TẠ QUANG KHÔI
T
|
hủ phạm là một ông già tóc bạc phơ. Lão ngồi bất động bên
cạnh luật sư được chỉ định biện hộ cho lão. Đôi mắt lão nhìn thẳng phía trước,
mặt lão bình thản đến trơ trơ như không có một chút tình cảm nào. Nếu ai nhìn
lão lâu để nhận xét sẽ có cảm tưởng lão đã biến thành gỗ đá. Lão không chú ý
đến bất cứ một ai, một vật , một cảnh nào chung quanh lão. Những tiếng động
dường như cũng không lọt vào tai lão. Công tố viên đang hùng hồn kết tội lão,
nhưng lão cũng chẳng thèm để tai nghe ông ta nói gì. Nếu chỉ nhìn vẻ trơ trơ
của lão, không ai có thể đoán nổi lão đang nghĩ gì. Lão là một pho tượng mà một
viên cảnh sát vừa đem tới đặt ngồi ở đó.
Câu trả lời duy nhất lão nói với
luật sư khi ông này hỏi lão bất cứ về vấn đề nào :"Tôi đã giết con
tôi." Vì luật sư là người Mỹ, lão trả lời bằng tiếng Mỹ đúng giọng. Đôi
lúc lão thêm một tiếng "Vâng" trước câu trả lời đó :"Vâng, tôi
đã giết con tôi." Cũng may, luật sư
là người kiên nhẫn nên không tỏ ra bất mãn trước câu trả lời duy nhất
được nhắc đi nhắc lại. Thỉnh thoảng, ông cũng hơi cau mặt, nhưng bình tĩnh lại
ngay.
Thật ra, bên trong cái vẻ gỗ đá đó, tình cảm lão cũng rạt
rào, bồi hồi khi lão nghĩ lại những chuyện đã xẩy ra trong đời lão. Khoảng hơn
mười năm về trước, khi quyết định về hưu, lão nhận định thầm trong bụng, vì lão
không phải là người thích khoe khoang thành tích, rằng lão đã thành công trong
đời, một thành công không lớn lắm nhưng đủ để mãn nguyện cho một người ở mức
trung bình như lão. Dưới thời Pháp còn cai trị Việt Nam , cha lão chỉ là một tiểu công
chức, lương vừa đủ nuôi một gia đình có sáu con trai và hai con gái. Là con trưởng nên vừa học hết trung học lão
đã phải đi làm để giúp đỡ gia đình. Lão theo nghề cha, làm công chức cho nhà
nước, nhưng là loại công chức cao vì thời đó những người có bằng Tú Tài như lão
không bao nhiêu. Rồi lão cũng có gia đình riêng. Theo thời gian,"sống lâu
lên lão làng", khi lão sắp đến tuổi về hưu thì được giữ một chức giám đốc.
Đúng vào dịp đó, miền Nam
thua trận. Người con lớn của lão làm cho một cơ quan truyền thông của Mỹ đã
được phép đưa cả gia đình di tản bằng máy bay. Sang Mỹ, tuổi của lão chưa phải
là tuổi về hưu, nên lão phải học Anh văn để kiếm việc làm. Nhờ thông minh và có
vốn Pháp văn, lão học rất nhanh và chỉ nửa năm sau lão đã có việc làm đủ để
sống tự lập. Rồi, hơn mười năm làm việc, lão về hưu lúc đã ngót bảy mươi tuổi.
Sau khi lão về hưu, cái may mắn bắt đầu bỏ lão. Bà vợ lão đột ngột ra đi sau
một cơn bạo bệnh. Cái chết của bà vợ đã sống với lão hơn bốn chục năm trời làm
lão buồn mãi, chẳng bao giờ nguôi được. Hình bóng bà vợ yêu của lão thấp thoáng
đâu đó trong căn nhà nhỏ. Lão phải bán nó đi để dọn về ở một khu chúng cư . Lão
trân trọng thiết lập bàn thờ tổ tiên, cha mẹ và vợ trong phòng ngủ duy nhất,
lão ngủ ngoài phòng khách. Lão tưởng như vậy cũng tạm yên vì lão nghĩ rằng sự
ra đi của bà vợ đã là một tai họa lớn nhất
trong cái tuổi về già này. Nhưng đôi khi, lão cũng nơm nớp lo sợ khi nhớ
tới câu nói của người xưa :"Họa vô đơn chí." Rồi lão tự trấn an
:"Ồ, mình già rồi, cùng lắm là chết mà thôi." Mà cái họa lại đến
thật, nhưng nó không đến với lão. Nó đã đổ ập lên đầu người con trưởng của lão.
