THỊT CHÓ
Tạ Quang Khôi
(Viết phiếm)
T
|
huở ấu thơ, tôi
sống trong một ngôi làng trù phú ven sông Hồng. Bố Mẹ tôi ra tỉnh buôn
bán, để anh chị em chúng tôi sống vớI môt bà cô ruột tạI quê nhà. Cô tôi không
lấy chồng, dù hồI trẻ cô cũng có nhiều ngườI nhòm ngó, mốI lái. Mẹ tôi cho biết
cô quyết tâm ở vậy để hầu hạ bà nộI tôi mù lòa từ ngày ông nộI tôi qua đời.
Cuộc sống của anh chị em tôi trong ngôi làng nhỏ này thật yên bình và đầy tràn
hạnh phúc. Chúng tôi cũng được đi học. Trường học chỉ là một gian nhỏ trong ngôi
đình làng, thế mà cũng gồm đủ cả ba lớp : Năm (cours Enfantin), Tư (cours Préparatoire)
và Ba (cours Élémentaire). Trường do một thầy hương sư phụ trách. Những ai học
hết lớp ba và thi đỗ sơ học yếu lược, sẽ lên huyện để tiếp tục học. Anh và chị tôi
không lên huyện mà lên thẳng tỉnh vớI bố mẹ tôi.
Còn lại một mình, tôi được cô thương
và chiều hơn nên sống rất tự do và phóng túng. BuổI chiều, dù trời lạnh hay nóng,
hết buổi học, tôi chạy ra đồng vui chơi vớI bọn trẻ chăn trâu. Chúng nó chính là
bạn học cùng lớp với tôi, chẳng phải ai khác. Gia đình chúng đều có ruộng cày,
nên nhà nào có ít nhất một con trâu. Bố Mẹ tôi cũng có ruộng, nhưng cho cấy rẽ
nên không phảI nuôi trâu. Thú chơi của chúng tôi là đánh khăng, đánh đáo…Vào những
ngày hè nóng nực, chúng tôi còn xuống sông bơi lội. Chúng tôi vừa chơi đùa vừa canh chừng mấy con
trâu để ngăn chúng không đến gần các ruộng lúa. CuốI cùng, chúng tôi thường mon
men tớI mấy luống khoai, bớI trộm vài củ, đem xuống sông rửa sạch đất cát, rồI
ăn ngấu ăn nghiến. Chúng tôi không phải là những kẻ đói khát, nhưng chỉ muốn
nghịch ngợm, vui chơi thôi. Lấy trộm một vài củ khoai trong một làng giầu có như
làng tôi không phải là một tội đáng trừng phạt. Dân làng tôi có một cuộc sống
khá sung túc, không đến nỗi đói khổ như nhiều nơi khác trong vùng trung châu Bắc
Việt. Vấn đề ăn uống của dân làng tôi không bị hạn chế. Họ có nhiều dịp để được
ăn thịt thả cửa. Thịt lợn là món ăn thường xuyên của mọi người. Thịt gà thì hiếm
hơn, dù nhà nào cũng có một chuồng gà ít nhất có 5, 7 con, mà cũng không phải vì
“vườn rộng, rào thưa”. Tôi chưa thấy làng tôi giết trâu hay giết bò bao giờ. Cô
tôi cho biết nhà nông coi trâu, bò là bạn nên không nỡ giết. Quả thật, trâu, bò
giúp nhà nông rất nhiều. Người ta còn cho rằng mùi thịt bò gây gây, không ngon.
Còn thịt trâu thì lạnh, không tốt cho sức khỏe con người.
Ngoài lợn gà, trâu bò, dân làng đôi
khi cũng ăn thịt chó. Năm, bảy nhà trong xóm đánh đụng một con. Có lần bác ruột
tôi cùng với mấy nhà trong xóm làm thịt một con chó, tôi được bác gọi tới. Cô tôi
không thích thịt chó, nhưng lại không muốn mất lòng ông anh cả nên miễn cưỡng
cho phép tôi sang nhà bác. Mâm cỗ chó có nhiều món quá, tôi chẳng biết món nào
với món nào. Ðây là lần đầu tôi được dự bữa tiệc chó. Thấy tôi ngơ ngơ ngác ngác,
bác tôi chỉ từng món để giải thích. Này, đây là chả nướng, đây là dồi, kia là bát
nhựa mận, còn đĩa bún này để ăn với xáo. Cuối cùng bác khuyên :
“Muốn biết con chó ngon hay không
ngon, chỉ nên ăn thịt luộc. Những món khác đều có pha chế mắm muối, giềng mẻ nên
làm mất mùi vị chính.”
