Thursday, August 4, 2011

        GIÂY PHÚT CUỐI
                                      Truyện ngắn   Tạ Quang Khôi

B
à Duyên đang thiêm thiếp trong cơn mê chợt nghe có tiếng gọi “Má” thì choàng tỉnh ngay, ngơ ngác nhìn quanh bằng đôi mắt yếu ớt, lờ đờ. Nhưng bà không thấy ai ngoài viên bác sĩ đứng cạnh giường. Bà nghĩ mình nghe lầm. Nhưng bà vừa nhắm mắt, lại có tiếng gọi “Má”. Lần này bà nhìn viên bác sĩ, lắp bắp muốn hỏi nhưng không ra hơi. Bà biết bà đã kiệt sức, không còn sống bao lâu nữa. Bà vẫn bình tĩnh đợi chờ giây phút cuối cùng. Viên bác sĩ cúi xuống, ghé sát tai bà, khẽ gọi :
            “Má !”
Bà cố mở to mắt nhìn ông ta với một vẻ rất ngạc nhiên. Ông hỏi :
            “Má không nhận ra con sao ?”
            Bà càng ngạc nhiên hơn vì với đôi mắt yếu ớt, lờ đờ của một người đang trong cơn bịnh thập tử nhất sinh, gương mặt ông không có nét quen thuộc nhưng cũng không hoàn toàn xa lạ. Thật khó hiểu ! Ông nói thêm :
            “Má cứ nghỉ ngơi cho tỉnh táo, rồi sẽ nhớ ra con…”
            Bà muốn biết ngay ông là ai, nhưng không đủ sức nói ra lời yêu cầu. Bà biết bà yếu lắm rồi vì sức sống trong bà đã kiệt. Bà sẵn sàng ra đi mà không luyến tiếc cuộc đới. Bây giờ bỗng dưng có người nhận bà là mẹ khiến bà náo nức trong lòng. Thế nào bà cũng phải biết rõ mối liên hệ này rồi mới yên tâm nhắm mắt. Không biết có phải sự náo nức đã khiến bà thấy tỉnh táo hơn không ? Bà cố mở lớn hai mắt để nhìn viên bác sĩ tìm một dấu vết quen thuộc. Vẫn nửa như lạ nửa như quen,
            Trước khi rời khỏi giường bệnh nhân, bác sĩ cẩn thận kiểm soát lại các dây trợ sinh. Bà Duyên vẫn đăm đăm nhìn ông, chờ đợi.
            Sau khi viên bác sĩ ra khỏi phòng, bà chợt tự hỏi :”Hay là…?” Trong cơn nửa mê nửa tỉnh, trí nhớ của bà bồng bềnh như một dòng sông trôi ngược về dĩ vãng…Bà bỗng thấy mình ở tuổi 18, hơn nửa thế kỷ trước…
            Năm ấy…
            Duyên vừa mười tám, xinh đẹp, duyên dáng, đang học lớp đệ Nhị một trường nữ trung học ở Saigon. Người yêu của nàng là một sinh viên luật. Huy không những đẹp trai, học giỏi mà còn hiền lành nữa. Chàng chỉ có một cái xấu, nếu người ta coi đó là xấu, nhà nghèo. Mẹ Huy góa sớm, ở vậy, cố gắng lo cho anh em Huy ăn học nên người. Huy còn người anh và hai em gái. Anh Huy phải bỏ học sớm để lăn vào đời giúp mẹ, nuôi em. Nhưng không được bao lâu anh phải nhập ngũ. Vào dịp đó Huy mới đậu tú tài toàn phần, vừa tiếp tục học vừa đi làm để giúp đỡ gia đình.
