Thursday, August 4, 2011

             MỐI TÌNH CHUNG THỦY
                                               Tạ Quang Khôi

D
uyệt tình cờ gặp lại Hoa trong một trung tâm thương mại Việt Nam. Chàng nhận ra nàng ngay dù nàng đổi khác rất nhiều. Ngót hai chục năm xa cách, kể từ ngày hai người chia tay, nên sự thay đổi cũng là chuyện thường. Chỉ có điều không thường laf nầng gầy yếu quá. Nàng đi với một người đàn ông và hai đứa nhỏ mà chàng đoán là chồng con, nên không dám làm quen. Người đàn ông hơi già, tóc đã hoa râm, có lẽ hơn Hoa nhiều tuổi. Thấy người yêu đã có chồng, chàng cũng nghe lòng tê tái, buồn rầu, nhưng không giận hờn vì dù sao hai người cũng mất liên lạc với nhau quá lâu.
Duyệt và Hoa gặp nhau trong một dịp cùng đi thủy lợi ở miền Ðồng Tháp. Cả hai đều là dân Saigon. Khi cộng sản chiếm miền Nam, Duyệt đang học năm cuối cùng ở đại học Văn khoa. Chàng là người ham hoạt động, lại có khuynh hướng thiên tả nên đã hăng hái gia nhập đòan thanh niên xung phong đẻ có dịp “giúp đời và giúp nước”. Trong khi đó Hoa là con gái một gia đình bị quy vào thành phần “tư sản bóc lột”. Ðáng lẽ gia đình nàng đã bị đuổi đi vùng kinh tế mới, nhưng cha mẹ nàng đã khéo léo dùng tiền để mua chuộc các cán bộ ở quận, phừong và khóm. Gia đình nàng đã phải dâng hiến cho nhà nước tòa biệt thự lớn đang ở, dọn về một căn nhà nhỏ chật chội trong một hẻm xa trung tâm thành phố. Ðó cũng là một cách ngụy trang để che mắt thế gian. Muốn tỏ ra mình đã thực sự “giác ngộ cách mạng”, anh chị em Hoa tích cực tham gia các hoạt động của phường, khóm.
Hoa xinh đẹp, duyên dáng, ăn nói nhỏ nhẹ nên ngay khi mới gặp Duyệt đã có cảm tình. Nhưng Hoa tỏ ra dè dặt khi tiếp xúc với chàng. Nàng đã nghe một vài người trong đoàn cho biết chàng là “ba mươi tháng tư”. Rồi khi công tác đã hoàn tất, trở về Saigon, chàng vẫn đến thăm nàng hàng ngày, khiến nàng rất khó chịu mà không dám phản đối. Một hôm nàng đánh liều hỏi :
“Có phải anh được lệnh đến dò xét nhà Hoa không ?”
Mới đầu Duyệt có vẻ ngạc nhiên  nhưng rồi chàng cười phá lên, hỏi :
“Thì ra Hoa vẫn tưởng tôi là ba mươi tháng tư thiệt sao ?”
Nàng không đáp, chỉ đăm đăm nhìn chàng.
“Vậy thì, đây là dịp tôi cho Hoa biết sự thiệt. Hồi mới đầu tôi cũng có thích cách
mạng vì chánh quyền cũ thối nát, tham nhũng quá, từ thằng trên cùng xuống tới thằng tép riu. Nhưng thích không có nghĩa là theo đuôi một cách mù quáng. Chỉ trong một thời gian ngắn, tôi nhận ra rằng chúng nó cũng chẳng hay ho gì, nếu không muốn nói là còn tệ hơn chế độ trước. Cái tệ nhứt của chúng là sự tàn bạo và giả dối, cái gì cũng nói láo hết. Nhưng đã đâm lao, phải theo lao, từ từ rút lui để chúng khỏi nghi ngờ. Ðối với bọn này, không thể thành thật được. Rất nguy hiểm.”
            Hoa liền hỏi lại :
            “Sao anh dám nói thiêjt với Hoa như vậy ? Không sợ Hoa đi báo cáo sao ?”
