VÌ YÊU
TẠ QUANG KHÔI
T
|
ôi cúi nhìn xuống đất, nhưng cũng đoán biết
chị Liên đang chăm chú ngó tôi. Sau câu chuyện tôi vừa kể, chúng tôi giữ im
lặng đã lâu. Tôi không rõ tôi đang chờ đợi ở chị một lời khuyên hay một lời an
ủi. Bất cứ lời nói nào của chị lúc này cũng đều có ích. Tôi nhẹ vuốt tà áo và
cố gắng thở hết sức khẽ.
Đột
nhiên chị Liên lên tiếng :
"Cô có chắc là
cô thật yêu Tĩnh không ?"
Tôi
vụt ngửng lên, ngạc nhiên. Tôi không hiểu sao chị lại hỏi một câu có thể gọi là
ngớ ngẩn như vậy được. Nhưng tôi chỉ cười rồi đáp :
"Chẳng lẽ em
không hiểu nổi lòng em sao ?"
"Tĩnh
cũng yêu cô như…cô yêu Tĩnh ?"
Tôi
không bằng lòng về câu hỏi của chị, nhưng chỉ khẽ thở dài, im lặng. Chị dịu
dàng :
"Tôi phải hỏi cô
thật rõ ràng trước khi tìm cho cô một lối thoát. Cô đừng buồn."
Tôi
hững hờ đáp :
"Vâng !"
"Thầy
Mẹ biết chuyện rồi ? Các cụ nói gì
? Chắc là buồn lắm nhỉ. Tôi không hiểu
sao Thầy Mẹ lại quá nghiêm khắc như vậy? Theo đạo nào chả được, miễn người ấy là
người tốt, phải không cô ?"
“Dạ
!”
"Hồi
tôi còn ở nhà, Thầy Mẹ cũng đã làm khổ tôi vì vấn đề này, chắc cô còn nhớ. Mà
đến bây giờ nào tôi có được sung sướng gì cho cam."
Chị
khẽ thở dài. Đôi mắt chị nhìn vào xa xăm như đang tìm lại những hình ảnh của
một thời đã qua. Tôi biết chị đang nhớ tới cái tuổi còn con gái của chị…
X
Năm
ấy chị Liên vừa đúng hai mươi. Chị hơn tôi bảy tuổi. Chị đẹp lắm - mà bây giờ
chị vẫn đẹp. Chị đã từng là hoa khôi của phố tôi. Vì thế, chị được nhiều chàng
trai nhòm ngó. Mối manh đi lại tấp nập. Thầy Mẹ tôi - có lẽ cả gia đình tôi -
rất hãnh diện về chị. Nhưng không hiểu sao không một đám nào chị ưng. Chị cứ
lắc đầu hoài. Mẹ tôi có hỏi thì chị đáp :
"Con còn nhỏ, mẹ
cho phép con ở nhà hầu hạ Thầy Mẹ thêm ít lâu nữa. Con chưa muốn lấy
chồng."
Mẹ
tôi đành phải từ chối hết đám này đến đám khác. Thầy tôi giận lắm. Có lần Người
đập bàn quát :
"Nó là con nhà
tử tế, lại vừa đỗ cử nhân, mày không lấy nó thì định lấy ai nữa ?"
Rồi Người quay sang
phía Mẹ tôi :
"Bà tính xem,
nhà người ta đạo gốc mà anh em làm nên cả, nó cũng chẳng chịu là nghĩa làm sao
?"
Mẹ tôi chỉ thở dài.
Chị
Liên thút thít khóc. Bữa cơm trưa hôm ấy, rồi cả bữa chiều, chị ở lì trong
phòng riêng. Thấy thế, Thầy tôi nói xẵng :
"Mặc xác nó
!"
Đến tối, Mẹ tôi phải
lén sai chị sen đi mua phở cho chị. Chị cũng không chịu ăn. Nhưng hôm sau, khi
câu chuyện đã dịu đi, chị lại xuống ăn cơm như thường. Tuy nhiên chị vẫn có vẻ
trầm lặng thế nào ấy. Từ hôm đó, tôi thường bắt gặp chị ngồi nhìn vào xa vắng
với vẻ mặt buồn rầu, đăm chiêu. Tôi không hiểu sao chị buồn. Tôi không dám hỏi.