            Duyên tình cờ gạp Huy tại nhà một người bạn cùng lớp. Hôm đó Huy tới thăm anh của cô bạn. Không biết tình cờ hay có sự dàn xếp, Huy và Duyên gặp nhau nhiều lần nữa ở nhà người bạn ấy, rồi quen nhau, thân nhau, cuối cùng yêu nhau. Tình yêu mỗi ngày một khăng khít, mặn nồng, rồi hai người thề thốt quyết sống bên nhau trọn đời. Các cuộc hẹn hò mỗi lúc một nhiều hơn, kín đáo hơn và…ly kỳ hơn
            Rồi một hôm, Duyên bỗng có triệu chứng khác lạ trong người. Nàng hoảng hốt báo tin cho Huy rõ. Chàng bình tĩnh cho biết sẽ làm đám cưới với nàng ngay. Chàng không hứa xuông để trấn an người yêu mà ngay cuối tuần đưa mẹ tới gặp cha mẹ Duyên để xin cưới nàng. Cha mẹ Duyên bị bất ngờ nên tỏ vẻ rất ngạc nhiên. Hai gia đình chưa hề quen biết mà ông bà cũng chưa rõ Huy là ai, hạng người nào. Ông bà xin hẹn sẽ trả lời sau vì muốn hỏi ý kiến Duyên. Ngay sau khi khách về, ông bà gọi Duyên ra hỏi. Nàng cho biết nàng yêu Huy và sẵn sàng làm vợ chàng. Nàng cũng kể rõ tình cảnh gia đình Huy. Khi biết Huy là một sinh viên đại học, mẹ nàng bằng lòng gả nàng cho chàng ngay. Bà cho rằng chàng là người có chí, dù nghèo vẫn cố học cho nên người. Nhưng cha nàng một mực không chịu, chê nhà Huy nghèo, không “môn đăng hộ đối”. Không những thế, ông còn quyết liệt cấm Duyên liên lạc với người yêu. Mẹ nàng dù không đồng ý với chồng cũng không dám bênh con, cãi lại ông. Duyên đau khổ, tuyệt vọng, trốn trong phòng riêng đễ khóc. Nàng bỏ cả ăn uống, bỏ cả học hành.
Lâu không thấy mặt con, mẹ nàng lo lắng vào thăm. Thấy con sa sút nhanh chóng, bà hoảng sợ khuyên con gái cố bình tĩnh và kiên nhẫn chờ đợi bà thuyết phục cha cho phép. Nghe mẹ nói như vậy, Duyên cảm động khóc òa lên, nằm úp mặt vào gối khóc nức nở. Mẹ nàng ngồi xuống mép giường, âu yếm vuốt tóc con, tìm lời an ủi :
            “Má tin rồi ba cũng chịu vì thằng Huy cũng là người đàng hoàng, ngoan ngoãn. Nhưng cần có thời gian để má nói chuyện với ba.”
            Nàng vừa lo lắng vừa nghẹn ngào nói với mẹ :
            “Ðơi đến bao giờ ? Không biết con có thể…chờ đợi…lâu được không  ?”
            Bà ngạc nhiên, đăm đăm nhìn con gái, hỏi :
            “Tại sao không chờ lâu được ?  
            Duyên lại khóc mà không nói nên lời. Mẹ nàng nhìn nàng đăm đăm, rồi như chợt hiểu, lo lắng hỏi :
            “Có thiệt không ?”
            Nàng đỏ bừng mặt, khẽ gật đầu. Bà đứng phắt dậy, thốt kêu :
            “Thảo hèn !...”
            Rồi bà nhìn con gái chằm chặp, muốn nói một lời mà ngập ngừng không nói, rồi bỗng bước nhanh ra khỏi phòng.
            Thấy mẹ bất chợt bỏ đi như vậy, Duyên bắt đầu lo. Nàng đoán mẹ sẽ cho cha biết “tin giật gân” này. Phản ứng của cha chắc chắn sẽ bất lợi cho nàng. Ông là người cứng rắn và nghiêm khắc, trái hẳn với vợ. Bỗng nàng nghe có tiếng gầm của cha từ dưới nhà vọng lên, nhưng không rõ ông nói gì. Mấy phút sau, mẹ nàng lại bước vào phòng. Bà nói ngay :
            “Ba biểu mày phải phá đi, chớ nhứt định ổng không chịu gả…”
            Nghe mẹ nói vậy, nàng lại khóc nức lên, rồi nghẹn ngào :
            “Vậy thì…con chỉ có chết thôi…”
            Bà nghiêm giọng la :
            “Ðừng có nghĩ khùng, để tao tính.”