            Duyệt cười :
            “Hoa định báo cáo với ai ? Giới thiệu tôi làm việc với người đó cho vui.”
            Thấy chàng có vẻ thành thật, nàng bắt đầu nói đùa :
            “Ðể Hoa nghĩ coi nhé. Cả phường lẫn khóm Hoa chẳng quen ai. Còn cái anh công an khu vực thì Hoa lại rất ghét. Mỗi lần gạp Hoa ở bất cứ đâu, anh ta cũng nham nhở tán tỉnh. Hoa chả dám phản đối, chỉ im lặng mà bỏ đi chỗ khác.”
“Cũng như hồi Hoa mới gặp tôi ở vùng Ðồng Tháp, phải không ?”
Nàng gật đầu, cười :
“Ðúng vậy, sợ chết khiếp đi.”
“Bây giờ còn sợ không ?”
Nàng dí dỏm :
“Cách đây nửa giờ còn sợ chết khiếp, bây giờ chỉ…ngài ngại thôi.”
“Nghĩa là Hoa vẫn chưa tin tôi hẳn ?”
Nàng rụt rè :
“Tin chớ…Nhưng từ đang sợ…chết khiếp đến thật sự tin cũng phải từ từ, phải có thời gian…”
Duyệt công nhận lời nàng có lý. Tâm trạng con người không thể thay đổi một cách nhanh chóng được. Như vậy là nàng rất thành thật. Và chàng cũng thầm hiểu rằng muốn được nàng yêu lạ, chàng phải kiên nhẫn.
Từ buổi ấy, Hoa đã có vẻ cởi mở hơn với Duyệt, rồi hai người trở thành đôi bạn rất thân. Nhưng chỉ đến khi Duyệt cho Hoa biết ý định vượt biên của chàng thì chàng mới biết nàng cũng đã yêu. Nàng giữ im lặng một lúc lâu, rồi nghẹn ngào nói :
“Như vậy là anh muốn bỏ em lại một mình, phải không ?”
Lần đầu tiên nàng xưng em nên Duyệt nghe sao ngọt ngào, khiến chàng ngất ngây. Chàng ấp úng mãi mới đáp được :
“Ðâu có…đâu có…nhưng…nhưng tôi có biết ý Hoa thế nào đâu…”
Nàng nhìn chàng đăm đăm, rồi hỏi :
“Vậy bây giờ anh biết ý em rồi thì anh tính sao ?”
Chàng càng lúng túng hơn vì chưa bao giờ chàng dám nghĩ tới chuyện được cùng nàng dong chơi trong thành phố, chứ đừng nói tới chuyện cùng vượt biên. Cuối cùng chàng nói :
“Vượt biên là một chuyện vạn bất đắc dĩ vì chín phần chết, chỉ có một phần sống thôi. Cái phần sống đó hoàn toàn trông vô may rủi. Rất nguy hiểm. Chỉ những người đã tuyệt vọng mới dám liều mạng lao đầu ra biển…”
Chàng chưa nói hết, nàng đã ngắt lời hỏi :
“Ai làm anh tuyệt vọng ? Chắc chắn không phải là em.”
Chàng khẽ thở dài :
“Tôi đã chán cuộc sống vất vưởng ở đây, tương lai mù mịt, vì vậy, đành liều.”
“Anh đi rồi, anh có biết tương lai em cũng mù mịt không ?”
Câu hỏi thật bất ngờ làm Duyệt lặng hẳn người, không biết trả lời sao. Một lúc khá lâu, trước vẻ chờ đợi nôn nóng của Hoa, chàng ngập ngừng hỏi :
“Hoa…Hoa yêu tôi ?”
Nàng hơi giận :
“Ô hay, sao anh lại có thể hỏi một câu ngớ ngẩn như vậy được nhỉ…Anh có biết từ lâu em chờ đợi anh tỏ tình với em, nhưng chả bao giờ anh thèm nói một lời. Bây giờ anh sắp bỏ em để đi xa, em mới phải liều cho anh biết em yêu anh. Như vậy là trái với lẽ thường.”