Tôi chỉ cho rằng có lẽ chị buồn vì chị chưa muốn lấy chồng mà Thầy Mẹ cứ ép.
Cũng
từ hôm đó mối manh thưa dần. Tôi tưởng chuyện chồng con của chị như thế đã tạm
xếp.
Bỗng
một hôm, đi phố về, chị ôm một gói lớn. Chị cười nói vui vẻ và gọi chúng tôi ra
để chia quà. Các anh và em tôi không ai để ý đến sự thay đổi đột ngột ở chị.
Riêng tôi, tôi rất ngạc nhiên. Chị cho chúng tôi rất nhiều bánh và cả đồ chơi
nữa. Tôi được một con búp bê lớn. Nó biết mở mắt, nhắm mắt và biết khóc khi đặt
nằm. Sung sướng quá, tôi chạy ngay lên gác tìm vải may quần áo cho búp bê. Tôi
quên ngay sự thay đổi đột ngột nơi chị.
Bữa
cơm trưa hôm ấy, chị nói hơi nhiều làm Thầy Mẹ tôi ngạc nhiên hết sức. Buổi
chiều về học, tôi thấy Thầy Mẹ tôi đang tiễn bà Ba ở bên hàng xóm ra cửa. Tôi
đoán lại có người hỏi chị Liên. Bà Ba chính là bà mối ở phố tôi.
Lúc
trở vào, Thầy tôi hỏi :
"Bà nghĩ sao
?"
Mẹ tôi đáp :
"Cái đó tùy
ông…Nhưng kể cũng hơi khó…"
Thầy tôi cắt ngang :
"Còn hơi gì nữa.
Khó hẳn đi chứ lỵ. Nhà ấy họ có đạo đâu. Tôi như bà lúc nãy thì tôi đã trả lời
phắt đi là "không" cho xong chuyện."
Mẹ
tôi lườm :
"Cái ông này rõ
thật hay. Ai lại trả lời như thế bao giờ."
Quả tôi đoán không
sai. Mẹ tôi cho gọi chị Liên xuống nói chuyện. Mẹ tôi cũng chỉ định nói qua cho
chị biết thôi chứ Người cũng thừa hiểu chị không ưa chuyện chồng con. Mẹ tôi phải
dục đến lần thứ hai chị mới chịu xuống. Hôm nay trông chị có vẻ e thẹn làm sao
ấy. Mẹ đuổi tôi vào nhà trong. Tôi muốn đúng lại nghe trộm nhưng lại sợ bị
mắng.
Tôi
quên ngay câu chuyện mà Mẹ tôi sắp nói với chị Liên khi ôm con búp bê vào lòng.
Tôi nâng niu nó, hôn hít nó như chính nó là một đứa em gái nhỏ của tôi. Tôi đã
cố gắng đem tài khâu vá của tôi ra để may cho nó một bộ áo đầm. Công việc ấy đã
chiếm mất cả một buổi trưa.
Tôi
đang say mê âu yếm con búp bê thì bỗng nghe thấy tiếng quát của Thầy tôi từ nhà
ngoài vang vào :
"Mày ưng nó
? Mày ưng nó à, con kia ? Tao không ngờ !"
Tôi
vội vàng ôm con búp bê chạy ra. Mẹ và chị Liên ngồi bên nhau trên một cái sập
gụ, Mẹ im lặng, chỉ thỉnh thoảng thở dài. Chị Liên nức nở khóc, mặt úp vào hai
bàn tay. Thầy tôi đứng gần đấy, mặt hầm hầm, hai tay nắm chặt lấy thành ghế trước
mặt.
"Nó
ngoại đạo ! Nó nghèo ! Nó chẳng đỗ đạt gì cả ! Mày ưng nó vì cái gì ? Tao không thể hiểu được mày. Tao nhất định
không chịu, đừng có hy vọng."