            Suy nghĩ một lát, bà dịu giọng, nói :
            “Tao cũng không muốn phá vì phá là giết một mạng người…Nhưng cái chuyện cưới xin của mày với thằng Huy coi như hết hy vọng rồi…Tao bây giờ chỉ muốn cứu đứa nhỏ thôi…Nó có tội tình gì đâu mà giết nó…Mày phải bình tĩnh lại, đừng có nghĩ bậy nghĩ bạ…tính quẩn tính quanh…vừa thiệt mình vừa chẳng giải quyết được chuyện gì hết.”
            Nói xong, bà ra khỏi phòng. Dù câu chuyện chưa biết giải quyết thế nào, Duyên cũng thấy tạm yên tâm vì mẹ là người hiểu biết và nhân từ. Mãi đến chiều tối bà mới quay trở lại với một cà men đựng đồ ăn. Thấy đồ ăn, nàng bỗng đói cồn cào. Nhưng bụng đói mà miệng vẫn đắng và khô nên nàng cũng chẳng ăn được, chỉ uống nhiều nước. Tuy nhiên nàng cũng thấy tỉnh táo, khỏe hơn đôi chút.
            Chờ cho nàng ăn uống xong xuôi, mẹ nàng mới nói :
            “Tao đã hỏi ý dì Ngọc, được dì đồng ý cho mày ra Vũng Tàu ở nhà nghỉ mát của dì…”
            Không chờ mẹ nói hết, Duyên ngắt lời, hỏi :
            “Con ra đó làm chi ?”
            “Còn làm chi nữa ! Bà đáp ngay. Tao gởi mày ra đó ở cho tới ngày mày sanh. Như vậy không ai biết chuyện mày có bầu. Ba mày cũng chịu như vây rồi. Bao giờ mày sanh xong mới về nhà. Ðứa nhỏ thì cho vô viện mồ côi.”
            Nghe mẹ tính toán như vậy, Duyên im lặng. Nàng vẫn biết bà là người tính toán giỏi. Công việc làm ăn, buôn bán của gia đình nàng thịnh vượng nhờ óc tính toán của bà. Như vậy là nàng phải tạm nghỉ học để lánh mặt một thời gian. Nàng thầm tự hỏi rồi không biết nàng còn có thể gạp Huy nữa không ?
            Chợt mẹ nàng thúc giục :
            “Bây giờ mày sửa soạn quần áo và đồ đạc đi, nhớ đem sách vở ra đó mà học, Sáng mai tao đích thân lái xe đưa mày xuống Vũng Tàu, thu xếp nơi ăn chốn ở cho mày xong tao mới về.”
            Nàng lo sợ hỏi :
            “Con phải ở đó một mình ?”
            “Chớ mấy mình nữa ?”
            “Con sợ…”
            “À, có một con người làm để hầu hạ mày.”
            Sáng sớm hôm sau, hai mẹ con lên đường sớm khi trời còn tối. Duyên không được gặp cha và các em trước khi đi. Khi đã qua Biên Hòa, mẹ nàng mới lên tiếng :
            “Vì mày là chị lớn, tao không muốn cho mấy đứa em mày biết chuyện mày có bầu. Tao sẽ nói là mày bịnh, phải đi nghỉ mát một thời gian, khi nào khỏe sẽ về đi học lại. Tao cũng giận mày lắm nhưng vẫn thương mày, dù sao mày cũng là con đầu lòng. Ba mày cứ trách thằng Huy là đồ Sở Khanh. Tao lại không nghĩ như vậy vì nếu là Sở Khanh nó đâu có đem mẹ tới xin cưới mày. Xét cho cùng, tao với ba mày cũng có lỗi một phần vì mải lo làm ăn quá, lơ là việc dạy dỗ, kiểm soát chúng mày.”
            Nghe mẹ nói một thôi dài, Duyên vừa thẹn vừa mừng. Nàng không ngờ mẹ là người biết điều như vậy. Bà học cũng không cao, mới hết tiểu học đã ở nhà giúp cha mẹ buôn bán, rồi lấy chồng, cũng là một nhà buôn. Nàng thầm tự hứa từ nay sẽ cố gắng ngoan ngoãn hơn.