Con lão cách đây hai năm đã gặp một tai nạn khủng khiếp trên một xa lộ. Sau sáu
tháng nằm bệnh viện, hắn được đưa về nhà trong tình trạng nửa sống nửa chết.
Hắn liệt cả hai tay hai chân và bị câm. Hắn nằm ụ một chỗ, tất cả mọi việc đều
phải trông cậy vào vợ và hai đứa con còn trong tuổi đi học. Thấy con dâu bận đi
làm, hai cháu lo học, lão ngày ngày đi xe buýt tới trông nom con. Người con dâu
khuyên can thế nào lão cũng không chịu. Lão biết rằng nếu phải thuê người để
săn sóc bệnh nhân thì con dâu lão không
đủ khả năng tài chánh. Không có người giúp, con lão sẽ phải nằm một mình ở
nhà. Sau khi chồng gặp tai nạn, người vợ
đã phải xin nghỉ không lương ngót nửa năm trời để săn sóc chồng. Bao nhiêu tiền
để dành trong ngân hàng phải lấy ra tiêu hết. Vì vấn đề sinh sống của gia đình,
bà ta không thể nghỉ thêm được nữa. Lão không giúp thì gia đình này sẽ tan nát
trong một tương lai gần, hai đúa cháu của lão sẽ phải bỏ học. Thôi thì còn sống
ngày nào lão sẽ dành hết cuộc đời này cho người con tàn tật của lão. May là lão
rảnh rang và còn đủ sức khỏe. Hồi đầu, mỗi lần nhìn con nằm bất động, mắt mở
trừng trừng , muốn nói mà không nên lời, lão không sao cầm được nước mắt. Lão
phải chạy vội vào phòng tắm, đóng kín cửa lại, rồi la lên hai tiếng :"Trới
ơi !" Nước mắt lão dàn dụa, ướt đẫm cả khuôn mặt nhăn nheo. Có lúc, cũng ở
trong phòng tắm đóng kín cửa, lão nghẹn ngào nói :"Sao không cho tôi chết
thay thằng con tôi, để tôi sống thế này
làm chi !" Ngày qua ngày, lão dần dần bình tĩnh lại. Rồi hai cha con bắt
đầu tìm cách nói chuyện với nhau. Người con tuy câm, nhưng vẫn nghe hiểu lời
cha nói. Hắn dùng mắt để diễn tả ý nghĩ của mình. Nếu chưa hiểu, lão sẽ hỏi
lại. Chớp mắt hai cái liền là bằng lòng. Một cái là không. Lão thường kể cho
con nghe những chuyện vui vui mà lão đã đọc trong báo hàng ngày. Nhờ vậy, nỗi
khổ đau của lão giảm bớt phần nào.
Bỗng một hôm,người con có vẻ mặt khó khăn buồn bã, muốn nói
với cha một điều mà chưa tìm ra cách phát biểu. Lão phải mất hơn một tuần mới
hiểu được ý con. Hắn muốn chết ! Hắn
muốn lão giúp hắn chết. Lão bàng hoàng trước ý muốn đó của con. Lão chợt nhớ
tới một câu nói mà lão đã đọc được ở đâu đó từ lâu lắm rồi :"Muốn sống cho
ra sống, ta phải tích cực làm việc và cũng tích cực hưởng thụ." Tình trạng
của con lão bây giờ là tình trạng của một kẻ đã chết. Nằm liệt một chỗ, bất cứ
việc gì cũng phải nhờ người khác làm hộ, có khác gì một xác chết. Giá hắn chết
ngay trong tai nạn thì đỡ khổ cho gia đình. Sự hầu hạ đã làm mệt mỏi mọi người,
rồi đi đến chán nản. Hắn muốn chấm dứt cái kiếp tàn tật, nửa sống nửa chết cũng
là điều hợp lý. Nhưng hắn không thể tự làm lấy việc đó, muốn nhờ lão giúp.