Nói
xong, Người bỏ đi. Chị Liên vẫn thút thít khóc. Một lát, Mẹ tôi cũng đứng dậy
bỏ đi nốt. Thấy còn một mình chị, tôi mon men bước lại gần. Chị ngửng lên nhìn
tôi, khe khẽ lắc đầu. Tôi đứng im lặng ngó chị, không biết nói gì với chị. Chị
uể oải lê gót về phòng riêng.
Đêm
hôm ấy, khi tôi đi ngủ, U Hà cho tôi biết chị Liên phải lòng anh Bình ở đầu
phố. Thảo nào mỗi lần gặp tôi, anh thường tỏ ra mến tôi. Anh mua bánh kẹo cho
tôi luôn. Vì thế, tôi cũng mến anh. Đã nhiều lần tôi rủ anh về nhà chơi, anh
đều từ chối.
"Cậu
Bình cậu ấy hiền lành đáo để, em có biết không ?" U Hà nói, "Trông
cậu ấy cũng bảnh trai đấy chứ. Nhưng ông chê cậu nghèo này, ngoại đạo
này…"
Tôi
chợt hỏi :
"Tại sao Thầy
không thích người ngoại đạo, hở U ?"
Bị
hỏi bất ngờ, U lúng túng :
"Tại…tại người
ngoại đạo… không đi nhà thờ..."
Ngừng
một chút. U lại nói :
"Này, em có biết
cậu Bình cậu ấy làm báo không ?"
"Không.
Anh Bình làm báo à ? (Sau này tôi biết
anh là một nhà văn.)
Câu
chuyện của chúng tôi nhạt dần, rồi tôi ngủ đi lúc nào không biết.
Sáng
hôm sau, nhằm ngày chủ nhật, chúng tôi phải dậy sớm đi lễ. Lúc đến cửa nhà thờ,
Mẹ bảo chúng tôi :
"Các con hãy cầu
nguyện cho chị Liên."
Bấy giờ tôi mới thấy
thiếu chị. Chị tệ thật ! Đến ngày hôm nay mà chị cũng bỏ lễ, chả trách Thầy tôi
giận là phải.
Buổi
ấy, quỳ trong nhà thờ, tôi chỉ băn khoăn nghĩ đến chuyện chị Liên với anh Bình,
quên cả lời mẹ dặn. Tuy vẫn không hiểu tại sao Thầy không bằng lòng cho chị lấy
người ngoại đạo, tôi cũng cho là người có lý. Anh Bình đẹp trai thật đấy, hiền
lành thật đấy, nhưng có bao giờ tôi gặp anh đi nhà thờ đâu. Tôi không hiểu tại
sao chị Liên lại có thể phải lòng anh được. Tôi chỉ mến anh thôi.
Đang nghĩ vẩn vơ, tôi
nghe Mẹ hỏi khẽ bên tai :
"Con không lên chịu lễ à ?" Tôi giật mình nhìn lại. Mẹ đang nhìn tôi
nghiêm nghị. Tôi uể oải đứng dậy và miễn cưỡng bước lên quỳ trên cái bục gỗ sát
chỗ cha làm lễ.
Suốt ngày hôm ấy, cả
ngày hôm sau, rồi một tháng liền, chị Liên không hề bước chân ra khỏi cửa. Chị
cũng không đi xem lễ. Một hôm, U Hà bảo tôi :
"Cậu Bình dọn
nhà lên Hà nội rồi. Cậu ấy bảo không bao giờ cậu ấy trở về Nam định nữa."
Cũng từ hôm đó chị
Liên lại càng buồn hơn. Mắt chị luôn luôn đỏ. Một tuần chị bỏ cơm vài ba ngày.
Mẹ thương chị lắm. Người đã nghĩ tới việc gả chị cho anh Bình. Nhưng Thầy tôi
rất cương quyết. Người thường nói :
"Rồi nó sẽ quên
đi, cứ mặc nó !"