            Nhà nghỉ mát của dì Ngọc thật rộng rãi, ở ngay bãi trước, trông ra bờ biển. Mới đầu, Duyên cũng cảm thấy buồn, coi như bị đi đầy. Nhưng sau đó nàng cũng khuây khỏa phần nào vì chị người làm là dân địa phương nên đã đưa nàng đi chơi loanh quanh, thăm các thắng cảnh của Vũng Tàu. Rồi dần dần nàng quen với cảnh cô đơn, bớt buồn, lấy sách vở ra ôn tập để khỏi quên và hy vọng cuối niên học có thể thi Tú Tài phần thứ nhất. Hàng tuần mẹ nàng vẫn xuống thăm nàng bằng xe đò. Sở dĩ bà không lái xe riêng vì sợ người quen bắt gặp rồi thắc mắc, tìm hiểu. Mỗi lần xuống thăm con gái bà đem nhiều tin tức Saigon và quà bánh cho nàng. Bà lúc nào cũng dịu dàng với nàng khiến nàng rất cảm động. Cũng vì cảm động và thương mẹ vất vả vì mình, nàng quyết định gạt bỏ ý định báo cho Huy biết nơi ở mới của mình để chàng có thể xuống thăm. Nàng cho rằng lén lút gặp lại người tình là phản lại lòng tin yêu của mẹ.
            Khi bụng nàng đã lớn, bà chỉ dẫn nàng cách ăn uống, giữ gìn vệ sinh. Chị người làm hình như đã biết trước không hề tỏ vẻ thắc mắc hay ngạc nhiên. Trước ngày nàng khai hoa nở nhụy, bà ở luôn với nàng cả tuần lễ. Vào một lúc, chị người làm đi chợ vắng, chỉ có hai mẹ con, bà ôn tồn cho nàng biết ý định của bà về đứa bé sơ sinh :
            “Má đã kiếm được người nhận nuôi đứa nhỏ. Họ sẵn sàng làm khai sanh cho nó. Sanh xong, con nghỉ ngơi ít lâu thì về nhà đi học lại.”
            Duyên bỗng nghe nhói đau trong tim, hốt hoảng hỏi :
            “Tại sao lại cho đứa nhỏ đi ?”
            Mẹ nàng liền nghiêm giọng đáp:
            “Vì danh dự gia đình, con đã phải trốn ra đây, mang con về Saigon thì có khác gì tự tố cáo mình chửa hoang. Ba mày không bao giờ chịu có đứa nhỏ trong nhà. Vì ổng đòi phá thai, tao mới phải dấu mày đi.”
            Duyên bật khóc, nhưng không dám cãi lời mẹ. Dù sao nàng cũng phải công nhận bà là người tốt. Nhưng sau khi nàng sinh con, ý nghĩ tốt về mẹ biến mất. Không những thế nàng còn oán mẹ đã tàn nhẫn chia rẽ mẹ con nàng.
            Duyên vào một nhà bảo sanh tư và đã sinh con một cách dễ dàng và nhanh chóng. Ðó là một đứa con trai. Nhưng vì đau nên nàng ngủ thiếp đi sau khi đứa nhỏ ra đời. Lúc tỉnh dậy, nàng nhìn quanh, không thấy con đâu, chỉ thấy mẹ ngồi cạnh. Nàng mệt mỏi hỏi tới con thì bà cho biết đã cho đứa nhỏ đi rồi. Nàng bỗng nghe choáng váng, đau nhói trong lòng. Lặng đi một lúc nàng mới ấp úng hỏi :
            “Sao má vội quá vậy ? Con cũng muốn biết nó như thế nào…Dù sao nó cũng là con của con…”
            Rồi nàng nghẹn ngào không nói tiếp được nữa. Mẹ nàng có giọng bực tức :
            “Tao đã nói trước với mày là phải cho đi ngay để giữ danh dự gia đình… Người ta đã mang nó đi rồi.”
            Nàng sụt sùi :
            “Ít nhứt con cũng phải biết con của con lạc vô nhà ai…Người ta có thương nó không ? Dù sao nó cũng là giọt máu của con.”