Hôm ấy, tôi ăn thử tất cả các món,
món nào cũng thơm ngon hết. Còn là trẻ con, chưa biết thưởng thức của ngon vật
lạ, nên cứ được ăn là tôi ăn ngấu nghiến. Tôi chẳng thấy sự khác biệt nào giữa
các món. Ðối với tôi, thịt luộc nhạt nhẽo quá. Tôi thích nhất món xáo ăn với bún.
Bữa tiệc thịt chó của tôi chỉ kéo dài
không đầy 15 phút. Trong khi đó, bác tôi và mấy ông hang xóm ngồi khề khà gần
trọn một ngày. Các ông vừa ăn vừa uống rượu và cà kê dê ngỗng nói đủ mọi thứ
chuyện. Rượu của dân làng tôi là thứ rượu làm lấy. Loại rượu này chính quyền thực
dân Pháp gọi là rượu lậu. Người Pháp không cho dân mình làm rượu vì họ muốn giữ
độc quyền sản xuất rượu cho các nhà tư bản Pháp. Ngoài Bắc, dân chúng chỉ được
quyền uống rượu của nhà máy rượu Văn Ðiển ,
Nam Ðịnh và Gia
Lâm. Rượu của những nhà máy này được bán chính thức, dân chúng quen gọi là “rượu
ty”. Rượu mà dân làm lấy để uống hay bán đều bị coi là rượu lậu. Người làm rượu
lậu, nếu bị bắt, có thể bị tù đến mọt gông. Nhưng dân làng tôi vẫn lén lút nấu
rượu vì họ chê “rượu ty” không ngon, gắt quá, nồng quá. Nấu rượu tức là phạm pháp,
dù không mua đi bán lại.
Một hôm, vào một ngày hè nóng nực,
tôi đã thi đỗ bằng Sơ Học Yếu Lược và sửa soạn hết hè sẽ lên tỉnh với bố mẹ tôi
để tiếp tục đi học, làng tôi bỗng xôn xao, hoảng hốt. Dân làng hớt hơ hớt hải báo
cho nhau biết là Tây đoan đã ập tới đầu làng. Tây đoan về làng là tai họa sẽ xảy
ra. Tôi đang chơi đùa với các bạn ờ ngoài đồng cũng bị đuổi về nhà. Gần trọn ngày
hôm đó, lính đoan từ trên tỉnh về sục sạo từng nhà để tìm rượu lậu và đồ nấu rượu.
Chúng vào cả nhà tôi tìm kiếm cả giờ, tất nhiên là chúng không tìm thấy gì. Ðến chiều, khi mặt trời đã xế bóng, chúng ra
về tay không. Tôi không hiểu người ta giấu rượu và đồ nấu rượu ở đâu mà lính đoan
không tìm ra nổi. Khi cả bọn họ đã lên xe hơi, bỗng tên Tây đoan đầu xỏ phát giác
ra rằng thiếu con chó tây của hắn. Thế là bọn lính lại phải bổ đi khắp nơi để tìm
nháo tìm nhào. Nhưng cho đến khi mặt trời đã lặn, chúng cũng không tìm thấy con
chó quý đâu. Chúng phải về tay không. Hôm sau, rồi cả tuấn sau, chúng lại cho
người về tìm chó. Rồi chúng cũng phải bỏ cuộc vì không có một dấu vết nào để có
thể tìm ra manh mối. Câu chuyện con chó mất tích dần dần cũng chìm vào quên lãng.