Theo tháng ngày, người
chị Liên xọp hẳn đi, trông thật thảm thương. U Hà thì thầm bên tai tôi
:"Cô Liên tương tư cậu Bình."
X
Có tiếng trẻ khóc,
chị Liên vội vã chạy vào nhà trong. Một lát sau, chị trở ra, bế theo con Hồng,
đứa con thứ ba của chị. Vừa đi, chị vừa nựng :
"Thôi thôi, mẹ
xin con gái mẹ. Mẹ thương con lắm mà !"
Con Hồng nín dần. Chị
nhìn tôi mỉm cười :
"Cô xem có chóng
không ? Mới dạo nào nhỉ !"
Tôi cười theo :
"Vâng, chóng
thật ! Mới dạo nào !"
Chị vén áo, vạch vú,
ấn vào miệng con Hồng. Đứa bé bú một cách ngon lành. Chị nhè nhẹ vuốt tóc nó.
Nhìn cảnh chị âu yếm
con, tôi nghĩ đến hồi chị ốm tương tư.
Tôi không thể ngờ người thiếu nữ năm xưa mang bệnh tương tư một chàng
trai, bây giờ lại có con với một chàng trai khác. Những nét đau khổ trên gương
mặt chị không còn nữa, nhưng đôi mắt chị vẫn buồn vời vợi. Có lẽ chị còn mang
trong tim bóng hình của chàng trai mối tình đầu. Người ấy đã đi biệt tích sau
khi gửi cho chị một lá thư. Lá thư ấy ngày nay chị còn giữ, tất nhiên chị phải
dấu anh Tùng, chồng chị.
Tôi không hiểu anh
Bình đã viết những gì mà khi đọc xong chị hết buồn. Rồi ít ngày sau chị trở lại
cuộc sống bình thường. Buồn đau không còn ghi dấu vết trên gương mặt chị, nhưng
có lẽ chúng đã vào ẩn trong tim chị, vì từ ngày ấy, chị hay nhìn vào xa xăm.
Chị nhìn ai, nếu không phải là theo dõi bóng hình anh Bình ?
Thế rồi nửa năm sau
chị bằng lòng lấy anh Tùng, không cần suy nghĩ, đắn đo. Tôi nghĩ rằng hồi đó ai
hỏi chị trước tiên chị sẽ bằng lòng, chả cứ anh Tùng, miễn đừng trái với những
điều kiện Thầy tôi đặt ra.
Sau ngày cưới, chị đã cố gắng làm tròn bổn
phận của một người vợ. Anh
Tùng
rất yêu chị, nhưng cũng mê làm chính trị không kém. Anh vắng nhà luôn, chị
không hề oán thán một lời. Khi anh được làm một chức lớn trong chính phủ, chị
cũng không vui hơn. Có lần tôi trách chị hững hờ với chồng, chị cau mày hỏi :
"Thế nào mới là không hững hờ ? Tôi tưởng như thế là tôi đã làm tròn bổn phận
của một người vợ."
Tôi nói :
"Đầy đủ bổn phận chỉ mới là trọn nghĩa
thôi, chị nên…"
Chị gạt ngang :
"Cô lại sắp giở lý sự ra đấy. Tôi chẳng
biết làm thế nào hơn nữa."
Tôi thở dài, im lặng. Tôi biết tất cả tâm hồn
chị đã trao cho anh Bình mất rồi.
Cho con Hồng bú xong, chị nói :
"Tĩnh cũng không có đạo, phiền quá nhỉ.
Chắc Thầy Mẹ buồn lắm đấy. Có hai
cô
con gái, lại cùng yêu người ngoại đạo cả. Thật chán !"
"Chị tính, chả lẽ lúc bắt đầu yêu mình
lại hỏi dò xem người ta theo đạo gì . Em
thấy
nhiều gia đình có khó khăn lắm về vấn đề này đâu. Chỉ có Thầy là quá nghiêm
khắc, nghiệt ngã không ?"
"Mà sao tôi nghe nói Tĩnh bằng lòng trở
lại đạo kia mà."
"Trước kia anh ấy cũng định thế, chị ạ.