Nói xong, đôi mắt nàng rươm rướm ướt khiến Duyệt rất cảm động. Chàng rụt rè nắm lấy tay nàng muốn nói một lời xin lỗi mà nghẹn ngào. Hai người giữ im lặng khá lâu, cuối cùng chàng lên tiếng :
“Hay tôi hủy bỏ chuyến đi…”
Chàng chưa dứt lời, nàng đã vội gạt đi :
“Không, anh cứ đi đi, vì tương lai của anh, rồi kiếm cách liên lạc với em…Ðừng quên em là được rồi.”
Chàng quả quyết :
“Chẳng bao giờ tôi có thể quên Hoa được.”
Thầm trong bụng, chàng hơi ngạc nhiên về thái độ tự mâu thuẫn của Hoa. Nàng vừa trách chàng bỏ nàng lại một mình, bấy giờ lại khuyên chàng nên ra đi. Thật khó hiểu vì chuyến đi này của chàng ngoài vấn đề nguy hiểm còn sự xa cách nữa. Nếu đi thoát, đến được bến bờ tự do, biết bao giờ sẽ gặp lại nhau ? Cuộc đời nhiều bất trắc, làm sao có thể biết trước được. Hay nàng không thật sự yêu chàng ?
Hai người chỉ gặp nhau thêm một lần nữa rồi Duyệt ra khơi  Chuyến đi không êm ả như mọi người mong muốn. Thuyền đi được hai ngày thì gặp bão, không bị chìm giữa biển nhưng dạt vào một hòn đảo hoang, không người ở. Máy thuyền bị hư nên không thể tiếp tục cuộc hành trình. Các thuyền nhân sống trên hoang đảo năm ngày, nhờ gạo trên thuyền còn đủ ăn cầm hơi, rồi được một tầu đánh cá Nhật cứu, đưa về Nhật. Nhưng tại đây, họ bị cô lập trong một trại lính cũ ở bãi biển, xa khu dân cư. Họ phải bầu một ban đại diện để tiếp xúc với chánh quyền địa phương. Ðiều khó khăn duy nhất là không ai biết tiếng Nhật, vì thế cuộc thảo luận không tiến hành được. Tuy nhiên, họ vẫn được tiếp tế lương thực và một số tiện nghi tối thiểu. Cuối cùng, chánh quyền địaa phương kiếm được một người biết tiếng Anh. Ðó là một sinh viên đang học ở Ðông Kinh về thăm gia đình. Một nhân viên sở Mỹ cũ và Duyệt được cử ra nói chuyện với anh sinh viên Nhật. Lúc đó mọi người mới biết chánh quyền địa phương đã thông báo với trung ương, nhưng chưa thấy trung ương trả lời. Các thuyền nhân yêu cầu được găp các phái đòan của các nước tự do đê xin đi định cư. Chánh quyền địa phương hứa sẽ hối thúc trung ương. Như vậy là có tiến triển tốt đẹp, nhưng mọi việc không hiểu sao quá chậm chạp. Mãi ba năm sau, Duyệt và một số người mới được đi Mỹ. Số còn lại, kẻ xin đi Pháp, người xin đi Úc hoặc Canada.
Vừa đặt chân lên nước Mỹ, Duyệt gửi thư về Việt Nam cho Hoa ngay. Nhưng rồi chàng chờ hoài không thấy hồi âm. Chàng gửi thêm hai thư nữa mà cũng biệt vô âm tín. Chàng không ngạc nhiên mà cũng không giận nàng vì chính chàng đã biệt tích quá lâu. Chàng chỉ thắc mắc về an ninh của nàng và gia đình nàng mà thôi. Chàng viết thư nhờ một người bạn ở Saigon đến nhà nàng xem tình hình ra sao. Mấy tháng sau, người bạn cho biết nhà đã đổi chủ. Từ đó chàng không còn tìm cách liên lạc với nàng nữa. Cuộc sống mới ở Mỹ có nhiều vấn đề cần giải quyết và đối phó nên chàng cũng tạm quên nàng.