            Bà đứng phắt dậy, nói lớn :
            “Chuyện đã rồi, tao không muốn lôi thôi nữa.”
            Rồi bà bỏ ra khỏi phòng. Từ lúc đó nàng mang lòng oán giận mẹ.
Ba hôm sau, dù hãy còn yếu, nàng đã trốn khỏi nhà bảo sanh để về Saigon, tìm tới nhà Huy.  Nàng khóc lóc kể cho Huy và mẹ chàng biết chuyện nàng bị đầy ra Vũng Tàu và đứa con bị bắt cóc ngay khi mới ra đời. Mẹ Huy vội hỏi ngay :
            “Trai hay gái ?”
            “Dạ, trai.”
            Bà cụ súyt soa vừa tiếc vừa giận. Cuối cùng nàng cho biết nàng đã bỏ nhà ra đi với hai bàn tay trắng, bỏ lại Vũng Tàu tất cả mọi thứ, kể cả quần áo thay đổi hàng ngày và bây giờ xin ở luôn với Huy. Chàng mừng rỡ, bằng lòng ngay trong khi mẹ chàng có vẻ ngại ngùng vì sợ rắc rối với pháp luật. Nhưng Huy trấn an mẹ, nêu lên vụ bắt cóc con nít khi vừa lọt lòng mẹ. Chàng tin rằng gia đình Duyên không dám thưa kiện.
            Tuy vậy, mọi người cũng đều nghe ngóng, chờ đợi phản ứng của gia đình nàng. Một tuần trôi qua trong bình yên. Muốn hiểu rõ tình hình gia đình sau ngày nàng trốn đi, Duyên tìm gặp người em gái kế mình ở trường học. Cô em tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy chị vì cô vẫn tưởng Duyên còn đang dưỡng bệnh ở Vũng Tàu. Duyên hiểu ngay rằng cha mẹ nàng vẫn giấu mọi người chuyện của nàng. Nàng cảm thấy vừa  buồn vì cha mẹ không còn nghĩ tới nàng nữa vừa mừng vì từ nay yên tâm ở với Huy.
            Huy và Duyên ra Vũng Tàu nhiều lần để cố tìm đứa con bị mẹ nàng bắt cóc mà không có một dấu vết nào. Chị giúp việc đã giúp đỡ tận tình mà cũng không có kết quả. Ðều đáng ngạc nhiên nhứt là sổ sách của nhà bảo sanh cũng không ghi lại những ngày nàng nằm trong đó. Tại sao lại kỳ lạ như vậy ? Phải chăng mẹ nàng đã dùng tiền đẻ mua chuộc người chủ nhà bảo sanh ?  Huy và Duyên đã gặp bà ta, nhưng cũng không biết thêm tin tức gì về đứa nhỏ..
            Khi đã hoàn toàn thất vọng về việc kiếm con, Duyên đành dốc lòng lo chuyện tương lai. Nàng học một lớp đánh máy, rồi xin làm thư ký cho một sở tư. Nàng cố gắng giúp đỡ và khuyến khích Huy học cho xong. Gần năm năm sau, khi Huy trở thành một luật sư thực thụ, hai người mới chính thức kết hôn. Trước đó, họ đã có thêm hai con, một gái, một trai. Khi Huy mở văn phòng riêng, Duyên bỏ sở tư để phụ giúp chồng. Với kinh nghiệm nhiều năm ở sở tư, nàng đã tổ chức và quản lý phòng luật sư một cách hữu hiệu. Huy trở thành một luật sư uy tín và có đông thân chủ.
            Khi vợ chồng đã khá giả, có chút tiếng tăm, Duyên tìm cách liên lạc lại với cha mẹ để dò hỏi tông tích đứa con đầu lòng của hai người. Nhưng cha mẹ nàng nhất quyết không chịu gặp vợ chồng nàng. Không những thế, ông bà còn không nhận nàng là con nữa. Nỗi buồn canh cánh trong lòng, nhiều hôm nàng đã khóc thầm. Nàng không ngờ cha mẹ lại đoạn tình với nàng một cách quyết liệt như vậy. Thật ra nàng cũng chưa làm gì để mọi người chê trách cha mẹ. Khi nàng lỡ có thai với Huy, mẹ chàng đã chính thức hỏi nàng cho Huy.