Không. Không thể nào lão giúp hắn được. Không một người cha nào nhẫn tâm có thể
giết con, dù đứa con đó đã chết đến chín phần mười, nằm bất động một chỗ như
một cái xác chưa chôn. Mỗi lần hắn nhìn lão bằng đôi mắt cầu khẩn, van lơn, lão
lắc đầu với một vẻ rất cương quyết. Thấy cha quyết liệt từ chối, hắn lộ vẻ buồn
bã, đôi mắt ngầu đỏ, đẫm ướt. Những lúc đó, lão bỗng thấy lòng mình trùng
xuống.
Ba tháng nặng nề trôi qua kể từ
ngày con lão ngỏ ý muốn chết. Hắn cũng thôi liên tục van nài lão giúp, chỉ
thỉnh thoảng hắn mới nhắc đến. Nhưng một hôm, khác với thường lệ, lão bất ngờ
đến thăm con vào một ngày cuối tuần. Lão nhận ra sự sa sút của gia đình con.
Khi con trai lão còn khỏe mạnh, gia đình có hai lương nên có một cuộc sống sung
túc. Hai đứa cháu gái của lão chỉ học hành và nhởn nhơ vui chơi, không phải lo
nghĩ gì. Bây giờ nhà chỉ có một lương, mà là loại lương thấp. Sự sa sút tất
nhiên phải tới. Con cháu lớn đã phải nghỉ học để đi làm toàn thời gian, còn con
nhỏ vừa đi học vừa đi làm bán thời gian. Thì ra con dâu và hai cháu lão đã dấu
lão về tình trạng sa sút của gia đình. Lão thầm tự trách sao lão không nghĩ ra
điều đó từ trước. Lương của người con dâu không đủ trang trải mọi chi phí trong
gia đình. Muốn giữ mức sống như cũ hoặc gần bằng cũ, đứa cháu lớn của lão phải
bỏ học đi làm là chuyện phải xẩy ra.
Lão nghĩ đến việc tặng con dâu và hai cháu số tiền để dành
nhỏ bé của lão. Thế là lão ra ngay ngân hàng rút hết số tiền mà lão có trong
quỹ tiết kiệm. Nhưng con dâu lão và hai cháu cương quyết từ chối. Lão nói thế
nào họ cũng không nhận. Cuối cùng, người con dâu đề nghị :"Hay Ba dùng số
tiền này để thuê người trông nom nhà con cho Ba đỡ vất vả." Đến lượt lão
phải từ chối, viện cớ lão muốn tự tay săn sóc người con bệnh hoạn, tàn tật. Lão
chẳng hề thấy vất vả, mệt mỏi. Lão thật tình không đành tâm thấy cháu phải bỏ
giở việc học. Tương lai của nó đang sáng sủa bỗng trở nên bấp bênh. Lão vẫn
biết ở Mỹ này những người có chí không bao giờ phải vĩnh viễn bỏ học, lúc nào
cũng có thể có cơ hội để trở lại trường, nhưng lão vẫn thấy xót xa khi thấy đứa
cháu ruột của mình không được tiếp tục đi học.
Có một lúc vì thương hai cháu quá
lão bỗng thấy thằng con tàn tật của lão là thừa trong gia đình này, thừa trong
cái xã hội đang tích cực hoạt động. Nhưng lão phải xua đuổi ngay ý nghĩ đó đi.
Thế mà không hiểu sao người bệnh
như đoán được ý nghĩ thầm kín đó của lão. Ngày đầu tuần, lão đến thì hắn lại
năn nỉ lão giúp hắn được chết. Tia nhìn van xin, cầu khẩn của hắn xoáy vào lòng
lão làm lão bỗng tê điếng toàn thân. Cái ý nghĩ thừa thãi lại đến với lão.
Nhưng lão cố xua đuổi nó đi và lão tránh nhìn thẳng vào mắt con. Lão thầm nói
với mình :"Con nào cũng là con, tàn tật hay bệnh hoạn cũng vẫn là con
!" Thế rồi buổi chiều khi ngồi trên xe buýt để về nhà lão lại chợt tự hỏi
:"Sống như vậy có đáng sống không ?" Lão không trả lời dược câu hỏi
đó. Hay lão không dám trả lời ?