Vào cuối hè, khi tôi sửa soạn từ biệt bà nội và cô tôi để lên tỉnh học, chuyện
con chó mất tích bỗng lại được nhắc tới. Trước ngày lên đường, tôi phải sang chào
bác tôi. Tôi tới nhà bác vào lúc bác đang có khách. Bác gái đưa tôi vào thẳng
nhà ngang. Khi đi qua nhà khách, tôi nghe loáng thoáng mấy ông khách của bác tôi
chê thịt chó tây không ngon, hơi béo và có mùi gây gây. Nghe chê như vậy, tôi đã
nghi nghi, nhưng không dám hỏi han gì. Khi khách khứa về hết, bác tôi vào nhà trong
gặp tôi và để dúi cho tôi mấy xu gọi là tiễn tôi đi học xa. Sau đó, tôi nghe bác
nói chuyện với bác gái là mấy ông ở xóm dưới đã ăn thịt con chó tây của tên tây
đoan. Khi chợt nhớ ra có tôi đang ở cạnh, bác không nói tiếp nữa, còn dặn tôi
phải giữ kín chuyện này, tiết lộ ra là chết cả làng, chứ không phải chỉ mấy người
bắt trộm chó và ăn thịt chó. Cho đến nay, khi viết lại những dòng này, tôi vẫn
không hiểu dân làng tôi làm sao giấu được rượu mà họ vẫn nấu, giấu được cả đồ
nghề nấu rượu nữa. Con chó tây cũng không phải là một con vật nhỏ bé, thế mà họ
cũng giấu kín được, rồi lén lút ăn thịt nó.
Sau này, khi ra tỉnh học, tôi thấy
dân tỉnh lỵ coi việc ăn thịt chó là bình thường, thậm chí có cả hiệu bán thịt
chó. Mỗi lần đi qua, tôi thấy người ta treo đùi và dồi chó để mời gọi khách. Mẹ
tôi tuy theo đạo Phật, nhưng thỉnh thoảng cũng mua thịt chó về cho bố tôi nhắm
rượu. Bố tôi không có rượu lậu để uống nên thường sai tôi ra đầu phố mua rượu của
ty, gọi là rượu ty, tức là rượu nhà nước sản xuất. Cụ thích nhất rượu Gia Lâm, đựng
trong một chai nhỏ. Ở miền Bắc, đơn vị đo lường của rượu là “cút” (một cút rượu).
Hình như chai rượu Gia Lâm là chai hai cút. Tôi không rõ một “cút” có bằng một
“xị” của miền Nam
không ? Mỗi lần rảnh rỗi ngồi uống rượu một mình, bố tôi chỉ uống hết nửa chai
rượu Gia Lâm. Ðôi khi bố tôi cũng có bạn nhậu, đó là ông hang xóm. Ông này đặc
biệt chỉ thích ăn thịt luộc và nậm chó. Tôi không hiểu nậm là cái gì nên một hôm
hỏi thẳng ông. Thì ra nậm là cái vú của con chó cái. Ông khen nậm vừa dòn vừa béo
ngậy. Nhưng nậm rất ít bán vì chỉ chó cái mới có.
Dân trong tỉnh tôi hồi đó không có
một tiếng lóng nào để gọi thịt chó. Người ta cứ nói thẳng là “thịt chó”, như thịt
lợn, thịt bò hay thịt gà... Sau này, trong vùng kháng chiến chống Pháp, lần đầu
tiên tôi nghe nói “hạ cờ tây” thì không hiểu là chuyện gì, cứ tưởng là đem quân
tấn công đồn Tây để hạ cờ lá cờ xanh trắng đỏ (thường gọi là cờ tam tài) của Tây
đang bay phất phới trên cao. Mãi đến khi thấy các bạn trong đơn vị trói một con
chó để cắt tiết, tôi mới hiểu rằng “hạ cờ tây” là hạ cầy tơ. Khi đã di cư vào
Nam, người ta lại gọi thịt chó là “nai đồng quê” vì gần nhà thờ Ba Chuông, đường
Trương Minh Giảng, có một tiệm bán thịt chó lấy tên là “Nai Ðồng Quê”. Gọi như
vậy là có ý coi con chó giống như con nai, không ở trong rừng mà ở ngoài đồng
ruộng. Ví như vậy, tôi cho là không đúng, vì thịt nai khác với thịt chó, mỗi loại
thịt có một mùi vị riêng và cách nấu nướng cũng không giống nhau. Nai là loại ăn
cỏ, lá cây, chó là loại ăn thịt. Chó ở Việt Nam còn ăn cả phân người nữa. Những
người ghét ăn thịt chó cho rằng ăn thịt chó tức là ăn…phân người một cách gián
tiếp. Nói như vậy là hoàn toàn sai lầm và phản khoa học. Ngày xưa, khi chưa có
phân bón hóa học, ở Việt Nam ,
nhà nông cũng bón ruộng bằng phân người. Vậy, ăn cơm cũng là ăn phân một cách
gián tiếp sao ?
