bà không còn nhớ tới đứa con bị mất tích nữa. Bỗng viên bác sĩ kêu bà bằng má khiến bà choàng sống lại cả một dĩ vãng xa xưa. Nhưng đầu óc bà bây giờ chỉ chập chờn với những hình bóng cũ, không còn đủ sức gây niềm xúc cảm nào.
Hôm sau, viên bác sĩ lại vào thăm. Ông thấy bà vẫn thiêm thiếp, nên đành ra phòng đợi đê gặp vợ chồng hai người con của bà. Ông bắt tay từng người rồi nói :
“Tôi có chuyện muốn nói với mấy người…”
Một người đàn bà trong đấm con bà Duyên hỏi ngay :
“Má tôi sắp đi rồi, phải không, thưa bác sĩ ?”
Ngập ngừng một chút, bác sĩ đáp :
“Khoan nói tới chuyện đó…Tôi muốn nói một chuyện khác…”
Bốn người tỏ vẻ ngạc nhiên, im lặng, chờ đợi. Bác sĩ hỏi :
“Mấy người có bao giờ nghe…bà cụ…nhắc tới một người con mất tích không ?”
Người đàn bà lên tiếng lúc trước đáp ngay :
“Có. Khi chúng tôi đã lớn, mới học xong đại học, má tôi có kể cho nghe chuyện đó. Má tôi không nói là mất tích mà kêu là bị bắt cóc. Anh tôi bị bà ngoại bắt cóc khi vừa lọt lòng mẹ. Suốt đời má tôi kiếm anh tôi mà không thấy. Vì chuyện này, ông bà ngoại tôi cắt đứt liên lạc với má tôi. Bây giờ cũng không biết ông bà ở đâu. Ba má tôi, rồi chị em tôi gửi thơ về Saigon kiếm ông bà ngoại tôi mà không được. Có thể nói đó là điều đau buồn lớn nhứt, nếu không nói là duy nhứt, của má tôi.”
Viên bác sĩ hơi cúi đầu xuống, tỏ vẻ cảm động, rồi nói bằng một giọng bùi ngùi :
“Người con mất tích hay bị bắt cóc…là tôi đây…”
Cả bốn người đối diện đều giật mình ngạc nhiên, chằm chặp nhìn viên bác sĩ. Một người đàn ông ấp úng hỏi :
“Bác sĩ…anh…anh…”
Viên bác sĩ ngắt lời :
“Từ giờ phút này, các cô chú kêu tôi bằng anh cho thân mật và đúng…tình anh em. Chính tôi cũng đã từng viết nhiều thơ về Saigon để hỏi ông bà ngoại có biết ba má hiện ở đâu không mà không có ai trả lời….Các cô chú hãy ngồi xuống, tôi kể vắn tắt chuyện bà má nuôi của tôi.”
Chờ mọi người đã yên vị, viên bác sĩ bắt đầu nói :
“Tên tôi là Hoàng. Tên này do ba má nuôi tôi đặt, vì biết tên ba là Huy. Ba má nuôi tôi là bạn của ông bà ngoại, tuổi tác ngang nhau. Ông bà không có con nên khai sanh cho tôi là con ruột. Vì đã lớn tuổi, mà tôi là con duy nhứt nên hai cụ chiều tôi lắm. Ðược cái hên là tôi giống ba Huy nên có chút thông minh, học hành không tệ. Khi sang Mỹ, hai Cụ ngỏ ý muốn tôi học bác sĩ, tôi nghe lời ngay. Tôi chưa học xong thì Cụ ông qua đời. Khi tôi đậu bác sĩ, Cụ bà vui lắm. Cách đây hai năm, Cụ bịnh nặng, cũng đã hơn chín chục. Khi biết mình sắp ra đi, Cụ cho tôi biết nguồn gốc thiệt của tôi. Nào là tên ông bà ngoại, nào là tên ba Huy má Duyên, vân vân… Mới đầu tôi tưởng Cụ mê sảng, nhưng sau khi hỏi Cụ một vài chi tiết về quá khứ để thử nghiệm, thấy Cụ vẫn sáng suốt, tôi mới tin lời. Sau khi an táng Cụ, tôi bắt đầu mở cuộc tìm kiếm. Tôi gởi nhiều thơ về Việt Nam, không ai trả lời, chác ông bà ngoại cũng mất rồi. Không biết các cậu các dì ở đâu. Tôi cũng kiếm ba má, nhưng hoàn toàn mơ hồ, vì ba má nuôi tôi có bao giờ liên lạc với ba má Huy đâu. Khi má vô đây, tôi không phải là bác sĩ điều trị nên không biết. Cách đây hai bữa, bà bác sĩ lo cho má nghỉ thường niên, hồ sơ bệnh lý mới chuyển cho tôi…Rốt cuộc tôi cũng kiếm ra má. Chỉ tiếc má không còn sống bao lâu nữa. Má sống thoi thóp thế này là nhờ các ống trợ sanh, rút ra là đi ngay…”
Một người đàn bà trong nhóm hỏi :
“Thưa bác sĩ, bao giờ thì rút ra ?”
Hoàng nói ngay :
“Kêu tôi bằng anh đi. Có phải tên cô là Hạnh Dung không ? Cô rất giống má.”
Hạnh Dung ngạc nhiên :
“Sao anh biết tên…em ?”
“Về các cô các chú, tôi đã tìm hiểu và biết rõ hết. Còn ống trợ sanh, phải chờ thân nhân ruột thịt của má quyết định. Má không làm di chúc hay living will nên bệnh viện không dám tự ý làm gì hết.”
Hạnh Dung hỏi :
“Vậy, riêng anh, anh nghĩ sao ?”
Ngập ngừng vài giây, Hoàng đáp :
“Như tôi đã nói với các cô các chú, tình trạng của má tuyệt vọng rồi. Kéo dài thêm cũng vậy thôi, lại càng thấy thương tâm mỗi lần ngó má…Ðành để má ra đi cho nhẹ nhàng…Khi bỏ ống trợ sanh, má có thể tỉnh táo một thời gian ngắn. Giây phút tỉnh táo cuối cùng ấy, má sẽ biết tôi đã được gặp má. Như vậy má càng an tâm ra đi.”
Hạnh Dung đứng lên, nói :
“Tất cả mọi người đã quyết định để má ra đi nhẹ nhàng, vậy trước khi vô gặp má lần cuối, em xin giới thiệu nhà em và các em để anh rõ, dù anh đã biết sơ qua.”
Hoàng mỉm cười :
“Cô thiệt chu đáo.”
“Ðây, chồng em, anh ấy tên Xương, cậu Hùng và mợ Kim Phượng.”
Hoàng bắt tay từng người. Sau đó, tất cả cùng vào phòng bà Duyên…

                                                                                  Tạ Quang Khôi
                                                                                 (Feb. 26, 2010)