Lão đã không trả lời trực tiếp mà
trả lời gián tiếp bằng cách xin hẹn gặp bác sĩ đã chạy chữa cho con lão trong
bệnh viện khi hắn vừa gặp tai nạn. Câu hỏi duy nhất lão muốn bác sĩ trả lời dứt
khoát xem tình trạng của con lão có thể cải thiện không ? Sau khi xem lại hồ sơ
bệnh lý cùng nhiều tấm phim chụp óc, bác sĩ
đáp :
"Nếu không có phép lạ nào,
tình trạng của con ông chỉ có mỗi ngày một suy kém đi, khó mà khá hơn
được."
Lưỡng lự một lúc khá lâu, lão hỏi :
"Kéo dài bao lâu thì…thì nó
chết ?"
Bác sĩ lắc đầu :
"Khó mà biết rõ được. Năm bảy
tháng, vài ba năm, có khi cả chục năm không chừng. Tôi đã thấy có người nằm như
vậy hơn mười năm."
Lảo thở dài, rồi từ biệt vị thầy
thuốc người Mỹ. Lão biết lão sẽ phải làm gì. Nhưng quả thật lão rất phân vân.
Rồi ngày tháng qua. Lão vẫn phân
vân, không thể quyết định làm cái việc mà lão đã cho rằng phải làm. Trong khi
đó, tình trạng sức khỏe của con lão trở nên tồi tệ hơn. Trước kia, mỗi khi muốn
tiểu hay đại tiện, hắn có thể cho lão biết kịp thời để lão sửa soạn giúp hắn.
Bây giờ, hắn cũng không biết mình bài tiết lúc nào. Sự giúp đỡ trở nên khó
khăn, vất vả. Chỉ trong vòng một tuần, lão cảm thấy mệt mỏi vô cùng. Như biết
tình trạng sức khỏe của cha, người con nhìn lão bằng đôi mắt ái ngại. Rồi hắn
lại van xin lão giúp hắn chết. Trước tia nhìn cầu khẩn của con, lão ngoảnh mặt
làm ngơ. Buổi chiều khi ngồi xe buýt để về nhà lão bỗng cảm thấy mệt rã rời.
Lão biết rằng với tình trạng này lão không thể cầm cự lâu được nữa. Nếu lão
chết trước con lão, hắn sẽ ra sao ? Vợ
con hắn sẽ ra sao ? Bỗng lão quyết định
hắn phải chết trước lão thì mới cứu được gia đình hắn khỏi bị xụp đổ thảm
thương. Mà rồi khi lão chết lão mới yên lòng nhắm mắt.
Cuối tuần đó, lão đến một tiệm bán
súng, ghi tên mua súng. Sau hai tuần chờ đợi để điều tra lý lịch, lão trở lại
tiệm, người bán hàng cho biết lão đã được phép. Thật ra chỉ cần một tuần điều
tra, lão đã trì hoãn thêm một tuần nữa. Lão chọn một khẩu súng nhỏ với một bì
đạn sáu viên. Lần đầu tiên cầm khẩu súng trong tay, lão thấy ngài ngại. Lão vẫn
nghĩ đời lão sẽ chẳng bao giờ làm quen với súng đạn, ai ngờ vào cuối đời lão
lại có riêng một khẩu nhỏ.
Nhưng khẩu súng được nằm yên ở một
nơi kín đáo trong nhà lão cả mấy tháng trời
Lão vẫn phân vân. Tuy nhiên, trong thời gian đó, lão đã bắt đầu sửa
soạn, tính toán. Lão gói ghém số tiền mà
lão đã rút từ quỹ tiết kiệm gửi đến cho người con gái út ở một tiểu bang khác
với lời dặn dò rất chi tiết. Những giấy tờ quan trọng lão cũng xếp lại thành
một bọc, gửi cho người con trai thứ nhì ở tiểu bang bên cạnh. Lão cũng dẹp luôn
mấy bàn thờ, đưa bát hương và ảnh những người đã khuất, gửi bà em họ cùng ở
trong vùng với lão. Mấy viên thuốc ngủ mà bác sĩ đã cho lão khi tinh thần lão
bị khủng hoảng sau tai nạn của người con, cũng đã được lão tìm ra. Lão không
muốn con lão trông thấy lão để khẩu súng lên ngực hắn mà bóp cò. Thuốc ngủ sẽ
làm hắn mê đi trước khi bị lão bắn. Có lẽ chỉ hai viên cũng đủ. Không, phải ba
viên cho chắc và nhanh. Lão chỉ cần bắn một viên vào giữa tim hắn. Rồi lão sẽ
gọi điện thoại cho cảnh sát báo tin lão đã giết con.