Mười tám năm trôi qua, Duyệt tương đối thành công trên quê hương mới. Chàng đã học xong đại học và có một việc làm chắc chắn. Nhưng về phương diện tình cảm chàng không gặp được ai vừa ý khả dĩ có thể thay thế được Hoa. Chính chàng cũng không hiểu tại sao chàng lại khó khăn như vậy vì chàng và Hoa mới chỉ chớm yêu nhau đã phải xa cách, chưa có nhiều kỷ niệm chung. Hoa cũng không phải là người con gái toàn vẹn cả về sắc lẫn nết. Vậy mà chàng cứ lấy nàng làm tiêu chuẩn để chọn lựa. Chàng cho đó là vô lý. Khi đã có cuộc sống ổn định, chàng về Việt Nam để kiếm nàng, cũng không gạp, đúng như lời ngưòi bạn nói năm xưa. Trở về Mỹ, chàng lại kéo dài cuộc sống độc thân. Rồi thời gian lần lữa qua, chàng quen với nếp sống cô đơn, không nghĩ tới chuyện vợ con nữa mà cũng không mơ tưởng đến Hoa.
Bỗng hôm nay gặp lại Hoa, chàng rất mừng nhưng lại buồn ngay vì nàng đã có chồng con. Thấy nàng gầy yếu, xanh xao chàng cũng nghe xót xa trong lòng và thắc mắc có phải nàng đang có bịnh không ? Bịnh gì ? Nan y hay không đáng ngại ? Nhưng chàng lại thầm tự nhủ :” Ô hay, người ta đã có chồng mình còn quan tâm làm gì nữa ?” Nhìn nàng bước vào một tiệm ăn với chồng con, chàng lặng lẽ bỏ đi. Chàng định ra bãi đậu xe để về nhà, nhưng chợt nhớ cần mua một vài thứ trong chợ Việt Nam. Chàng vừa vào chợ thì nghe có tiếng gọi tên mình nho nhỏ ở ngay sau lưng. Chàng vội quay lại và vô cùng ngạc nhiên thấy người gọi chính là Hoa. Nàng nói nhanh và nhỏ :
“Em nhận ra anh ngay, nhưng không dám chào hỏi vì chồng em ghen lắm.”
Duyệt chưa kịp hỏi gì, nàng đã nói tiếp :
“Em muốn gặp anh lúc mười một giờ trưa mai ở đây. Có nhiều chuyện nói lắm. Nhớ mưòi một giờ mai, anh nhé.”
Nói xong, nàng vội vã ra khỏi chợ như chạy trốn. Chàng nhìn theo mà lòng bâng khuâng. Thật là một bất ngờ ! Chàng mua vội mấy món đồ cần thiết rồi ra về ngay.
Ðêm hôm đó chàng trằn trọc không ngủ được, chỉ thỉnh thoảng chợp mắt rồi choàng tỉnh dậy nhớ đến khuôn mặt xanh xao, tiều tụy của Hoa mà lòng đầy thương xót. Chàng mong cho chóng đến giờ hẹn với nàng để biết rõ về cuộc đời nàng sau khi hai người chia tay.
Hôm sau, Duyệt tới khu Việt Nam cả tiếng đồng hồ trước giờ hẹn. Nhưng Hoa chỉ có mặt đúng mười một giờ. Vừa gặp chàng, nàng đã đề nghị đi khỏi khu Việt Nam ngay, tốt nhất là về nhà chàng để nói chuyện cho tự do, nếu vợ chàng không có nhà. Chàng nói ngay :
“Tôi không có vợ, về nhà tôi là tiện nhất.”
Nàng nhìn chàng đăm đăm, rồi hỏi :
“Anh nói thiệt hay nói giỡn ?”
“Chưa bao giờ tôi nói giỡn với Hoa.”
Khi hai người đã ngồi trong xe hơi của Duyệt, Hoa hỏi :
“Tại sao anh không chịu lấy vợ ?”