Ngày xưa, vào đầu thế kỷ 20 có một ông
tổng đốc một tỉnh sát Hà Nội, cũng là một tay nghiện thịt chó, đã nghĩ ra một cách
rất sạch sẽ để “hạ cờ tây”, khỏi bị coi là ăn phân người một cách gián tiếp. Ông
cho đầy tớ ra chợ tìm mua một con chó vào loại choai choai, đúng là “cờ tây”.
Khi đem về dinh tổng đốc, con chó được “cách ly” với thế giới bên ngoài để khỏi
ăn lầm phân người. Nó được “tẩm bổ” bằng cơm trắng và thịt nấu nướng rất sạch sẽ.
Sau một tháng tẩm bổ, con chó mới bị cắt tiết. Không biết mùi vị thịt con chó được
“ăn chay” có khác với thịt chó trong dân gian không ? Hay cũng phải có giềng mẻ
mới đúng vị “cờ tây” ?
Nói đến chuyện ăn thịt chó, chắc
nhiều người hâm mộ thể thao, nhất là bong đá, hẳn chưa quên chuyện tranh cãi giữa
người Triều Tiên với cô đào chiếu bóng của Tây nổi tiếng khiêu gợi một thời, đó
là nảng Brigitte Bardot. Mùa hè năm 2002, trong khi thế giới đang sôi nổi theo
dõi các trận đá bóng quốc tế, Nàng BB, nhân danh là chủ tịch một hội bảo vệ súc
vật của Tây, lên tiếng chê người Triều Tiên không văn minh vì mê “hạ cờ tây”.
Người Triều Tiên bèn lên tiếng tự biện hộ rằng “hạ cờ tây” là một sắc thái của
văn hóa Triều Tiên. Nàng BB liền trề môi nói :”Cái gì mà văn hóa ! Văn hóa là văn
chương, chữ nghĩa, âm nhạc, đâu có liên quan gì đến việc đớp cầy tơ. Chó là giống
vật có nghĩa, tinh khôn, nên đã được coi là bạn của loài người. Ai lại đi giết
bạn để nhậu bao giờ !”
Nói như vậy là em BB cũng chưa hiểu
rõ hai chữ văn hóa. Theo các nhà nghiên cứu văn học, văn hóa chính là lối sống
hàng ngày của con người, với những thói quen, những tập tục có từ lâu đời. Vì
thế, mỗi xã hội có một nền văn hóa riêng và văn hóa có thể thay đổi tùy thời, tùy
từng khu vực, với mục đích làm cho con người sống thoải mái hơn, có nhiều hạnh
phúc hơn. Vì thế, dân Triều Tiên nói rằng ăn thịt chó chính là một sắc thái của
nền văn hóa Triều Tiên là trúng phóc.
Ngày xưa, người Tàu thường nói
:”Khuyển mã chi tình.”, nghĩa là ngựa và chó đều có tình nghĩa với người nuôi nó.
Ðã có những chuyện xưa kể lại rằng khi chủ chết, con chó hay con ngựa ra nghĩa địa
nằm cạnh mộ của chủ rồi chết theo chủ. Nàng BB chê người Triều Tiên kém văn
minh mới ăn thịt chó. Thế là em quên không sờ gáy của em rồi. Dân Pháp có thua
gì dân Triều Tiên khi họ ăn thịt ngựa. Bít tết (steak) ngựa là món ăn được dân
Pháp coi là ngon nhất và đắt tiền. Ăn thịt ngựa cũng có thể coi là một sắc thái
riêng của nền văn hóa Pháp.
Sau ngày cộng sản chiếm miền Nam , dân Nam được biết thêm một món ăn khoái
khẩu nữa của bộ đội Bắc Việt, đó là thịt mèo. Ðêm đêm họ đi lùng bắt mèo hoang
về nấu cà ry. Họ cho biết cà ry mèo rất ngon vì thịt mèo giống thịt thỏ. Không
biết sau này người Nam
có ai bắt chước bộ đội cộng sản ăn thịt mèo không ? Trước năm 1975, ở trong Nam , hầu
như rất ít người biết thưởng thức món ăn kỳ lạ này.