Nhưng hôm rồi anh ấy bảo với em là anh
ấy
không thể theo đạo được. Gia đình anh ấy cho tự do, song lương tâm anh ấy không
cho phép. Anh ấy nói thế, em cũng chỉ biết thế."
Chị Liên nhìn tôi ái ngại :
"Kể cũng rầy rà nhỉ."
Tôi buồn bã nghĩ tới buổi chiều gặp Tĩnh ở
nhà một người bạn. Anh cho biết anh
đã
thay đổi ý kiến về việc theo đạo, dù anh vẫn yêu tôi tha thiết. Tôi nhìn anh
chăm chú và biết anh nói thật. Tôi bỗng òa khóc vì tôi nhận ngay ra rằng chúng
tôi khó có thể lấy nhau. Thầy Mẹ tôi đời nào chịu nhận một người con rể ngoại
đạo. Mà tôi thì yêu Tĩnh quá mất rồi !
Tĩnh vuốt tóc tôi, bùi ngùi :
"Em thử nghĩ xem, anh không có lòng tin
thì làm sao anh có thể gần Chúa được.
Trước
kia anh cứ tưởng tình yêu của chúng ta sẽ mở cho anh con đường đến với Chúa. Nhưng
anh đã lầm. Anh thấy anh không xứng đáng quỳ dưới chân Chúa để cầu xin Chúa ban
phúc lành, nếu anh thay đổi tín ngưỡng chỉ với một mục đích là lấy được em.
Chắc em cũng hiểu cho lòng anh. Không, anh không thể hèn hạ như vậy được, vì đó
chỉ là một hành động lừa đảo."
Tôi nức nở :
"Nhưng anh đã hứa sẽ hy sinh tất cả vì
em."
"Đến bây giờ anh vẫn sẵn sàng nhắc lại
lời hứa đó. Anh chỉ tiếc anh chưa có
đức
tin. Chúa sẽ nghĩ thế nào khi Chúa biết anh không hề tin nơi Chúa mà đi theo
Chúa chỉ vì em ?"
Tôi vùng đứng dậy, chạy vụt ra cửa. Tôi không
muốn nghe Tĩnh nói nữa.
Tĩnh đã làm tôi đau khổ, song tôi vẫn yêu anh
tha thiết, không dám hờn giận anh
lấy
một giây ngắn ngủi.
Chị
Liên đến bên tôi từ lúc nào tôi không hay. Chị nắm lấy tay tôi khiến tôi nhớ
đến
hiện tại. Tôi ngước mắt nhìn chị. Chị ngó tôi rất lâu, rồi chậm rãi :
"Tôi chỉ có một điều khuyên cô, còn tùy
cô định liệu : không bao giờ ta tìm thấy hạnh phúc nếu không lấy được người
mình yêu và người đó cũng yêu mình."
Tôi không nói gì, lặng lẽ bước ra khỏi cửa,
quên cả chào chị.
Chiều hôm ấy, tôi bỏ cơm, vào quỳ một mình
trong nhà thờ, trước tượng Đức
Mẹ.
Tôi cầu nguyện rất lâu. Cuối cùng tôi ngước nhìn lên tượng Chúa trên cây Thánh
Giá. Tôi khóc từ lúc nào cũng không hay. Tôi thấp thoáng thấy bóng Chúa qua
màng lệ mỏng. Tôi nấc khẽ. Hình Chúa bỗng tan đi. Tôi vội chớp mắt, nhưng vẫn
không thấy hình Chúa đâu. Hình ảnh Tĩnh bỗng hiện ra trước mắt tôi, lúc đầu còn
mờ mờ ảo ảo, sau rõ dần với nét mặt đau khổ. Tôi vụt đứng dậy và hốt hoảng chạy
ra khỏi nhà thờ trước đôi mắt ngạc nhiên của một bà lão ngoan đạo ngồi gần.
Bóng tối chùm lấy tôi. Tôi nghẹn ngào gọi
thầm :
- Tĩnh ơi !
TQK
8/1958
No comments:
Post a Comment