            Năm tháng lần lữa trôi, mà nỗi buồn trong lòng Duyên không hề phai nhạt. Buồn nhớ con thì ít mà buồn bị gia đình ruồng rẫy thì nhiều. Công việc bận rộn hàng ngày chỉ có thể làm nàng khuây khỏa chốc lát. Huy hiểu nỗi lòng vợ, nhưng cũng không biết làm sao để an ủi.
            Khi những biến cố chính trị dồn dập xảy tới, gia đình Huy được một người bạn Mỹ đưa ra phi trường Tân Sơn Nhứt để rời khỏi Việt Nam. Duyên muốn đưa cha mẹ và các em đi cùng mà không được.
            Nhờ thông minh và cần cù, hai vợ chồng Duyên có một cuộc sống tương đối thoải mái nơi xứ lạ quê người. Cả hai con đều tốt nghiệp đại học và có việc làm tốt. Mẹ Huy qua đời sau mười năm ở Mỹ. Rồi đên lượt Huy ra đi sau một cơn tai biến mạch máu não.
Bây giờ Duyên đang ở giai đoạn cuối của bệnh ung thư gan. Bà đắm chìm trong cơn mê triền miên. Các con và cháu nội, cháu ngoại đã tề tựu đông đủ. Trong lúc mê man chờ chết bà không còn nhớ tới đứa con bị mất tích nữa. Bỗng viên bác sĩ kêu bà bằng má khiến bà choàng sống lại cả một dĩ vãng xa xưa. Nhưng đầu óc bà bây giờ chỉ chập chờn với những hình bóng cũ, không còn đủ sức gây niềm xúc cảm nào.
Hôm sau, viên bác sĩ lại vào thăm. Ông thấy bà vẫn thiêm thiếp, nên đành ra phòng đợi đê gặp vợ chồng hai người con của bà. Ông bắt tay từng người rồi nói :
“Tôi có chuyện muốn nói với mấy người…”
Một người đàn bà trong đấm con bà Duyên hỏi ngay :
“Má tôi sắp đi rồi, phải không, thưa bác sĩ ?”
Ngập ngừng một chút, bác sĩ đáp :
“Khoan nói tới chuyện đó…Tôi muốn nói một chuyện khác…”
Bốn người tỏ vẻ ngạc nhiên, im lặng, chờ đợi. Bác sĩ hỏi :
“Mấy người có bao giờ nghe…bà cụ…nhắc tới một người con mất tích không ?”
Người đàn bà lên tiếng lúc trước đáp ngay :
“Có. Khi chúng tôi đã lớn, mới học xong đại học, má tôi có kể cho nghe chuyện đó. Má tôi không nói là mất tích mà kêu là bị bắt cóc. Anh tôi bị bà ngoại bắt cóc khi vừa lọt lòng mẹ. Suốt đời má tôi kiếm anh tôi mà không thấy. Vì chuyện này, ông bà ngoại tôi cắt đứt liên lạc với má tôi. Bây giờ cũng không biết ông bà ở đâu. Ba má tôi, rồi chị em tôi gửi thơ về Saigon kiếm ông bà ngoại tôi mà không được. Có thể nói đó là điều đau buồn lớn nhứt, nếu không nói là duy nhứt, của má tôi.”
Viên bác sĩ hơi cúi đầu xuống, tỏ vẻ cảm động, rồi nói bằng một giọng bùi ngùi :
“Người con mất tích hay bị bắt cóc…là tôi đây…”
Cả bốn người đối diện đều giật mình ngạc nhiên, chằm chặp nhìn viên bác sĩ. Một người đàn ông ấp úng hỏi :
“Bác sĩ…anh…anh…”
Viên bác sĩ ngắt lời :
“Từ giờ phút này, các cô chú kêu tôi bằng anh cho thân mật và đúng…tình anh em. Chính tôi cũng đã từng viết nhiều thơ về Saigon để hỏi ông bà ngoại có biết ba má hiện ở đâu không mà không có ai trả lời….Các cô chú hãy ngồi xuống, tôi kể vắn tắt chuyện bà má nuôi của tôi.”