Riêng tôi, thịt mèo chưa bao giờ tôi
nếm một miếng dù nhỏ tý tẹo, còn thịt chó tôi cũng “cai” luôn sau khi nhìn thấy
con chó sắp bị cắt tiết khóc, nước mắt chảy dòng dòng. Một hôm, tôi được một ông
bạn mời tới nhà ăn mừng con ông vừa đỗ tú tài toàn phần hạng tối ưu, có nhiều
hy vọng được học bổng đi du học. Ông mời khá đông bạn bè, nhưng tôi là một khách
đặc biệt vì đã có chút công giúp cho con ông được đỗ hạng cao. Vì thế, tôi đến
nhà ông chơi từ sang sớm. Nhà ông ở vùng ngoại ô Saigon
nên có vườn rộng, mát mẻ. Ông cũng là một nhà giáo như tôi, nhưng thuộc lớp đàn
anh. Ðến nơi, tôi mới biết ông sẽ “thịt” một con chó để đãi khách. Con chó đã
mua từ mấy hôm trước và sẽ bị cắt tiết vào buổi xế trưa. Chuyện giết chó để đãi
khách là một chuyện thường xảy ra, không có gì đáng nói. Thế rồi, sau bữa cơm
trưa, người ta nhộn nhịp sửa soạn giết chó. Tôi đã nhiều lần ăn thịt chó, nhưng
chưa bao giờ được xem cắt tiết. Tôi đề nghị ông bạn đưa tôi ra “pháp trường”. Ông
vui vẻ nhận lời ngay. Con chó bị trói cả bốn chân và bị treo ngược lên một cành
cây ngoài vườn. Ðó là một con chó vàng. Theo những người sành thịt chó thì thịt
chó vàng ngon vào hạng nhì, vì thế đã có câu :”Nhất mực, nhì vàng, tam khoang,
tứ vện.” Cũng có nơi, người ta xếp hạng khác một chút :“Nhất vàng, nhì vện, tam
khoang, tứ mực.” Tôi không biết cách xếp hạng nào đúng vì không phải là một tay
sành cẩu nhục. Ngoài bốn loại vừa kể, tôi còn thấy chó lài, loại chó ta lai
berger. Nó không vàng, không vện, không khoang và cũng không mực luôn. Thịt chó
lài không biết có ngon không mà không thấy ai nhắc tới. Cạnh con chó vàng sắp bị
cắt tiết, người ta đã để sẵn mấy tô lớn, chuẩn bị hứng máu chó. Tôi tò mò đến gần
con vàng để nhìn rõ hơn. Nó cũng nhìn tôi và tôi chợt nhận ra hai hàng nước mắt
của nó. Tôi thốt kêu :”Con chó khóc, anh
ạ.” Ông bạn cười :”Nó biết gì mà khóc với mếu. Mình treo ngược nó, làm cho cơ
thể nó có một phản ứng gì đó, nên nước mắt chảy ra. Cũng như con cá sấu khi há
mõm đớp mồi thì nước mắt chảy ra. Vì thế, người ta gọi những người khóc vờ, giả
bộ thương kẻ khác là nước mắt cá sấu.” Tôi không nghĩ lời giải thích ấy là đúng
vì tôi nhớ tới câu nói của người xưa ”Khuyển mã chi tình.” Bảo rằng nó không biết
gì tại sao nó lại có tình với chủ ? Phải chăng con chó vàng này biết nó sắp chết
? Bản năng tự tồn của một sinh vật thúc đẩy nó có phản ứng tiêu cực là khóc vì đã
bị trói cả bốn chân ?
Bữa thịt chó hôm ấy tôi không ăn một
miếng nào, chỉ ngồi nói chuyện xuông với khách khứa cho vui. Ðó cũng là bữa cuối
cùng trong đời tôi vì mỗi lần nghĩ đến thịt chó, tôi lại nhớ đến hai hàng nước
mắt của con vàng.
TQK
Xem kèo ibet888 hôm nay. Dư đoán chính xác nhất
ReplyDelete