Dù lão đã tính toán, xếp đặt kỹ
càng mà lúc thực hiện chương trình không phải là dễ. Tim lão hồi hộp đập liên
hồi. Khi cho con uống thuốc ngủ thay vì thuốc bệnh hàng ngày, tay lão run bần
bật. Thoáng trong một giây lão muốn thay đổi ý kiến, nhưng lão cố tự trấn an là
thầm nhủ rằng lão đang cứu con lão khỏi cái kiếp sống thừa nhục nhã, rằng lão
đang cứu hai đứa cháu…Rồi khi hắn đã ngủ
mê man, lão lấy súng ra, nhưng loay hoay mãi mới đưa được viên đạn lên nòng,
một phần vì tay lão run quá, một phần vì đây là lần đầu lão xử dụng súng.
Rồi sau khi con lão đã chết, máu
tuôn xối xả từ ngực hắn, lão hoảng sợ ném khẩu súng xuống đất. Lão ôm lấy mặt
khóc nghẹn ngào. Lão chợt hối hận đã làm một việc quá liều lĩnh, táo bạo. Lão
tự hỏi tại sao lão lại giết con ? Lão
như người mất hồn ngồi cạnh xác con lẩm bẩm nói :"Ba xin lỗi con. Trời ơi,
ai xui tôi giết con tôi thế này ? Tôi
tỉnh hay mê ?" Cả tiếng đồng hồ sau lão mới chợt nhớ đến việc phải làm là
gọi điện thoại cho cảnh sát.
X
X X
Tiếng ồn ào chung quanh kéo lão trở
về với hiện tại. Lão nhớ ra rằng lão đang ngồi trong tòa án, bên cạnh vị luật
sư chỉ định. Luật sư nói nhỏ với lão :
"Tòa tạm nghỉ, ngày mai họp
lại. Bồi thẩm đoàn đang thảo luận, chưa có quyết định gì. Tôi đã trình bày và
trưng các bằng cớ là con ông không thể sống được. Bác sĩ chữa cho hắn cũng được
mời ra làm chứng. Tôi tin ông có thể được giảm khinh."
Lão gật đầu tỏ ý cảm ơn, nhưng vẫn
không nói một lời. Một viên cảnh sát ra lệnh cho lão đứng lên, rồi người ta
còng cả hai tay lẫn hai chân lão. Vị luật sư
lại nói :
"Cứ an tâm, không đến nỗi nào
đâu."
Lão lại chỉ gật đầu tỏ ý cảm ơn. Lão thầm công nhận ông ta
là người có lương tâm. Khi cảnh sát kéo lão đi, lão vội nghiêng mình chào ông
ta. Lão vừa bước chân ra khỏi cửa tòa án
bỗng có hai người con gái nhào về phía lão. Mấy viên cảnh sát đã kịp
thời ngăn họ lại. Một người liền lên tiếng giải thích bằng tiếng Mỹ lưu loát :
"Chúng tôi là cháu nội, xin
cho phép được gặp ông chúng tôi."
Mấy viên cảnh sát nhìn nhau, rồi
một người nói :
"Lẹ lên. Chúng tôi không có
thì giờ."
Cả hai cùng reo lên :"Cảm ơn
!" rồi một người ôm lấy lão, nức nở :
"Ông…Cháu thương ông quá. Ông đã
cứu ba cháu."
Người cháu gái thứ hai nắm lấy tay
lão, nghẹn ngào :
"Ông đã cứu cả gia đình
cháu."
Cái vẻ trơ trơ sắt đá của lão bỗng
tan biến. Lão như vừa cảm động vừa vui
thích. Lão không định cười mà môi lão vẫn mở ra, méo xệch. Hai hàng nước mắt
lăn trên đôi má hóp nhăn nheo. Ngay lúc đó, một viên cảnh sát kéo lão lên xe.
Nhưng lão cũng kịp thoáng nghe tiếng người con dâu nói phía sau :
"Ba, con chưa thấy người cha
nào hy sinh cho con cái nhiều như Ba."
TQK
02 - 2000
Bài viết rất ý nghĩa, cám ơn bạn đã chia sẻ
ReplyDeleteclick xem thêm Trung tâm gia sư ở dĩ an bình dương