Ngập ngừng một lát, chàng đáp :
“Tại tôi hay so sánh…”
Câu nói lửng lơ của chàng khiến nàng thêm thắc mắc :
“Vậy là làm sao ? Anh so sánh ai với ai ?”
Chàng gạt đi :
“Thôi, để về nhà mình nói chuyện rõ hơn…Nhà tôi cũng gần đây thôi.”
Nửa giờ sau, Duyệt đã biết rõ cuộc đời Hoa sau khi chàng đi tìm tự do. Em trai lớn nhất của Hoa bị phường, khóm ép phải đi nghĩa vụ quân sự, chết mất xác bên Cao Miên. Mẹ nàng buồn sinh bệnh rồi qua đời. Mất liền hai người thân nhất đời trong co một thời gian ngắn, cha nàng bị bệnh thần kinh, rồi một đêm ông uống thuốc độc tự tử. Nàng đau khổ quá nên chán đời, có ý định đi tu, nhưng có hai việc giữ nàng lại với đời : hai em nhỏ không người săn sóc và mối hy vọng gặp lại Duyệt, Trong khi ngược xuôi ngoài chợ trời, nàng gặp Mạnh, một sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, mới đi tù cải tạo về. Trong khi Mạnh còn ở tù, vợ Mạnh bỏ con cho mẹ chồng nuôi để lấy một cán bộ cộng sản. Mạnh tỏ tình với nàng, mới đầu nàng không chịu, nhưng khi biết Mạnh có thể được đi Mỹ, nàng mới bằng lòng dù tuổi tác chênh lệch quá nhiều. Khi được đi Mỹ, nàng phải gửi hai em cho một bà dì ruột. Sau này khi đã có thẻ xanh, nàng mới bảo lãnh hai em sang đoàn tụ. Bây giờ chúng nó cũng đã học xong đại học va ở riêng vì đều đã có gia đình. Về phần nàng, bây giờ nàng đang bị ung thư bao tử, đã phải cắt đi một phần lớn, nhưng mới bị tái phát. Nàng có thể chết trong một tương lai gần.
Nghe chuyện của Hoa xong, Duyệt thấy tê tái trong lòng. Chàng không ngờ đời nàng lại nhiều gian truân như vậy. Nàng không phải là người đẹp đến độ Tạo hóa phải ghen ghét, nàng chỉ xinh tươi, co duyên và hiền lành.
Duyệt vắn tắt kể lại chuyện vượt biên cho Hoa nghe, rồi kết luận vì duyên số hai người phải xa nhau ở kiếp này, đành xin hẹn kiếp sau. Thấy đã quá mười hai giờ trưa, chàng mời nàng đi ăn. Nhưng nàng từ chối :
“Anh Mạnh ghen lắm, em không dám đi ăn tiệm với anh đâu. Anh ấy ghen cũng là chuyện thường tình, vì đã một lần bị vợ bỏ, mà em bây giờ thì còn trẻ. Tốt nhứt là nhà có gì cho em ăn cũng được.”
Trước khi chia tay, Hoa lấy từ trong túi xách ra một gói nhỏ trao cho Duyệt :
“Ðây là chiếc áo gấm em may sau khi anh đi vượt biên. Lúc đó, em nghĩ rằng anh sẽ trở về với em, mình sẽ làm đám cưới, áo này sẽ là áo cô dâu. Em sống chẳng còn bao lâu nữa, anh giữ nó để làm kỷ niệm, thấy nó là thấy em.”
“Hồi làm đám cưới với Mạnh, Hoa không mặc áo này ?”
Nàng bỗng có giọng hờn trách :
“Bộ em không xứng đáng là người yêu của anh sao mà anh không thèm kêu em bằng em và xưng anh ? Cứ Hoa với tôi hoài làm em tủi quá.”
Duyệt vội nắm láy tay nàng, tha thiết nói :
“Em không thấy anh yêu em đến độ không thể lấy ai khác được sao ? Anh chỉ yêu có em thôi. Mỗi lần gặp người con gái nào, anh cũng so sánh với em và thấy người ta thua em xa.”