Chờ mọi người đã yên vị, viên bác sĩ bắt đầu nói :
“Tên tôi là Hoàng. Tên này do ba má nuôi tôi đặt, vì biết tên ba là Huy. Ba má nuôi tôi là bạn của ông bà ngoại, tuổi tác ngang nhau. Ông bà không có con nên khai sanh cho tôi là con ruột. Vì đã lớn tuổi, mà tôi là con duy nhứt nên hai cụ chiều tôi lắm. Ðược cái hên là tôi giống ba Huy nên có chút thông minh, học hành không tệ. Khi sang Mỹ, hai Cụ ngỏ ý muốn tôi học bác sĩ, tôi nghe lời ngay. Tôi chưa học xong thì Cụ ông qua đời. Khi tôi đậu bác sĩ, Cụ bà vui lắm. Cách đây hai năm, Cụ bịnh nặng, cũng đã hơn chín chục. Khi biết mình sắp ra đi, Cụ cho tôi biết nguồn gốc thiệt của tôi. Nào là tên ông bà ngoại, nào là tên ba Huy má Duyên, vân vân… Mới đầu tôi tưởng Cụ mê sảng, nhưng sau khi hỏi Cụ một vài chi tiết về quá khứ để thử nghiệm, thấy Cụ vẫn sáng suốt, tôi mới tin lời. Sau khi an táng Cụ, tôi bắt đầu mở cuộc tìm kiếm. Tôi gởi nhiều thơ về Việt Nam, không ai trả lời, chác ông bà ngoại cũng mất rồi. Không biết các cậu các dì ở đâu. Tôi cũng kiếm ba má, nhưng hoàn toàn mơ hồ, vì ba má nuôi tôi có bao giờ liên lạc với ba má Huy đâu. Khi má vô đây, tôi không phải là bác sĩ điều trị nên không biết. Cách đây hai bữa, bà bác sĩ lo cho má nghỉ thường niên, hồ sơ bệnh lý mới chuyển cho tôi…Rốt cuộc tôi cũng kiếm ra má. Chỉ tiếc má không còn sống bao lâu nữa. Má sống thoi thóp thế này là nhờ các ống trợ sanh, rút ra là đi ngay…”
Một người đàn bà trong nhóm hỏi :
“Thưa bác sĩ, bao giờ thì rút ra ?”
Hoàng nói ngay :
“Kêu tôi bằng anh đi. Có phải tên cô là Hạnh Dung không ? Cô rất giống má.”
Hạnh Dung ngạc nhiên :
“Sao anh biết tên…em ?”
“Về các cô các chú, tôi đã tìm hiểu và biết rõ hết. Còn ống trợ sanh, phải chờ thân nhân ruột thịt của má quyết định. Má không làm di chúc hay living will nên bệnh viện không dám tự ý làm gì hết.”
Hạnh Dung hỏi :
“Vậy, riêng anh, anh nghĩ sao ?”
Ngập ngừng vài giây, Hoàng đáp :
“Như tôi đã nói với các cô các chú, tình trạng của má tuyệt vọng rồi. Kéo dài thêm cũng vậy thôi, lại càng thấy thương tâm mỗi lần ngó má…Ðành để má ra đi cho nhẹ nhàng…Khi bỏ ống trợ sanh, má có thể tỉnh táo một thời gian ngắn. Giây phút tỉnh táo cuối cùng ấy, má sẽ biết tôi đã được gặp má. Như vậy má càng an tâm ra đi.”
Hạnh Dung đứng lên, nói :
“Tất cả mọi người đã quyết định để má ra đi nhẹ nhàng, vậy trước khi vô gặp má lần cuối, em xin giới thiệu nhà em và các em để anh rõ, dù anh đã biết sơ qua.”
Hoàng mỉm cười :
“Cô thiệt chu đáo.”
“Ðây, chồng em, anh ấy tên Xương, cậu Hùng và mợ Kim Phượng.”
Hoàng bắt tay từng người. Sau đó, tất cả cùng vào phòng bà Duyên…

                                                                                  Tạ Quang Khôi
                                                                                 (Feb. 26, 2010)

No comments:

Post a Comment