Hoa tỏ vẻ băng lòng, nhoẻn miệng cười :
“Ở cõi đời này thiếu gì người vừa đẹp vừa ngoan gấp ngàn lần em. Anh khó tánh quá đấy…Hồi em lấy anh Mạnh, em may áo khác. Áo này chỉ dành cho anh thôi.”
Duyệt mở gói ra xem ngay. Ðó là một áo dài bằng gấm màu hồng điểm nhiều hoa mai vàng. Nhưng áo hơi rộng so với Hoa bây giờ. Chàng cất ngay vào ngăn để quần áo trong phòng ngủ, rồi sửa soạn đưa người yêu trở lại trung tâm Việt Nam như nàng yêu cầu. Trước khi mở cửa, chàng bỗng ôm lấy nàng, hôn lên môi. Nàng không phản đối nhưng cũng không đáp ứng. Rồi sau đó, nàng buồn buồn nói :
“Em bây giờ có đáng gì nữa đâu. Trước khi anh đi vượt biên, em sẵn sàng đẻ anh hôn mà anh chẳng nói gì.”
Sau hôm đó, hai người không gặp nhau lần nào nữa dù Duyệt hàng ngày vẫn ghé trung tâm Việt Nam với hy vọng được thấy nàng, dù nàng đi bên người chồng gia nua hay ghen, dù không được nói chuyện với nàng.
Khỏang ba tháng sau, vào một đêm chàng bỗng thức giấc và có linh cảm như có người đang ở trong phòng ngủ với mình.  Chàng ngồi nhỏm dậy, mở đèn sáng nhìn quanh, nhưng không thấy ai. Chàng yên tâm nằm xuống, tắt đèn. Chàng giật mình, thấy trong tối một cái bóng ở cạnh tủ áo. Chàng hơi sợ, nhưng cố lấy can đảm nhìn kỹ thì nhận ra chiếc áo gấm hồng của Hoa. Nó lơ lửng, cách mặt đất khoảng một gang tay, như có người mặc, nhưng không thấy mặt và chân tay. Chàng không hiểu tại sao áo treo bên trong tủ mà bây giờ lại ở bên ngoài. Chàng lại bật đèn sáng, không thấy áo nữa. Suy nghĩ một lúc, chàng đóan rằng có thể Hoa đã chết nên về báo cho chàng biết. Chàng lẩm bẩm khấn :”Hoa ơi, chúc em sớm được siêu thoát.”. Khấn xong, chàng tắt đèn để ngủ tiếp. nhưng bóng chiếc áo gấm vẫn lơ lửng bên cửa tủ áo. Chàng không biết phải đối phó thế nào. Chàng rất thương Hoa, nhưng không thích cái áo gấm cứ lơ lửng như vậy mãi. Chàng đành bật đèn sáng để xua đuổi chiếc áo, rồi ra phòng khách ngủ trên ghế dài.
Hôm sau, khi trời đã sáng rõ, Duyệt vào phòng ngủ gói chiếc áo gấm lại rồi mang ra xe hơi. Chàng quyết định đốt nó như người ta “hỏa táng” rồi rải tro xuống một dòng sông. Chàng tiếc và buồn lắm, nhưng không có cách nào khác để được sống yên ổn.
Sau hai giờ lái xe, Duyệt ngừng lại bên một bờ sông lớn. Ðến một chổ thật vắng, chàng để bọc áo lên một bờ cỏ, rồi đổ xăng ướt đẫm. Khi lửa cháy ngùn ngụt, một đám khói đen bốc lên cao. Trong đám khói, chàng chợt thấy một bóng người hiện ra. Vì trời sáng, chàng thấy rõ vẻ mặt buồn thảm của Hoa. Chiếc áo gấm màu hồng chập chờn trong ầnh lửa khói. Nhưng chỉ thoáng trong mấy giây, bóng nàng tan biến ngay. Nước mắt chàng bỗng trào ra, làm nhòa cảnh vật chung quanh…

                                                                         Tạ Quang Khôi
                                                                                  21/9/09
     

No comments:

Post a Comment